Người ta kiếm nhiều tiền để làm gì? Để thực hiện mơ ước của mình. Nhưng mơ ước của mỗi người mỗi khác: Kẻ thì thích quyền lực, người thì để sống sung sướng, an bình. Và số còn lại để biến ước mơ từ nhỏ thành hiện thực. Bertarelli thuộc số “những người còn lại”. Thừa kế từ cha cả một hãng chuyên sản xuất dược phẩm, tỉ phú người Thụy Sĩ gốc Ý này có thể tiếp tục kiếm thêm tiền, nghiên cứu công nghệ sinh học. Nhưng vào một lúc nào đó Bertarelli chợt nhận ra rằng, tiền bao nhiêu cũng không đủ, còn cuộc sống thì chỉ có một và cần phải sống sao cho thỏa ước nguyện của mình.
Chiếc thìa bạc trong miệng
Con cháu của những người La Mã cổ đại thường nói những người may mắn là “người sinh ra đã có chiếc thìa bạc trong miệng”. Điều này hoàn toàn đúng với Bertarelli. Cậu bé khỏe mạnh, hay cười sinh năm 1965 tại Rome trong một gia đình lý tưởng. Ông Fabio Bertarelli là người bố chu đáo và là ông chủ của hãng dược phẩm Serono. Hãng do Chezare Bertarelli thành lập 1906, chuyên sản xuất thuốc chữa bệnh thiếu máu. Đến thập niên 1960, các chuyên gia công nghệ sinh học của Serono là một trong số những người đầu tiên của châu u sản xuất thuốc tránh thai. Đây là bước tiến lớn thời bấy giờ.
Do những năm 1970 tại Ý tình hình chính trị phức tạp, nên gia đình Bertarelli chuyển qua sinh sống ở Thụy Sĩ. Ernesto Bertarelli sống sung sướng, học tại Mỹ, tốt nghiệp Babson College và Đại học Harvard. Ông lấy vợ là cựu hoa hậu Anh – Kirstie. Những người không biết Ernesto đều nói ông là người may mắn. Nhưng trên thực tế, ngoài tiền của cha, Ernesto cũng có tài kinh doanh, biết tổ chức công việc và quan hệ với mọi người. Để dạy con tiếp nối sự nghiệp, vào dịp Giáng sinh mỗi năm, ông Fabio đều để Ernesto tặng quà cho các nhân viên. Vì thế ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Ernesto đã hiểu hãng Serono như lòng bàn tay của mình. Đến năm 15 tuổi Ernesto lần đầu tiên phát biểu trước HĐQT Serono. Hãng phát triển vững chắc để đến cuối những năm 1980 đưa ra thuốc Saizen – loại sản phẩm sinh học để chữa bệnh thiếu hoócmon tăng trưởng ở trẻ em.
Ernesto (đeo kính) cùng đồng đội - Ảnh: Reuters |
Vào đầu thế kỷ 21, Ernesto cùng chị ruột là Danatella nắm giữ khối tài sản khoảng 11 tỉ USD. Trong vòng 10 năm nắm quyền lãnh đạo hãng, Ernesto đã biến Serono trở thành hãng dược phẩm lớn thứ ba trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Trong khoảng thời gian này, doanh thu của Serono tăng gấp 4 lần. Năm 2001, lợi nhuận ròng của hãng đạt 317 triệu USD và đến năm 2002 Serono mua lại hãng Genset của Pháp. Công cuộc kinh doanh phát triển buộc Ernesto phải lựa chọn: Hoặc kiếm thêm tiền để tiếp tục đầu tư, mở rộng kinh doanh, hoặc bán đứt hãng Serono. Còn nhớ sinh thời ông Fabio Bertarelli trả lời phỏng vấn báo Le Nouveau Quotidien, Thụy Sĩ: “Điều chính yếu là sự lựa chọn: Anh muốn vẫn tiếp tục là nhà công nghiệp, hay đơn giản hơn là trở thành người giàu có”. Ernesto chọn cách thứ hai: Vào năm 2005, ông bán Serono cho hãng Merck KgaA của Đức với giá 10,6 tỉ USD.
