Theo ông Tống Văn Lai, Phó vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), đến thời điểm này, đã có 62/63 tỉnh thành phố báo cáo tình hình thưởng tết về Bộ, có tổng số 23.000 doanh nghiệp (DN) với khoảng 3,7 triệu lao động. Mức thưởng tết âm lịch bình quân phổ biến tại các DN là 1 tháng lương, khoảng 4,9 triệu đồng/người, giảm 200.000 đồng so với năm 2016.
Mức thưởng thấp nhất là 50.000 đồng/người, cao hơn 10.000 đồng so với năm 2016 thuộc về DN dân doanh của Bến Tre, DN có vốn đầu tư nước ngoài của Hải Dương, Thái Bình, Tây Ninh. Mức thưởng cao nhất là 1 tỉ đồng, thuộc về một DN dân doanh tại TP.HCM.
Ông Lai cho biết, qua số liệu mà các DN báo cáo, không có DN nào thưởng tết bằng sản phẩm cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những DN thưởng bằng sản phẩm rất lớn như ô tô, máy tính, điện thoại... “Hiện còn một số DN chưa có kế hoạch thưởng cuối năm, Bộ LĐ-TB-XH đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động các DN phối hợp với tổ chức công đoàn tìm giải pháp tiết kiệm các chi phí để chia sẻ, hỗ trợ với người lao động trong dịp Tết”, ông Lai nói.
Trước ý kiến để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cần phải luật hóa thưởng tết, ông Lai bày tỏ: “Chúng ta đang chuyển đổi cơ chế chính sách theo nguyên tắc thị trường, mà thị trường chủ yếu dựa trên sự thỏa thuận của hai bên. Kinh nghiệm quốc tế, tôi cũng chưa thấy có quốc gia nào luật pháp quy định là phải có tiền thưởng hay tiền thưởng tết. Hiện nay pháp luật quy định thưởng tết để 2 bên thỏa thuận với nhau nhưng quan điểm của tôi là không nên đưa vào thành thể chế, thành luật, nó rất là cứng, vì chúng ta đã giao quyền cho 2 bên rồi, họ tự thỏa thuận với nhau nó sẽ linh hoạt hơn".
tin liên quan
Hàng trăm công nhân ngưng việc đòi quyền lợiHàng trăm công nhân đã ngưng việc, kéo ra trước cổng công ty đòi tăng lương theo quy định, tăng tiền hỗ trợ cơm tối (tăng ca), tăng tiền hỗ trợ qua phà, sớm thông báo lịch nghỉ tết, cho ứng tiền lương tết...
Bình luận (0)