“Chúng tôi biết ơn những thế hệ đi trước đã để lại một nhà máy có chất lượng”, ông Nguyễn Ngọc Oánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi chia sẻ.
Theo ông Oánh, thủy điện Đa Nhim có một lịch sử và truyền thống đặc biệt, đáng tự hào. Nhà máy Đa Nhim khánh thành ngày 15.1.1964, là một trong những công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng ở VN, thuộc nấc thang trên cùng, khai thác tiềm năng thủy điện to lớn của hệ thống sông Đồng Nai. Với nguồn vốn ODA Nhật Bản, đây cũng là công trình mang đậm dấu ấn Nhật Bản từ thiết kế, máy móc cũng như hệ thống quản lý, vận hành nhà máy chuyên nghiệp.
Sau năm 1975, nhà máy từng cực kỳ khó khăn vì thiếu thiết bị. Ông Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Phó giám đốc nhà máy thủy điện Đa Nhim, một trong những người tiếp quản nhà máy đầu tiên năm 1976 nhớ lại: “Đó là những năm tháng hết sức khó khăn và gian khổ, thiếu thốn đủ bề. Lãnh đạo nhà máy thời điểm đó ngoài việc giữ cho nhà máy hoạt động, còn phải vận động kỹ sư, công nhân tăng gia sản xuất để có thể có lương thực. Đa Nhim cũng đã từng bị hỏng đường ống thủy áp số 2, nhưng với khí thế chiến thắng của Mùa xuân năm 1975, các kỹ sư của nhà máy đã hoàn thành công trình khôi phục chỉ sau 6 tháng, đưa nhà máy vào vận hành ổn định, phát huy hết công suất từ giữa năm 1976. Người Đa Nhim tự hào việc sửa chữa thành công nhà máy sau chiến tranh được thực hiện bằng chính nguồn lực của người VN”.
|
Năm 2001, Đa Nhim sáp nhập thêm 2 nhà máy cụm nhà máy Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, đã phát huy được lợi thế về nguồn nhân lực, kinh nghiệm, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề từ Đa Nhim tiếp quản cụm nhà máy.
Được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động năm 2005 sau 40 năm vận hành, Đa Nhim cũng đang tiếp tục mở rộng để đáp ứng nhu cầu điện năng tại chỗ của miền Nam. Đặc biệt nhất, nguồn vốn ODA và bạn bè Nhật Bản từng giúp đỡ xây dựng Đa Nhim cũng sẽ là nguồn vốn trợ lực cho Đa Nhim mở rộng thêm tổ máy số 5 với công suất 80 MW.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oánh, JICA đã thỏa thuận sẽ tài trợ cho tổ máy này, dự kiến khởi công đầu năm 2014 và phát điện vào năm 2016, góp phần giảm bớt căng thẳng điện phía Nam trong các năm tới.
“Người VN đã tiếp quản được hệ thống quản lý của một công trình thủy điện rất tiên tiến vào thời điểm những năm 60 - 70, trình độ quản lý rất cao. Người Nhật đã đến xem xét, và quyết định hỗ trợ vốn vì ấn tượng trước việc quản lý vận hành tốt, thiết bị tốt, vận hành ổn định không chỉ của Đa Nhim mà cả 3 nhà máy. Nhà máy Đa Nhim với 50 năm tuổi đời vẫn vận hành hiệu quả, là minh chứng rõ nhất cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nhật”, ông Oánh chia sẻ.
Tình hữu nghị Việt - Nhật đã ghi dấu ấn với thủy điện Đa Nhim vững vàng sau 50 năm, sẽ được nối dài thêm với dự án Đa Nhim mở rộng. Với quy mô tổng mức đầu tư 1.900 tỉ, trong đó JICA sẽ thu xếp 85% vốn cho dự án.
Đa Nhim đã đóng góp vào lưới điện quốc gia hơn 37 tỉ kW/h với hơn 7.000 giờ vận hành bình quân mỗi năm (các nhà máy khác là 4.000 - 5.000 giờ). Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cũng đang quản lý, vận hành 13 tổ máy với tổng công suất 642,5 MW, điện lượng bình quân hàng năm 2,6 tỉ kWh. |
Nguồn: EVN
>> Quy hoạch 48 vị trí làm thủy điện
>> Giúp dân di dời khỏi lòng hồ thủy điện
>> Kiểm tra an toàn các đập thủy điện, thủy lợi
>> “4 nhất” trên công trình Thủy điện Lai Châu
Bình luận (0)