>> Để người Việt dùng hàng Việt
>> Nhà thuốc nội thành buộc phải đạt GPP
>> Thuốc nội chỉ chiếm 30% thuốc chữa bệnh chủ yếu
|
Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bảo hiểm xã hội VN, hơn 150 bệnh viện (BV), hơn 150 công ty sản xuất thuốc, vắc-xin, sinh phẩm trong nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành dược VN đã sản xuất đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân.
Bộ trưởng Y tế cho rằng, để thuốc nội đến được với người bệnh thì bác sĩ kê đơn có vai trò quan trọng. “Bác sĩ hoàn toàn có thể lựa chọn thuốc có tên generic tương đương sinh học với thuốc gốc mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị”, bà Tiến cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Chúng ta cần nhớ rằng, có tới hơn 70% dân số VN ở khu vực nông thôn đang hết sức khó khăn. Nếu kê đơn thuốc generic, đặc biệt là kê đơn thuốc sản xuất trong nước thì chúng ta sẽ cứu chữa được nhiều người thay vì chỉ cho một người với cùng một lượng kinh phí như nhau”.
|
Ông Lê Bá Trình, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN cho rằng, người tiêu dùng trong nước đang thiếu thông tin về thuốc trong nước, điều này cũng thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp dược trong nước và trách nhiệm của bác sĩ kê đơn.
Theo ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các BV tuyến T.Ư chỉ chiếm khoảng 12% giá trị tiền sử dụng thuốc. Còn trên cả nước, chiếm khoảng 47%, giảm so với thời điểm 2007 (49%).
Trao đổi với Thanh Niên Online tại diễn đàn, tiến sĩ Lê Văn Nhã Phương, Phó tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp này đã đầu tư rất lớn cho việc thử tương đương sinh học, để đảm bảo chất lượng thuốc tốt.
Các sản phẩm mà Domesco ưu tiên thực hiện là những sản phẩm thuộc nhóm thuốc mà gánh nặng chi phí điều trị lớn như thuốc điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp và kháng sinh. “Các sản phẩm này có giá chỉ bằng 20% đến 40% giá của các sản phẩm thuốc sáng chế ngoại nhập. Với hiệu quả tương đương và giá thành phù hợp, các sản phẩm của chúng tôi đã được sự tin tưởng của các bệnh viện, trung tâm y tế ưu tiên chọn lựa về tiêu chí chất lượng cao trong việc tham gia các hồ sơ thầu", ông Phương nói.
|
Tiến sĩ Phương cũng nêu ý kiến, việc đưa những sản phẩm thuốc tương đương sinh học đến tay bác sĩ kê đơn cho người bệnh dùng còn gặp nhiều khó khăn do những quy định về quảng cáo thuốc của ngành. Chính điều này khiến việc giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến bác sĩ, người bệnh gặp nhiều khó khăn.
|
Theo tiến sĩ Phương, một yếu tố khiến thuốc nội còn “lép vế” so với thuốc ngoại là tâm lý “sính ngoại” của bộ phận không nhỏ người dân.
“Nhiều người cho rằng, thuốc càng đắt tiền thì càng có hiệu quả cao. Đó là quan niệm không đúng. Thuốc ngoại đắt do chi phí sản xuất ở nước ngoài rất lớn, giá thành sản phẩm ở nơi làm ra sản phẩm cũng không rẻ. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển, nhập khẩu nên khi đến tay người tiêu dùng, thuốc đắt là điều đương nhiên. Trong khi đó, thuốc nội cũng có chất lượng không hề thua kém, giá rẻ hơn thì lại không được nhiều người chọn dùng. Ví dụ như, Domesco có những sản phẩm thuốc tương đương sinh học rẻ hơn thuốc ngoại từ 10 đến 60 % nhưng không hiểu sao, người Việt vẫn ưu tiên thuốc ngoại hơn”, ông Phương nói.
