Thuốc Việt ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường

17/07/2019 16:44 GMT+7

Bên cạnh kênh nhà thuốc bán lẻ, danh mục thuốc sản xuất trong nước trúng thầu kênh bệnh viện tăng gần 7 lần so với năm 2016, tỷ trọng sử dụng tại các cơ sở y tế công lập tăng gần gấp đôi so với năm 2013.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ước tính quy mô ngành dược sẽ đạt 7,7 tỉ USD vào năm 2021 và tiếp tục tăng trưởng trên 10% trong vòng 5 năm tới. Theo đà chung của thế giới, xu hướng tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và chuyển dịch từ thuốc ngoại sang nội là tất yếu. Chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc sẽ tăng gấp đôi, từ 37,97 USD (năm 2015) lên 85 USD (năm 2020) và 163 USD (năm 2025).
Tận dụng triển vọng tăng trưởng chung của ngành, hàng loạt doanh nghiệp dược nội địa đã đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất chất lượng, tạo sự khác biệt trong cơ cấu sản phẩm. Cả nước hiện có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và 11 dây chuyền đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP, EU-GMP, Japan-GMP, USA-GMP. Với các chứng nhận chất lượng quốc tế, thuốc Việt ngày càng rộng đường trên kênh đấu thầu bệnh viện (ETC) cũng như xuất khẩu.
Cũng theo Cục Quản lý Dược, danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng các yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp mà không chào thầu nhập khẩu đã tăng gần 7 lần sau 3 năm, từ 146 thuốc (năm 2016) lên 640 thuốc (năm 2019).
Theo báo cáo của các Sở Y tế, tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh có sự tăng nhanh qua các năm, từ mức 46,62% năm 2013 tăng lên 63,53% năm 2018. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song hành cùng Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Trị giá thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; cung cấp 12/13 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thuốc sản xuất trong nước thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trên kênh bán hàng trực tiếp qua nhà thuốc (OTC), khảo sát năm 2018 của Vietnam Report cho thấy, có 67% doanh nghiệp sẽ phát triển và mở rộng hơn nữa kênh phân phối thông qua khoảng 62.000 cơ sở bán lẻ ngoài thị trường (nắm giữ tới 95% thị phần).

Hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành đang đẩy mạnh chiến lược phát triển thương hiệu trên thị trường OTC. Dược Hậu Giang, Traphaco... đã phát triển hoàn thiện kênh phân phối thông qua 23.000 cơ sở bán lẻ xuống từng huyện, xã nhằm mở rộng khả năng tiếp cận người tiêu dùng và kiểm soát giá bán đồng nhất trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp chọn hướng đi riêng. Với thuốc đông dược, Traphaco chú trọng khai thác phát triển thuốc đông dược Việt Nam sử dụng đinh lăng, actiso, rau đắng đất, bìm bìm, chè dây... Đầu năm 2017, công ty đã hoàn thành việc đầu tư nhà máy sản xuất thuốc tân dược Traphaco Sapa, hiện đại hàng đầu Việt Nam. Chưa đầy một năm sau, nhà máy này đã được cấp chứng nhận GMP-WHO về sản xuất dược liệu, góp phần hoàn thiện và nâng tầm chuỗi giá trị xanh.
Trong mảng tân dược, Dược Hậu Giang mới đây đã nâng cấp thành công 2 dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP và Japan-GMP khắt khe nhất thế giới, đặt mục tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản và ASEAN. Doanh thu thuần Dược Hậu Giang năm 2018 đã đạt 3.888 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 732,2 tỉ đồng.
Nhiều thành tựu của ngành dược nước nhà sẽ được cập nhật tức thời tại hội nghị tổng kết 10 năm đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Sự kiện sẽ diễn ra ngày 18.7 tại Hà Nội, quy tụ lãnh đạo các sở ban ngành y tế, đại diện các doanh nghiệp dược hàng đầu đến tham dự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.