Trong bom đạn khốc liệt vẫn không quên bạn bè
Trong những ngày bom đạn ác liệt ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, giữa lúc bận bịu với công việc hằng ngày cứu chữa thương binh và người bệnh, chị vẫn tranh thủ viết thư cho bạn bè, kể lại khá tỉ mỉ những gì đang xảy ra nơi chiến trường. Một trong nhiều bức thư viết trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng là bức thư viết ngày 28.1.1968 gửi người bạn học cùng lớp 10c trường Phổ thông cấp 3 Chu Văn An, Hà Nội, Dương Đức Niệm(*). “Niệm ơi, giá mà Niệm được sống ở đây trong những ngày này nhỉ - những ngày mà cả miền Nam đang sôi động náo nức xuống đường. Đi đâu cũng gặp những khuôn mặt rạng rỡ, những đôi mắt cười tươi hơn cả hoa xuân. Không cần nói, không cần hỏi - ai cũng hiểu rằng, họ và những người họ gặp đều chung một con đường: Con đường khởi nghĩa. Con đường trăm ngàn ngả, từ trên núi xuống, từ dưới biển lên, từ cuối thị xã về căn cứ rồi lại từ căn cứ kéo xuống đường...
Nhưng có nhiều ngả bao nhiêu rồi cũng đổ về một nơi, ở đó người ta gặp nhau giữa thành phố vừa giải phóng, ở đó người ta gặp nhau trong cuộc biểu tình của ngày khởi nghĩa toàn thắng. Có niềm vui nào lớn hơn, phải không Niệm? Rất sung sướng và tự hào vì trong đoàn người náo nức hôm nay cũng có Thùy trong đó, cũng góp vào đó một lời hô khẩu hiệu, một ánh mắt căm giận với lũ cướp nước đã thua nhục nhã, một nụ cười rạng rỡ niềm vui và tất cả tâm tình của một người dân Việt Nam anh hùng trong ngày xuân lịch sử.
Thùy viết điều này khi khởi nghĩa chưa nổ ra, nhưng quanh Thùy tiếng bom đạn còn âm ỉ... Trước mắt chúng ta chỉ còn là ngày mai chói lọi và ánh sáng ấy đã làm cho Thùy quên đi bao gian khổ, mọi đau buồn đã và đang diễn ra hôm nay, trên cả hai miền đất nước...”.
Võ Thị Thái là một trong những bạn gái thân nhất của Thùy Trâm, đã được chị nhắc tới trong cuốn “Nhật ký” của mình - đoạn viết ngày 21.12.1968. Bức thư gửi cho bạn Thái, Thùy Trâm viết ngày 26.5.1970 (tức 27 ngày trước khi chị hy sinh). Thư đi theo đường giao liên bí mật - đường Hồ Chí Minh, ròng rã 5 tháng, tới cuối tháng 10 năm đó mới tới tay người nhận, tức 4 tháng sau ngày chị hy sinh. Trong thư này, Thùy Trâm đã chép lại đầy đủ từ đầu đến cuối bài thơ mà chị đã ghi lại trong “Nhật ký” ngày 7.1.1970. Chỉ có khác một chi tiết nhỏ là trong “Nhật ký” câu thứ 49 là “Tôi hôn những người thân và lệ tràn trong mắt” thì trong thư gửi cho bạn Thái, câu này là “Tôi hôn mọi người và lệ tràn trong mắt”.
Sau bài thơ đó chị viết tiếp cho bạn: “... Những dòng thơ trên đây chỉ là những hình ảnh tổng hợp của những người thân yêu trên hai miền đã đọng vào trong ý nghĩ của Th. Thái ơi, lửa đạn chiến trường không thể át nổi những âm thanh tha thiết của tình thương vẫn luôn vang vọng trong tâm hồn cô gái học sinh năm nào. Ở đây có những mối tình kỳ diệu, nó chưa phải là tình yêu, nhưng đượm nồng, thắm thiết vô hạn... là tình bạn sống chết có nhau. Những tình cảm đó cho Th. sức mạnh, niềm tin và nghị lực để vượt qua mọi gian nan...”.
“Hát” và “Tê” bình phương hay “Hát” và “Đê” bình phương
Đó là “mật mã” của bộ ba bạn gái thân nhau này từ thuở còn “thò lò mũi xanh”. “Mật mã” thứ nhất: Đỗ Kim Hảo - Đặng Thùy Trâm - Hoàng Minh Tấn (đọc theo tên). “Mật mã” thứ hai: Hoàng Minh Tấn - Đặng Thùy Trâm - Đỗ Kim Hảo (đọc theo họ). Những năm học cấp 1 rồi cấp 2, bộ ba “tóc xõa ngang vai” này luôn bên nhau như hình với bóng. Khi lên cấp ba, do hoàn cảnh gia đình nên phải mỗi người một trường. Rồi vào đại học, Thùy Trâm “đi y”, Kim Hảo “đi sư phạm”, còn Minh Tấn “đi báo chí”, nên ít khi hội tụ được cả ba. Tuy vậy, họ vẫn liên lạc thư từ với nhau, có dịp họ tranh thủ tìm đến với nhau để tâm tình, hàn huyên, kể cho nhau “mọi thứ trên đời”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, “tân nhà báo” Minh Tấn về quê hương Thanh Hóa để “bước vào đời” khi bom đạn Mỹ đã bắt đầu trút lên làng quê chị. Cô giáo mới “ra lò” Kim Hảo thì lên bục giảng môn Vật lý cho học sinh trường cấp ba Trưng Vương, Hà Nội. Còn bác sĩ trẻ ThùyTrâm thì xung phong “đi B” vào tận Đức Phổ, Quảng Ngãi - một trong những nơi ác liệt đạn bom của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong “Nhật ký” của mình, ngày 27.4.1969, Thùy Trâm đã ghi, có đoạn: “...Đêm qua một giấc mơ hòa bình đã đến với mình giữa căn nhà lộn xộn vắng vẻ của cảnh chạy càn đó. Mình mơ thấy Hà Nội với những căn phòng lộng mát sơn màu vôi vàng nhạt của trường Chu Văn An; mơ thấy quyển sổ chép nhạc với hình ảnh một mớ tóc vàng tơ của bé Thanh Trà và bông cúc Hảo đính trên đầu quyển sổ đó...”.