Phó tổng giám đốc Domesco cũng cho biết thêm, hiện nay, kênh phân phối thuốc của công ty này chủ yếu thông qua Sở Y tế các tỉnh. Trong khi đó, yếu tố tương đương sinh học rất quan trọng nhưng ít được chú trọng trong đấu thầu cung cấp thuốc.
|
Phát biểu chỉ đạo diễn đàn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, việc kêu gọi người Việt dùng thuốc Việt đã diễn ra nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới bắt đầu. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện rất thành công việc đưa hàng Việt cho người Việt dùng. “Có nhiều doanh nghiệp khi mang hàng đi triển lãm ở nông thôn, vùng xa đã cháy hàng, phải về lấy thêm để bán. Điều đó chứng tỏ, kênh phân phối hàng của các doanh chưa hẳn đã tốt. Các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dược phẩm nói riêng cần chú trọng khâu bán hàng, phân phối đến tay người tiêu dùng”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Phó thủ tướng cũng đánh giá, Việt Nam là một thị trường thuốc lớn nên cần chú trọng phát huy năng lực sản xuất, cung cấp trong nước. “Không quyết tâm triển khai thì không thể vận động được người Việt dùng thuốc Việt”, Phó thủ tướng bày tỏ.
|
Theo Phó thủ tướng, công nghiệp dược là ngành có lãi, thậm chí siêu lợi nhuận. Nhưng nếu không có tích lũy để đầu tư nghiên cứu phát triển lâu dài thì không thể tiến lên trên bậc cao. Nếu chỉ dừng lại ở việc nhập công nghệ, nguyên liệu, gia công thuốc thì khó lòng phát triển được, thậm chí tự giết mình.
Phó thủ tướng đề nghị, cơ quan quản lý cần có những chính sách giúp phát triển tối đa năng lực của doanh nghiệp để doanh nghiệp có lời.
“Doanh nghiệp có trách nhiệm phải cung cấp cho xã hội những sản phẩm tốt nhất, phải chứng minh được tác dụng tốt để người dân thấy yên tâm dùng”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế: Tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước còn thấp ở một số tuyến điều trị phụ thuộc vào mô hình bệnh tật, còn thấp ở tuyến T.Ư vì các BV tuyến trên thường là tiếp nhận các ca bệnh nặng, thậm chí nhiều ca đã điều trị dài ngày ở tuyến dưới. Do đó, để nâng tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước thì nhà sản xuất phải khẳng định được chất lượng, hiệu quả điều trị. (Liên Châu) Thuốc ngoại đang chiếm ưu thế Theo chị Nguyễn Thùy Linh, dược sĩ của nhà thuốc 121 Giải Phóng (Hà Nội) cho biết, các nhà thuốc ở quanh khu vực BV Bạch Mai đều bán thuốc theo đơn thuốc do các bác sĩ của BV kê đơn. Trong các đơn thuốc này hầu hết các loại thuốc đều là thuốc do nước ngoài sản xuất. Chị cũng cho biết, đôi khi cũng có khách không mua thuốc theo đơn nhưng chỉ là những bệnh nhẹ thường gặp, khi đó tùy theo điều kiện kinh tế người mua sẽ lựa chọn giữa thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài.
Dược sĩ Vũ Thị Tùng, chủ một nhà thuốc tư nhân trên đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho hay, lượng thuốc nội và thuốc ngoại chữa các bệnh thường gặp mà nhà thuốc của chị bán ra hằng ngày là ngang bằng nhau, còn với những bệnh nặng hơn, thuốc nội hoàn toàn lép vế trước thuốc ngoại. Bạn Dương Ngọc Loan, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, được sự tư vấn của dược sĩ và qua các phương tiện thông tin đại chúng, bạn luôn lựa chọn thuốc ngoại bởi chất lượng tốt. Bạn cũng chia sẻ rằng, theo tâm lý của người tiêu dùng, cái gì đắt cũng tốt hơn nên vẫn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng của thuốc nội. Bạn Phạm Đình Trung, sinh viên Đại học Bách khoa, lại luôn lựa chọn thuốc nội mỗi khi có nhu cầu vì theo bạn, thuốc nội có chất lượng không thua kém thuốc ngoại với các bệnh nhẹ thường gặp mà giá thành lại rẻ hơn rất nhiều, “phù hợp với túi tiền của sinh viên chúng mình”. (Minh Hoàng) |
Liên Châu - Lê Quân
Bình luận (0)