Thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Thanh Niên ở nhiều khu vực từ TP đến nông thôn, thuốc bảo vệ thực vật (trong đó có cả thuốc cấm) được bày bán tràn lan.
Thuốc BVTV bày bán trên nền đất ngay gần khu chợ dân sinh xã Tiền Phong, H.Mê Linh - Ảnh: Phan Hậu |
Theo quy định tại Thông tư số 21/2015/TT- BNNPTNT, của Bộ NN-PTNT, cơ sở kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phải có địa chỉ giao dịch cố định, được cơ quan chức năng cấp giấy phép. Thuốc phải có tủ kính bảo quản hoặc trưng bày, khu vực bày bán không nằm trong khu vực có cửa hàng kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện. Người bán thuốc phải đeo găng tay bảo hộ, có sổ ghi chép việc mua bán hằng ngày... Nhưng hiện nay nhiều điểm bán thuốc BVTV nằm xen kẽ trong khu dân cư, chợ dân sinh, ngang nhiên tồn tại.
Bán gần hàng nước, hàng bánh
Tìm mua thuốc diệt cỏ (một loại hóa chất cực độc gây chết người nếu uống phải hoặc tiếp xúc với da), theo chỉ dẫn của một người nông dân, chúng tôi đến chợ chiều xã Kim Nỗ (H.Đông Anh, Hà Nội).
Chợ nằm sâu trong khu dân cư, tại đây có điểm bán thuốc BVTV xen lẫn với nhiều loại phân bón hóa học. Đáng chú ý, điểm bán thuốc BVTV và phân bón này nằm sát khu dân cư và chợ dân sinh. Cách không xa là quầy hàng bán rau, dưa cà và thực phẩm. Chúng tôi đưa tờ giấy nhỏ có ghi đầy đủ tên thuốc cho chủ cửa hàng, sau một lúc lần tìm, chủ quán xách ra vài loại thuốc khác có cùng công dụng diệt cỏ nhưng không đúng với tên thuốc chúng tôi yêu cầu.
Tiếp tục tìm mua thuốc BVTV ở xã Tiền Phong (H.Mê Linh, Vĩnh Phúc), là vùng trọng điểm cung cấp rau xanh, hoa tươi cho thị trường Hà Nội, chúng tôi chứng kiến nhiều loại thuốc BVTV bày bán trên tấm bạt trải trên nền đất, không khác gì hàng rau, cá ở chợ dân sinh này. Cách điểm bán thuốc BVTV không xa là quầy hàng bánh rán, chè và quán nước mía.
Chúng tôi đưa danh sách thuốc cần mua cho chủ hàng là một người phụ nữ tên Q.Chẳng cần đeo găng tay bảo hộ, bà Q. lục tìm trong đống hàng hổ lốn hàng chục loại thuốc khác nhau rồi đưa cho chúng tôi lọ thuốc có tên Kanup 480SL. Chúng tôi thắc mắc thuốc không đúng tên yêu cầu, bà Q. phán ngay: “Thuốc các anh tìm là loại... đểu, chỗ chúng tôi không bán, anh cứ lấy thuốc này đi cũng diệt được cỏ, nhanh mà tốt hơn”. Chúng tôi hỏi thêm thì bà Q. giật ngay ống thuốc trên tay chúng tôi, gắt gỏng: “Không mua thì thôi, hỏi nhiều!”.
Đến các chợ ở vùng quê thuộc H.Lương Tài và H.Gia Bình (Bắc Ninh) chúng tôi dễ dàng mua được các loại thuốc diệt cỏ. Tại các cửa hàng thuốc BVTV, các loại thuốc này được bày bán công khai với giá rất rẻ, chỉ 12.000 đồng/lọ.
Ngang nhiên bán thuốc cấm tại một cửa hàng thuốc BVTV ở xã Nhân Thắng, H.Gia Bình (Bắc Ninh) - Ảnh: Trần Hồ
|
“Bán chục cân như bọn chị đáng bao nhiêu mà phạt”
Trong vai nông dân cần mua thuốc làm chín hoa quả (một loại thuốc của Trung Quốc bị cấm sử dụng ở VN), chúng tôi tiếp cận và nhờ một nông dân tên Nguyễn Văn H. (ở TT.Văn Giang, Hưng Yên) mua giúp thì muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có. “Các anh là người lạ thì không mua được đâu, chúng tôi ở đây quen mặt rồi, họ mới bán”, anh H. nói.
Tại chợ Vàng, xã Song Phương, H.Hoài Đức, Hà Nội, việc mua loại thuốc này cũng không mấy khó khăn. Ngày đầu tiên khi chúng tôi đến, một bà chủ tiệm nói thẳng: “Thuốc này là thuốc cấm, bọn mày là người lạ, tao không bán đâu”. Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi nói muốn mua nhiều, bà này bảo: “Hôm nay hết hàng rồi, muốn mua mai quay lại đây!”. Hôm sau quay lại tiệm này, chỉ cần một hồi hỏi han lai lịch, người đàn ông đồng ý bán thuốc. Thuốc được cất ở nơi khác. Khi có khách, ông mới đi vòng ra phía chợ, đến địa điểm trữ hàng, cho vào túi đen mang về. Khi nghe than vãn mất 2 ngày mới mua được thuốc, ông này cười: “Hết đâu mà hết. Bà ấy không biết thôi, hôm qua tôi mà ở nhà kiểu gì cũng có thuốc!”.
