Ăn xong còn mấy hạt điều, tôi tiếc hùi hụi nên cứ do dự không muốn vứt đi, dù biết giữ lại cũng chẳng để làm gì cái thứ hạt bình thường nhưng gợi thương gợi nhớ ấy.
Thời buổi này, cũng như các con mình, tôi không chắc có được bao nhiêu đứa trẻ gọi đúng tên trái điều cũng như không biết mấy hạt điều sấy khô đóng hộp chúng thường ăn vào dịp tết xuất phát từ trái điều tươi kia. Cũng chẳng mấy đứa trẻ thời nay biết được cái thứ hạt dân dã, trông chẳng được bắt mắt kia lại gắn liền với những kỷ niệm tươi đẹp thời tuổi thơ của cha mẹ chúng, cái thời thiếu thốn, khó nghèo nhưng êm đềm và vô lo.
Ngày còn nhỏ, mỗi lần mẹ mua trái điều về để ăn tươi hay xắt nhỏ làm gỏi với khô cá sặt, mẹ hay để dành hạt điều cho bọn tôi nướng với lửa than. Chúng tôi quý “món quà” ấy vô cùng. Canh lúc mẹ hay bà ngoại nấu cơm gần chín, tôi và mấy đứa bạn hàng xóm vùi mớ hạt điều dưới lớp lửa than vẫn còn cháy âm ỉ, vừa ngồi rúc rích trò chuyện vừa khơi mớ than cho cháy rực. Chỉ cần nghe mùi hạt điều chín thơm nức khắp nhà là cả đám reo inh ỏi. Đứa nào cũng giành phần lột lớp vỏ cháy xém để lộ cái hạt chín ngọt vừa thơm vừa bùi. Cũng không phải lúc nào cũng vui khi có đứa lỡ tay nướng quá lâu, cả hạt lẫn vỏ cháy đen gần hết, lột vỏ ra chẳng còn gì, buồn thiu trông đến tội.
Có những điều bình thường trong hiện tại nhưng khi trở thành quá khứ lại lung linh, rưng rức mỗi khi nhớ về. Hạt điều và mùi thơm của nó là một phần ký ức tuổi thơ. Hoài niệm những dấu yêu xưa cũ chẳng phải để ăn mày quá khứ, mà để tự dỗ dành mình đừng yếu mềm, gục ngã trước phong ba bão táp đang vần vũ ngoài kia.
Bình luận (0)