Bài toán khó
Việc mức thuế VAT tăng từ 5% lên 10% được xem là bài toán khó mà các doanh nghiệp điện ảnh cần tìm lời giải trong thời gian tới. Trong đó, cánh cửa tìm kiếm nhà đầu tư ngày càng hẹp dần bởi thực tế cho thấy điện ảnh từ lâu đã là ngành mang tính rủi ro, trong khi những người làm kinh tế có thể hướng đến những lĩnh vực an toàn hơn.
Theo ghi nhận, chỉ riêng trong năm 2024, số phim điện ảnh đạt doanh thu cao không quá nhiều, chỉ có Mai (Trấn Thành), Lật mặt 7 (Lý Hải)... thành công rực rỡ về doanh thu. Số phim doanh thu thấp, thậm chí nhà sản xuất chịu lỗ nặng, là không hề ít, điển hình: Đóa hoa mong manh (Mai Thu Huyền), Móng vuốt (Lê Thanh Sơn), Domino: Lối thoát cuối cùng (Nguyễn Phúc Huy Cương)… Điều đó cho thấy thị trường điện ảnh Việt còn bấp bênh, chưa thật sự ổn định và việc đầu tư vào một tác phẩm là sự mạo hiểm cao.
"Nếu thuế tăng lên gấp đôi, một dự án 25 tỉ sẽ thành 26 tỉ mấy và doanh thu của bộ phim phải lên đến 67 - 69 tỉ mới có khả năng hòa vốn. Điểm hòa vốn của nhà đầu tư sẽ cao hơn, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải cân nhắc kỹ hơn trong đầu tư điện ảnh. Bởi thường họ chủ yếu đầu tư vì yêu thích thôi, chứ nếu là dân đầu tư thì họ sẽ không chọn điện ảnh vì rủi ro và mạo hiểm hơn những ngành khác", đạo diễn Charlie Nguyễn nói.
Chia sẻ với Thanh Niên, đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm nhận định mức thuế VAT tăng gấp đôi tưởng chừng là con số nhỏ nhưng lại khiến các nhà đầu tư e dè. Anh khẳng định không phải phim nào ra rạp cũng có thể thắng lớn như tác phẩm của Trấn Thành, Lý Hải… Anh lấy ví dụ dự án Cái giá của hạnh phúc đã phải chịu lỗ, từ đó khẳng định tính rủi ro khi đầu tư phim ảnh khá cao.
"Khi tăng thuế VAT, ảnh hưởng rõ nhất là việc các nhà đầu tư hạn chế hơn. Con số 5% không hề nhỏ. Mọi người nghe doanh thu một phim khá lớn nhưng làm "trầy vi tróc vảy" nhiều khi huề vốn hoặc lời 2 - 3% là mừng lắm", Lý Minh Thắng - đạo diễn Công tử Bạc Liêu - cho hay.
Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, mức thuế VAT tăng lên 10% không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư, nhà sản xuất, mà còn có những tác động đến chất lượng phim cũng như hệ thống phát hành. Chẳng hạn với một dự án 25 tỉ đồng phải tăng lên thành 26 tỉ đồng hoặc vẫn giữ mức ngân sách đó nhưng phải cắt hoặc viết lại kịch bản. Đôi lúc chính vì điều đó mà nhà sản xuất không đủ điều kiện để có được dàn diễn viên hay những nhân sự như mong muốn.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng nếu ngân sách cao hơn, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc hơn vì điện ảnh là một mảng đầu tư mạo hiểm. "Cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phim và qua đó sẽ ảnh hưởng tới hệ thống phát hành vì hệ thống phát hành cũng cần một thị trường phát triển. Khó khăn từ một khía cạnh nào cũng sẽ ảnh hưởng đến khía cạnh khác vì nó phụ thuộc và liên kết với nhau hết", anh nói.
"Nhà làm phim không làm nổi một mình…"
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ anh và một số nhà làm phim thấy buồn khi thuế VAT tăng. Theo đạo diễn phim Đất rừng phương Nam, điện ảnh VN đang có sự chuyển biến từ phim nhà nước sang phim tư nhân, có đơn vị thành công nhưng cũng có những thất bại. "Bây giờ khó khăn thì phải cố gắng thôi. Nguồn đầu tư bây giờ tất nhiên sẽ hiếm hơn", anh nói.
Thực tế cho thấy việc mức thuế VAT tăng từ 5% lên 10% là một thách thức lớn với các doanh nghiệp điện ảnh, đòi hỏi họ vừa phải cân nhắc, giải quyết bài toán về ngân sách khi thực hiện một dự án. Song ở một góc độ khác, sự thay đổi này đặt ra yêu cầu lớn đối với các nhà sản xuất, nhà phát hành trong việc cân chỉnh số lượng, chọn lọc kỹ lưỡng những sản phẩm chất lượng trước khi ra rạp.
Sự hỗ trợ, giúp sức của cơ quan quản lý nhà nước là điều cần thiết trong hành trình sáng tạo tác phẩm điện ảnh. Như đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ: "Nếu chúng ta muốn đuổi kịp thế giới, chất lượng phim và trình độ chuyên môn của chúng ta phải được nâng lên. Và để làm được như thế thì nhà làm phim không làm nổi một mình mà phải cần sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành. Một đạo diễn không thể làm nên một bộ phim mà cần cả một tập thể và rất nhiều cơ quan đứng sau hỗ trợ thì đạo diễn đó mới có thể làm ra một tác phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn".
Tăng thuế VAT với hoạt động văn hóa, sản xuất phim lên 10%
Chiều 26.11, Quốc hội thông qua luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Tại dự thảo luật vừa được Quốc hội thông qua, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim, sẽ chịu mức thuế suất 10% thay vì 5% theo luật hiện hành.
Trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút thông qua dự án luật, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành về việc áp dụng mức thuế 5% cho các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim.
Tuy nhiên, theo giải trình của cơ quan soạn thảo, các hoạt động văn hóa cần được ưu đãi, khuyến khích chủ yếu là các loại hình biểu diễn nghệ thuật, văn hóa dân tộc mang tính truyền thống. Do đó, dự thảo luật đã quy định các "hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống, dân gian" thuộc diện áp dụng thuế suất 5%.
Với các loại hình giải trí, nghệ thuật khác, cơ quan soạn thảo cho rằng hiện nay cơ bản đã được xã hội hóa và mang tính thương mại cao. Đồng thời, một trong những mục tiêu chính của việc sửa luật Thuế VAT lần này là dần thu hẹp diện áp dụng thuế suất 5% để có thể tiến tới thống nhất một mức thuế suất là 10%. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo luật, quy định 10% đối với các hàng hóa, dịch vụ nói trên.
Lê Hiệp
Bình luận (0)