Hoa tiêu Ernesto Bertarelli
Giã từ sự nghiệp kinh doanh, với hơn 10 tỉ USD và xếp thứ 75 trong danh sách Những người giàu của Forbes (2008), Ernesto hoàn toàn có thể cho phép mình sống sung sướng, an nhàn. Tuy nhiên nhà tỉ phú này lại lao vào chinh phục đại dương. Cũng cần nói thêm rằng, thuở nhỏ Ernesto và người chị Danatella đã nghĩ ra thế giới Anlingi, mà ở đó có những con cá heo biết nói, những con người khỏe mạnh sinh ra từ biển, những hòn đảo tuyệt vời... Đấy là vương quốc chỉ có trong mơ, nhưng Ernesto đã lấy tên Anlingi đặt tên cho đội thuyền buồm của mình để chinh phục đại dương bằng tốc độ, bằng vẻ đẹp của những cánh buồm luôn khát khao vươn tới những chân trời xa thẳm.
Ngay từ khi còn là cậu bé, Ernesto đã mê say thuyền buồm khi ra hồ Geneva. Cũng kể từ đó, biển đã là ngôi nhà thứ hai của Ernesto. Nhà tỉ phú tương lai liên tục giật giải trong các cuộc thi thuyền buồm tại Thụy Sĩ và Pháp. Tuy nhiên “quanh quẩn” mãi trong biển hẹp của châu u cũng chán, Ernesto luôn mơ ước chinh phục đại dương một cách đích thực bằng cách tham dự Giải đua thuyền nước Mỹ đã tồn tại hơn 150 năm qua.
Trong chuyện này, Ernesto lại gặp may mắn, Vào năm 1997, tỉ phú gặp nhà hàng hải người Pháp Marco Pajot. Ông này giúp Ernesto thành lập một đội đua thuyền lớn. Trên chiếc thuyền mang tên Vava, vào năm 2000, Ernesto cùng đội đua đến New Zealand, quốc gia đang giữ chiếc cúp Giải đua thuyền nước Mỹ.
Người ta nói rằng, Ernesto chi 55 triệu USD để thành lập ê-kíp đua thuyền của mình. Ông tự mình tuyển chọn các tay đua thuộc 16 quốc gia và chính ông sắm vai trò là hoa tiêu. Ông sống giản dị, hòa đồng cùng mọi người, đến nỗi nhiều người khi tìm Ernesto đều không tin rằng đó là nhà tỉ phú. Chỉ đến khi ông hỏi: Anh tìm ai, có việc gì? Ernesto à? Là tôi đây, thì người ta mới tin đích thực đó là Ernesto.
Sau 152 năm tồn tại, Giải đua thuyền nước Mỹ luôn thuộc về các đội đua Mỹ hay New Zealand thì vào năm 2003, lần đầu tiên, mới có một đội đua Thụy Sĩ do Ernesto dẫn đầu giành chức vô địch. Sau chiến thắng này, Ernesto Bertarelli nói với các nhà báo: “Với tôi, chiến thắng trong thể thao quan trọng hơn chiến thắng trong kinh doanh”. Và chiến thắng đó cũng gây sốc cho không ít người. Bởi Thụy Sĩ không phải là quốc gia có lối ra biển lớn. Sự kiện này khiến Tổng thống Pháp khi đó là Jacques Chirac trao cho Ernesto huân chương cao quý Bắc đẩu bội tinh...
Hiện nay, Giải đua thuyền nước Mỹ được sánh ngang với Giải đua xe tốc độ Công thức 1 (F-1). Tham dự giải là niềm vui của Ernesto, nhưng lợi nhuận chảy vào tài khoản của ông mỗi năm khoảng 30 triệu USD. Có người còn gọi ông là “anh hùng thời đại”. Tuy nhiên, nhà tỉ phú không hướng tới vinh quang, không muốn được nổi tiếng để đeo vòng nguyệt quế như trong văn học.
Phương châm sống của Ernesto Bertarelli rất đơn giản: “Thà chiến thắng dưới mưa còn hơn là thất bại dưới ánh nắng rực rỡ”.
Hoàng Hoài Sơn
Bình luận (0)