Cuối tuần, đọc một bài báo biết lượt nước đầu mùa đã mang theo phù sa vào kinh Vĩnh Tế, đoạn ở H.Tịnh Biên (An Giang) đỏ ngầu, nhưng nước lũ cuộn chảy vẫn chưa về. Nghe nói còn cả tháng nữa mới đến mùa nước nổi. Năm nay lũ muộn, bà con miền Tây lại ngóng phù sa lên đồng, cá tôm theo con nước xuôi về theo dòng Mê Kông, tuôn vô Biển Hồ rồi đổ về đây.
Nhắn tin cho chú Bảy Đạt (anh em bạn bè thường kêu gọn là Bảy), một người chính gốc miệt Long An, lên Sài Gòn lập nghiệp mà vẫn trắm tríu sông nước quê nhà. Vài năm trước, Bảy cũng kịp lên liếp mảnh đất ven sông Vàm Cỏ giáp mí Tân An lập vườn, trồng dừa nuôi cá. Tôi gửi tin nhắn: “Chờ thêm tháng nữa hết dịch về miền Tây ăn cá linh non nè”. Từ một căn hộ trong khu chung cư bên kia cầu Giồng Ông Tố (Q.2, TP.HCM), Bảy dường như xúc động, bấm câu trả lời: “Anh nhắc nghe thèm quá. Giờ đủ thứ ước ao”.
|
Chuyện trò với Bảy, là để thấm nhớ cái tình chú ấy gửi gắm vào trong kỷ niệm những chiều nao anh em đi nhậu, cái sự quan tâm săn sóc nồi lẩu cá linh non của Bảy khi đứng lên chế biến tại bàn, làm ai cũng… sốt ruột. Mà quả thật, kêu ra đủ thứ cá, rau, gia vị rồi rất thành thạo, thứ tự bỏ gì vô trước gì vô sau, làm sao nồi lẩu vừa ngọt, vừa chua mà đằm cái vị dân dã, dân gốc ruộng như Bảy là rành nhất. Xong xuôi, Bảy ngồi xuống trịnh trọng: "Được rồi, mời anh em!".
Ăn nóng mới ngon, Bảy nhắc. Tuần tự gắp và múc cho mỗi người một chén để… đưa bia nếu trời nắng, đưa… cay nếu trời mưa. Cái vị phong thổ miền Tây lúc ấy mới thấy, cứ theo từng gắp đũa mà chứng minh. Không nói thêm gì nữa!
Mỗi khi vô quán H.N ở Q.3, Bảy thường hay hỏi: "Có cá linh non không?". Cô phục vụ cười tươi, là y như rằng biết có. Là vì cũng là dân đâu ở miệt Phụng Hiệp nên rành lắm. Còn khi cô lắc đầu nhè nhẹ, coi như bữa ấy Bảy hết trổ tài. Nếu có, thì cổ đem ra một xoong nhỏ, cá cỡ đầu mút ngón tay út. Bông điên điển vàng ươm, dọc bông súng tím, bông so đũa nửa xanh ngút nửa trắng ngần, không quên mấy chén nước mắm ớt, chén đường cát nho nhỏ. Vậy là êm êm một bữa… tạc thù!
Mà hôm ấy, dù đang mùa mà không có cá linh non, y như rằng nghe Bảy thở dài… cái sượt. Thèm mà!
|
Lại tỉ mẩn giở quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức để xem mục sản vật phương Nam có nói gì về cá linh không. Ở các tiểu mục, cá biển, cá sông, chim rừng, bông hoa, cây cối… tìm mãi chẳng thấy. Một hồi lăn tăn, hóa ra mấy loại cá sông mà tác giả nhắc đến, hầu hết là cá lớn như cá chép (lý ngư), cá vược (lô ngư), cá giảo (bao ngư), cá chẻm (bạch lô), cá cháy (thiêu ngư), cá tra (tra ngư), cá lăng (phức giác ngư)… Chỉ duy nhất có một loại khiến tôi hơi hồ nghi không biết loài cá tác giả nhắc đến có phải cá linh không, đó là cá cơm sông; rồi có thêm đoạn chú thích: dùng phơi khô, đều ngon hơn cá biển (trang 533, Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức do Phạm Hoàng Quân dịch, chú thích và khảo chứng, NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản 2018).
Nhưng lang thang trên mạng, lại tìm thấy một cái tên và một giai thoại. Cá linh (chú thích là linh ngư, thuộc họ cá chép). Giai thoại lại kể rằng: “Hồi xưa Nguyễn Ánh đi qua sông Vàm Nao thấy cá linh nhảy vào thuyền, sanh nghi nên không đi, về sau biết đi là chết vì lúc ấy quân Tây Sơn mai phục ở Thủ Chiến Sai (nay là Cù lao Giêng, H.Chợ Mới, An Giang), Chính vì vậy, Nguyễn Ánh đặt tên cho loài cá ấy là cá linh, để tri ân”. Sông Vàm Nao là một nhánh sông dài 6,5 km nối sông Tiền qua sông Hậu, nằm giữa ranh giới của Long Xuyên và Châu Đốc, nổi tiếng với câu hò nghịch ngợm của mấy anh chàng thách nhau tán gái (ve) qua câu: “Bắp non mà nướng cửa lò/ Đố ai ve được con đò Vàm Nao”.
|
Và rồi, từ chuyện thèm cá linh non, lại lan man “nhặt” được thêm nhiều kiến thức bổ ích khác về phong vị miền Tây, để nhớ từng nhiều dịp lang thang miệt này, có khi mải miết đi cả tháng. Bỗng hình dung một câu hò vọng lại trên con kinh nào đó, khi mùa lũ khốc liệt năm 1995 mới đi qua, nói về mối tình của anh tá điền xa nhà đi gặt lúa mướn: "Trời xanh, kinh đỏ, đất xanh/ Đỉa bu muỗi cắn làm anh nhớ nàng/Bao giờ cho lúa chín vàng/Gặt rồi anh trở về làng thăm em!".
Bình luận (0)