Vấn đề đặt ra là: nếu sau khi bỏ phiếu tín nhiệm, một quan chức lại không có được đa số thì sao? Thì rõ là quan chức đó đã bị bất tín nhiệm! Vậy thì gọi là bỏ tín nhiệm hay gọi là bỏ phiếu bất tín nhiệm gì gì đi chăng nữa, rủi ro của việc bị bất tín nhiệm cũng sẽ như nhau. Trên thế giới, các thuật ngữ bỏ phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ được dùng để phân biệt một cuộc bỏ phiếu như vậy ở nghị viện là do ai đề xuất: do chính phủ đề xuất thì gọi là bỏ phiếu tín nhiệm; do nghị viện đề xuất thì gọi là bỏ phiếu bất tín nhiệm (nghị viện đã bày tỏ sự tín nhiệm của mình bằng việc phê chuẩn chính phủ. Còn tín nhiệm, thì đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm nữa để làm chi?).
Thực ra, chế tài bất tín nhiệm của nghị viện không chỉ là công cụ để áp đặt chế độ trách nhiệm chính trị đối với chính phủ và các thành viên chính phủ, mà còn là cơ chế để kiểm soát quyền lực hành pháp. Tuy nhiên, nếu nghị viện có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm để hạ bệ chính phủ, thì thủ tướng chính phủ cũng có quyền giải tán nghị viện. Đây là phép cân bằng quyền lực bắt buộc phải có. Bằng không, nguyên tắc các quyền lực kiểm soát lẫn nhau sẽ bị phá vỡ. Và sự lạm quyền (cho dù là của quyền lực lập pháp) là rất khó tránh khỏi. Ở nước ta, Thủ tướng còn lâu mới có quyền giải tán QH. Tuy nhiên, QH thì vẫn cứ có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ. Đã thế, đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của QH còn trình ra phương án bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm, vượt qua mọi rào cản về thủ tục. Với phương án này, sự bất cân xứng về quyền lực giữa lập pháp và hành pháp ở nước ta sẽ tăng lên gấp bội. Mà như vậy thì bảo đảm việc các cơ quan quyền lực nhà nước kiểm soát lẫn nhau theo tinh thần nghị quyết của Đảng sẽ rất khó khăn.
Có người sẽ phản biện: “Chỉ lo bò trắng răng. QH đã bao giờ bỏ phiếu tín nhiệm ai đâu!”. Đúng là như vậy, nhưng nguyên nhân của việc QH chưa bỏ phiếu tín nhiệm ai nằm ở chỗ khác, chứ không phải ở việc QH chưa được chia đủ quyền. Nếu các vị dân biểu ở nước ta được tạo điều kiện nhiều hơn, đặc biệt là được bảo đảm một vị thế độc lập; nếu các quy phạm của luật nghị viện được áp dụng một cách đầy đủ chắc chắn chuyện bỏ phiếu là điều hoàn toàn khả thi.
Bỏ phiếu tín nhiệm là một công cụ giám sát hữu hiệu. Nhưng cũng như thuốc đặc trị, chúng ta phải biết sử dụng đúng liều lượng. Lạm dụng việc bỏ phiếu tín nhiệm có thể dẫn đến tình trạng chính phủ luôn luôn bị mất ổn định không đủ điều kiện để hoạch định và triển khai các chính sách; các vị bộ trưởng chỉ tập trung mọi nỗ lực của mình để đối phó với QH, hơn là tập trung giải quyết các vấn đề mà cuộc sống của đất nước đặt ra.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
Bình luận (0)