* 18 thuyền viên thoát nạn sẽ được đưa về cảng Mongna (Bangladesh)
Tàu Saigon Queen có hô hiệu 3WLR, số IMO 9364083 (dài 102,79 m, rộng 17,028 m, GT=4074) thuộc Công ty CP vận tải biển Sài Gòn (SSC), đang trên hành trình chở gỗ từ Myanmar đi Ấn Độ, với 22 thuyền viên thì bị nạn. Khu vực này thời tiết rất xấu, đang chịu ảnh hưởng của cơn bão TWO. Trước khi báo nạn, hàng trên tàu đã bị xô lệch, tàu phải quay đầu để chằng buộc lại.
Đến 19 giờ 25 ngày 30.12, tàu Pacific Skipper (hô hiệu P3UW4, IMO: 8405804; MMSI: 209000876, mang cờ Cộng hòa Síp) đã cứu được 3 thuyền viên tại vị trí có tọa độ 07-59N; 084-07E và giữ liên lạc được với 16 thuyền viên khác trên bè cứu sinh. Đến 22 giờ 40 ngày 30.10, tại vị trí có tọa độ 08-02N; 084-34E, tàu Pacific Skipper đã cứu được 15 thuyền viên trong tình trạng sức khỏe tốt, chỉ có 1 thuyền viên bị thương nhẹ. Tuy nhiên, trong quá trình đưa các thuyền viên lên tàu Pacific Skipper, thuyền trưởng tàu Saigon Queen Nguyễn Minh Luân bị rơi xuống biển, hiện vẫn chưa tìm được tung tích.
|
Vietnam MRCC đã liên lạc với Đại phó tàu Saigon Queen Nguyễn Quốc Tám, người đã được tàu Pacific Skipper cứu. Ông Tám cho biết, 3 thuyền viên bị mất tích trước đó đã rời tàu bằng xuồng cứu sinh, nhưng lúc đó sóng rất to nên đập xuồng vào mạn tàu, khiến cả 3 rơi xuống biển. Lúc bị nạn 3 người này đều đã mặc áo phao và áo chống mất nhiệt. “Thuyền trưởng cũng mặc áo phao, nhưng chiến đấu cùng anh em suốt từ sáng đến chiều, quá đuối sức, không bám dây nổi nên bị rơi xuống biển”, ông Tám cho hay. 4 người mất tích là thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân (SN 1961); máy trưởng Hoàng Văn Ban (SN 1954); thủy thủ trưởng Trần Văn Đệ (SN 1958), thợ máy Phạm Phú Hữu (SN 1985).
Hiện tàu Pacific Skipper cùng 18 thuyền viên đang trong hành trình đi Bangladesh, dự kiến ngày 3.11 tàu sẽ cập cảng Mongna, Bangladesh. Việc tìm kiếm 4 người mất tích được tiếp tục triển khai ở mức cao nhất. Tuy nhiên, theo ông Vũ, lực lượng cứu nạn MRCC Colombo của Sri Lanka vẫn chưa có thêm thông tin gì. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn Sri Lanka, Ấn Độ, lực lượng tuần duyên Mỹ nỗ lực tìm kiếm những người mất tích.
Trong một diễn biến khác, hôm qua SSC đã có cuộc họp khẩn để giải quyết những việc liên quan. Ngay sau cuộc họp, ông Lê Minh, Phó tổng giám đốc cho biết khoảng 12 giờ đêm 30.10, qua điện thoại của thuyền trưởng tàu Pacific Skipper, công ty đã liên lạc được với các thủy thủ. Công ty cũng đã cử người sang Bangladesh để đón các thủy thủ này về nước. Tàu Saigon Queen (Nữ hoàng Sài Gòn) được hạ thủy vào ngày 8.8.2005, tính đến nay được gần 7 năm 3 tháng. Vào thời điểm hạ thủy, Saigon Queen là niềm tự hào của ngành đóng tàu phía nam vì đây là con tàu có tải trọng lớn nhất (6.500 DWT) được đóng tại khu vực này, do Công ty công nghiệp tàu thủy Sài Gòn thi công, chủ đầu tư là SSC - đơn vị thành viên của Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO). SSC là một trong những thương hiệu lớn và là doanh nghiệp chủ chốt của ngành vận tải biển tại TP.HCM, trong đó tàu Saigon Queen được biết đến với những chuyến hải hành từ châu Âu đến châu Mỹ.
Những giây phút cuối cùng của tàu Saigon Queen Tối 31.10, qua sóng điện thoại vệ tinh từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (VMRCC), PV Thanh Niên đã trao đổi trực tiếp với một số thuyền viên trong số 18 người sống sót đang trên tàu Pacific Skipper hành trình đi Bangladesh. Đại phó Nguyễn Quốc Tám kể, 2 con sóng to đã dìm sâu mũi tàu xuống, nước tràn ào ào vào khiến tàu nghiêng sang mạn phải. Tất cả thuyền viên đã lên boong, mặc áo phao, nhận lệnh rời tàu. 16 người lên xuồng cứu sinh số 2, hạ xuồng thành công. Trong khi đó, số người còn lại tìm cách lên xuồng cứu sinh số 1 ở bên mạn phải tàu. Trong lúc leo thang dây từ tàu xuống xuồng cứu sinh, máy trưởng Hoàng Văn Ban (58 tuổi) không may bị trượt chân ngã xuống biển. Còn thợ máy Phạm Phú Hữu (28 tuổi) không hiểu vì sao lại quay lại tàu, rồi cũng mất tích. Thủy thủ trưởng Trần Văn Đệ (54 tuổi) đã ngồi trong xuồng cứu sinh nhưng bị một cơn sóng mạnh đánh bật ra khỏi xuồng, cuốn chìm vào chân vịt tàu, mất tích. Xuồng cứu sinh số 1 cũng được hạ xuống thành công và có 3 người ở trên. “Saigon Queen đã chìm vào khoảng 11 giờ 30 phút trưa 30.10 ở tọa độ 07-59N; 084-07E trên vùng biển Sri Lanka”, anh Tám nghẹn giọng. Theo thuyền viên Võ Minh Tuấn (29 tuổi), sau khi tàu chìm, 2 xuồng cứu sinh chở 19 thuyền viên một mặt phát tín hiệu cấp cứu, mặt khác vẫn phải vật lộn với sóng to, bão mạnh, nhiều người mệt mỏi, đuối sức. Rất may mắn, sau khoảng 5 giờ, 3 người trên xuồng cứu sinh số 1 được tàu Pacific Skipper cứu. Nhờ liên lạc được với tàu Pacific Skipper, nên khoảng 3 giờ sau, 16 người trên xuồng cứu sinh số 2 gặp được tàu cứu nạn. Lê Quân |
Mai Hà - Mai Vọng
Bình luận (0)