Đến các huyện làm nông nghiệp như Gia Bình, Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh), thì loại thuốc này được mua bán rất công khai. Ở phố Ngụ, xã Nhân Thắng, H.Gia Bình, trong vai người buôn chuối, chúng tôi dễ dàng tiếp cận với chủ quán tên H. và được bà này hướng dẫn chi tiết cách dùng thuốc.
Bà H. khoe: “Cả huyện Lương Tài đến Gia Bình, toàn phải mua ở chỗ tôi hết! Bọn bán hoa quả toàn mua ở đây chứ đâu, nông dân cũng mua ở đây. Có người mua cả chục hộp, dùng cái này thì hết chê nhé! Giấm được tất cả thứ gì gọi là quả, từ đu đủ, mít, chuối... Nếu muốn mua tôi lấy hộ cho, giá lấy về chỉ 2.000 đồng thôi, bán ra là 3.000 đồng/lọ”.
Khi được hỏi về cách sử dụng, bà H. nói: “Đeo bao tay thì đeo, chả đeo thì thôi. Khoảng 5 lọ dùng cho một buồng chuối, hòa ra nước, rồi đổ lên chuối. Trừ cuống ra cho xanh đẹp. Đổ thuốc hôm nay, ngày mai, ngày kia cắt chuối được rồi…”. Theo bà H., thuốc BVTV bán tại đây được đặt mua từ Trung Quốc, theo cửa khẩu Lạng Sơn xuôi về Bắc Ninh. Khi có nhu cầu, bà H. gọi điện, sẽ có xe ôm giao hàng xuống tận nơi.
Điều lạ là, ở nhiều nơi khác chủ cửa hàng còn lén lút bán thì ở H.Lương Tài và H.Gia Bình (Bắc Ninh), người bán không hề lo ngại bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”. Chủ một cửa hàng thuộc thôn Thanh Lâm, xã An Thịnh, H.Lương Tài bảo: “Người ta có đến kiểm tra. Nhưng mà phạt phẹt thuốc này phải có nhiều mới bõ, ít chả đáng. Hàng tạ, hàng tấn như hàng công ty mới phạt, chứ có khoảng chục cân như bọn chị thì đáng bao nhiêu mà phạt!”.
Theo ông Trịnh Công Toản, Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế, Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), kết quả thanh, kiểm tra cho thấy, tỷ lệ vi phạm trong sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV vẫn ở mức cao. Trong 5.874 đơn vị, doanh nghiệp được thanh, kiểm tra năm 2015, có 913 đơn vị vi phạm. Đặc biệt, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV bị xếp loại C không đủ điều kiện, vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2015 có 1.713/4.794 cơ sở sản xuất, kinh doanh bị xếp loại C, tăng hơn 30% so với năm 2014. Vi phạm nổi cộm nhất vẫn là nhập lậu thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc BVTV bị cấm; sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV giả, nhái nhãn mác không đảm bảo chất lượng.
|
Có kiểm tra nhưng không thấy
Mặc dù PV Báo Thanh Niên đã ghi nhận có tình trạng bán thuốc cấm tại H.Lương Tài (Bắc Ninh) rất công khai, nhưng Trạm BVTV huyện này khẳng định trong nhiều năm nay chưa phát hiện được trường hợp nào. Ông Đoàn Ngọc Tiến, Trạm trưởng Trạm BVTV của H.Lương Tài nói: “Trong năm 2015, qua 38 lượt kiểm tra, thanh tra đột xuất cũng như kiểm tra thường niên thì trạm mới chỉ nhắc nhở 5 trường hợp buôn bán thuốc BVTV để chung với hàng hóa khác và kho thuốc chưa đảm bảo yêu cầu. Đoàn kiểm tra chưa phát hiện bất kỳ trường hợp nào sử dụng thuốc cấm”.
Lý giải về việc tại sao thuốc BVTV có những loại rất độc hại lại được kinh doanh rộng rãi như vậy, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), cho biết việc hình thành hệ thống cửa hàng đại lý buôn bán thuốc BVTV rộng khắp tại địa phương bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định, nhằm tạo thuận lợi cho bà con nông dân lựa chọn, mua thuốc BVTV khi cần thiết, kịp thời phòng trừ sinh vật gây hại, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Nhưng trên thực tế vẫn còn tình trạng mua bán, sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc nhập lậu, thuốc giả và tình trạng lạm dụng thuốc, gây ảnh hưởng đến cây trồng, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
|
Bình luận (0)