Tái cấu trúc chiến lược phát triển trên cơ sở đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, thị trường... để tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đang là việc làm cấp thiết đặt ra đối với Cà Mau.
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau đạt trên 850 triệu USD, đạt mức tăng trưởng 7 - 8%. Hiện hàng thủy sản của Cà Mau đã có mặt ở hơn 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Úc... Hiện nay, nhu cầu thủy sản trên thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh, do nguồn cung thủy sản ở một số nước sụt giảm, đặc biệt là tôm cỡ lớn, vốn là thế mạnh của VN dẫn đến giá trị sản phẩm ngày càng tăng. Cùng với đó, sản phẩm tôm chân trắng mặc dù chưa thực sự phổ biến tại các thị trường nhập khẩu nhưng cũng có những dấu hiệu phát triển tích cực. Trong điều kiện đó, ngành thủy sản Cà Mau tiếp tục kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD trong năm nay.
|
Ông Quách Minh Luân, Phó giám đốc Sở Công thương Cà Mau cho rằng, để kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm sau luôn cao hơn năm trước, Cà Mau đã cùng các doanh nghiệp (DN) triển khai đồng bộ ba giải pháp: thị trường, điều kiện sản xuất và nguyên liệu. Trong đó, thị trường được xem là khâu quyết định, điều kiện sản xuất là khâu đột phá và nguyên liệu là khâu quan trọng.
Nhận xét về tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như thời cơ, thách thức của mặt hàng thủy sản, nhiều chủ DN Cà Mau đều có chung quan điểm: thời gian qua, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế VN nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, nói riêng. Đây là giai đoạn có sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút nguồn nhân lực, thu mua nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, khách hàng... Muốn tồn tại và phát triển trong một “sân chơi” không gì khác hơn các DN phải chủ động phát huy nội lực. Đặc biệt là về nguồn vốn, nguyên liệu, quá trình sản xuất hợp lý, xác định các mặt hàng chiến lược. Hiện nay, để tránh tình trạng thiếu nguyên liệu, thu mua cạnh tranh, sản xuất đình trệ, nhiều DN chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn Cà Mau đang ngày càng có xu hướng “tự cấp” bằng việc đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu. Hơn nữa, người tiêu dùng thế giới hiện đang đòi hỏi sản phẩm thủy sản phải có tính an toàn, thân thiện môi trường. Để đáp ứng yêu cầu này, vài năm trở lại đây, nhiều DN trong tỉnh đã bắt tay đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Đến thời điểm này, đã có 8 DN lớn của Cà Mau đăng ký liên kết vùng nuôi với nông dân. Hướng đi này phản ánh xu hướng phát triển bền vững của các DN thủy sản, đồng thời đảm bảo sản xuất và lợi nhuận ổn định.
Để giải quyết vấn đề này, Cà Mau đã lựa chọn các mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi quảng canh cải tiến để mở rộng diện tích theo quy hoạch tại các vùng nuôi trong tỉnh; đồng thời đề ra lộ trình thực hiện phù hợp để phát triển một cách toàn diện nghề nuôi tôm trong thời gian tới. Cùng với Ðề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất tôm - lúa” được triển khai rộng rãi từ năm 2008, bước đầu nâng hiệu quả sản xuất từ 20% - 25%, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi cho biết, tỉnh vừa phê duyệt Chương trình nuôi tôm công nghiệp, đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản rà soát, đánh giá thực trạng; xây dựng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, phấn đấu nâng diện tích lên 20.000 ha vào năm 2020, mục tiêu trước mắt là 10.000 ha vào năm 2015. Bằng nhiều nguồn vốn huy động, năm 2011, Cà Mau dự kiến đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi, đồng thời triển khai các giải pháp phát triển những vùng sản xuất chuyên canh tôm công nghiệp; vùng lúa - tôm kết hợp như đầu tư kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh hơn nữa việc đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng và nhân rộng các tổ hợp tác sản xuất...
Cùng với đó, ngành Công thương cũng đang khẩn trương triển khai dự án đầu tư lưới điện ba pha cho các vùng, cụm nuôi tôm công nghiệp tại các huyện Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân và TP.Cà Mau, cung cấp 23.000 KVA phục vụ cho trên 3.300 hộ dân nuôi tôm công nghiệp với diện tích khoảng 4.000 ha, góp phần hướng tới mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5 tỉ USD từ nay đến năm 2015, theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Cà Mau.
Chí Tín
Bình luận (0)