Cái tình tiết khó phai mờ trong tình bạn được Thùy Trâm ghi lại trong “Nhật ký” ở trên xuất xứ từ câu chuyện như sau: Trước khi lên đường “đi B” hai ngày, Thùy Trâm đã xin phép đơn vị sang tận Đông Anh - nơi Kim Hảo lúc đó đang cùng với học sinh trường Trưng Vương đi sơ tán, để thăm từ biệt bạn. Suốt một ngày đêm hai người bạn tâm đắc hàn huyên đủ mọi điều. Thùy Trâm đã thêu vào góc chiếc áo gối trắng một ngôi nhà thờ và hai con chim hòa bình bay liệng bằng chỉ tím để tặng bạn (vì lúc này bạn chị sắp lấy chồng). Đáp lại, Kim Hảo thêu một bông hoa cúc vào chiếc khăn để bạn coi như luôn cùng bên nhau. Về sau, khi ở chiến trường, Thùy Trâm nhận được thư Kim Hảo biết tin bạn sinh bé gái đầu lòng Thanh Trà có “mái tóc tây” vàng tơ xinh đẹp nên tưởng nhớ và hình dung lại hình ảnh đó qua giấc mơ... Vâng, có lẽ chỉ có tình bạn đậm sâu mới có tâm tưởng như vậy!
Chuyện về tấm ảnh ba người bạn thời “tuổi ô mai”
Tình tiết kỷ niệm đầy ấn tượng này đã xảy ra cách nay hơn 51 năm.
Một hôm ba cô gái lớp 5 của trường cấp 2 thị xã Thanh Hóa “Hát” và “Tê” bình phương đã rủ nhau đi chơi ngày chủ nhật. Tới một sân vườn rợp bóng cây dâu da đang mùa hoa nở rộ, họ dừng lại chuyện trò, nhặt hoa rơi, rồi nhảy dây... Ông chủ hiệu “Ảnh Quán Kháng Chiến” của sân vườn này trông thấy ba bé gái dịu dàng, xinh tươi trong những chiếc áo trắng thì đem lòng yêu quý như con mình. Bỗng ông bảo: “Các cháu ơi, vào đây bác chụp cho pô ảnh kỷ niệm”. Ba cô gái tuổi “teen” thật quá bất ngờ sung sướng khi được cái diễm phúc này: Còn gì sung sướng hơn khi được một tấm ảnh kỷ niệm cái thời tuổi niên thiếu luôn bên nhau! Mà lại được bác thợ ảnh tốt bụng chụp tặng không mất tiền nữa! “Vâng ạ” - cả ba cùng vui sướng và lễ phép đáp lời.
Họ bước vào ngồi trước phông nền của phòng chụp ảnh. Bác “phó nháy” chỉnh sửa vị trí, góc độ cho từng người. Chợt như sực nhớ điều gì, bác hỏi, cố ý thúc giục: “Nơ các cháu đâu, nào cài lên tóc đi!”. Cả ba sờ lên mái tóc mình tỏ vẻ tiếc ngẩn người, không nói lên lời. “Thôi được, bác đã có đây” - vừa nói, ông vừa chạy ra sân vườn chọn hái ba chùm bông hoa dâu da... “Đây rồi, đây rồi, nơ của các cháu đây”. “Hát” và hai “Tê” mừng quá. Họ nhận ba cái “nơ” trắng từ tay bác chủ hiệu rồi cài lên mái tóc cho nhau, chỉnh sửa, ngắm nghía...
Đây là bức ảnh chụp chung duy nhất của họ vào tuổi 14 (năm 1956): áo trắng, nơ trắng và cả... tâm hồn cũng trắng trong!
Sau ngày bác sĩ Thùy Trâm hy sinh, cô giáo Kim Hảo và nhà báo Minh Tấn luôn cất giữ tấm ảnh rất cẩn thận, coi đây là một kỷ vật đặc biệt của “bộ ba” thân thiết từ tuổi học trò ngày ấy.
Nguyễn Hữu Dy
(*) Dương Đức Niệm: Bạn học cùng lớp 10c với Đặng Thùy Trâm; về sau là Phó giáo sư - tiến sĩ, nguyên Phó bí thư Đảng ủy trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bình luận (0)