Dai dẳng
Màn đấu gậy, “mưa” đá, bắn nạng thun, đấu đèn, đâm tàu... giữa một bên là người dân sắp bị mất nhà cửa vì sạt lở, với bên kia là nhóm hút cát lậu đang hoạt động rầm rộ trên sông Tiền có lúc đã chuyển sang “giáp lá cà”.
Đỉnh điểm là từ giữa tháng 9, khi hàng chục người dân kéo tới công an xã yêu cầu cử người cùng bắt cát lậu với dân. Kết quả, một chiếc sà lan “khủng” bị bắt giữ khi đang đục khoét sông Tiền.
Chúng tôi đến nhà cụ Lý Văn Bình (88 tuổi, ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) lúc ông đang tiếp cán bộ công an huyện lấy lời khai về vụ đụng độ cách đó ít hôm. Do quá bức xúc, cụ Bình cùng một nhóm thanh niên đã vượt sông Tiền chạm trán với phe hút cát lậu.
|
Dân ở xã Phú Thuận B cho biết từ khi mỏ cát trên đoạn sông này xuất hiện thì nhiều sà lan “lạ” kéo đến “bức tử” lòng sông. Ông Lý Minh Hậu, có nhà bên bờ sông Tiền, nói đêm nào cũng vậy, từ khoảng 20 giờ đến 5 giờ sáng, hàng chục tàu ghe, sà lan lớn nhỏ giăng hàng khoảng 2 cây số, cày xới quanh mỏ cát. Ở vùng này có mỏ cát lớn, được cấp phép cho các đơn vị trúng thầu khai thác, nhưng bắt buộc phải cách bờ từ 150 m trở ra. Riêng bọn cát lậu thì khai thác vô tội vạ, cứ đâm “vòi” vào hút sát bờ, có khi cách bờ chỉ 10 m. Những tiếng gầm rú thâu đêm từ hàng chục sà lan cát lậu là nỗi ám ảnh của người dân xứ cù lao, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, đẩy nhiều hộ dân mất trắng nhà cửa, đất đai.
|
Nhiều người ở cù lao Long Phú Thuận từng phải năn nỉ mấy “ông” cát lậu hút xa bờ để cho dân được yên; nhưng “đàm phán” không kết quả. Thế là những “cuộc chiến” sông nước bắt đầu. Ông Lý Văn Bình nói ban đầu đám trẻ ở trên bờ bức xúc, dùng ná thun bắn đuổi các sà lan khai thác gần bờ. Bị “mưa” đất, các sà lan này dần dạt ra xa; nhưng khi sự việc lắng xuống thì họ lại áp sát bờ tiếp tục hút cát.
Súng nổ trên sông
Đêm 11.9, hàng chục người dân kéo đến trụ sở công an xã Phú Thuận B trình báo và đề nghị công an cùng đi bắt cát lậu. Ông Nguyễn Văn Hiền (59 tuổi) có mặt trong đợt tập kích cho biết do có lực lượng công an được vũ trang nên những người trên sà lan cát lậu không dám manh động. Kết quả, sà lan biển số ĐT-19504, tải trọng khoảng 300 tấn, do ông Trần Văn Liệt làm chủ đã bị khống chế đưa về xã. Nhưng ngay đêm hôm sau, các sà lan lại bày “trận địa” tiếp tục hút cát. Đêm 19.9, người dân lại tổ chức “giáp lá cà”. Báo cáo của UBND xã Phú Thuận B cho biết: Khoảng 22 giờ 40 đêm 19.9, khoảng 10 người dân yêu cầu công an phải đến khu vực bến đò Mười Đẩu để bắt cát lậu. Công an xã cử 2 công an viên đi cùng. Tới nơi, người dân mượn chiếc phà sắt Mười Đẩu, tải trọng 30 tấn chở gần 20 người, với sự hậu thuẫn của hàng trăm người dân trên bờ, “tập kích” một sà lan đang hút cát. Khi phà vừa ra sông thì lập tức bị một tàu của phe cát lậu cản mũi; đến khi phà tiếp cận được 1 sà lan, lực lượng trên phà khống chế được tài công thì bất ngờ một sà lan khác, lớn gấp nhiều lần phà Mười Đẩu ở gần đó lao tới, đâm mạnh vào, làm nhiều người có mặt trên phà té nhào. Chỉ sau những phát súng chỉ thiên của công an xã, chiếc sà lan trên mới chịu bỏ đi. Vụ đâm làm phà Mười Đẩu bị gãy lan can sắt, móp 1 lỗ to ở mạn trái. Lúc này, sợ bị chìm, tài công Lắm cho phà chạy vào bờ.
Ông Lý Minh Hậu nói người dân khó hiểu về phản ứng của lực lượng công an xã: Trong lúc mọi người đang trên sà lan hút cát lậu, một công an viên sau khi nghe điện thoại “từ ai đó” đã đánh tiếng để người dân sang ghe (cũng của phe cát lậu) đưa vào bờ. Chưa hết, sau khi vụ việc diễn ra (từ 23 giờ đến gần 2 giờ sáng), ông Phạm Ngọc Thức, Trưởng công an xã, mới một mình chạy tắc ráng tới hiện trường. Lúc này, sà lan hút cát lậu đã cao bay xa chạy.
Tiến Trình
>> Sạt lở sông Tiền đe dọa nhà dân
>> Sạt lở sông Tiền, 14 hộ dân mất nhà
>> Xuất hiện hố xoáy nguy hiểm trên sông Tiền
>> Đụng ghe trên sông Tiền
>> Hai bờ sông Tiền Bến Tre - Tiền Giang đã nối liền
Bình luận (0)