Tích cóp từng thửa đất
|
Ông Tước kể, cách nay 16 năm, cha mẹ để lại cho ông 10 công đất, trong đó có 4 công vườn và 6 công ruộng. Vào những ngày đầu trồng khoai lang, do không có đê bao nên năm trúng năm thất bởi úng ngập, giá cả cũng bấp bênh, thu nhập nuôi 6 miệng ăn trong gia đình rất khó khăn. Sau mấy năm tích lũy kinh nghiệm, vào mùa nước nổi thì nước trắng đồng, không ai sản xuất được, khi nước vừa rút thì ai ai cũng xuống giống ồ ạt, nên ông suy nghĩ phải làm khác với người ta thì giá khoai mới bán được cao. Nói là làm, sau khi thu hoạch khoai lang, đến mùa nước nổi, vợ chồng ông hì hục đào từng cục đất để làm thành đê bao khép kín quanh mảnh đất của mình. “Năm đầu gia đình tôi quyết định xuống giống nghịch vụ thử và may mắn là ăn thiệt, vừa trúng mùa, vừa được giá. Kể từ đó, gia đình tôi sản xuất luân phiên 1 vụ khoai 1 vụ lúa, năm nào gia đình cũng trúng mùa”, ông Tước kể.
Để mở rộng sản xuất, cứ sau mỗi mùa vụ, gia đình ông lại tích cóp tiền mua thêm đất sản xuất. Đến năm 2014, gia đình ông đã mua được 24 công đất, tổng cộng có 3 ha đất sản xuất khoai lang và lúa. Mua đất được tới đâu, ông làm đê bao khép kín tới đó nhằm chủ động nguồn nước để sản xuất nghịch vụ hiệu quả.
Không cho đất nghỉ
Chỉ trong năm 2015, gia đình ông Tước trồng khoai lang cho thu nhập hơn 1,3 tỉ đồng. “Để đón giá khoai lang tím Nhật, tôi chủ động bơm nước sớm và xuống giống 2,3 ha khoai vào trung tuần tháng 7 âm lịch. Tổng chi phí xuống giống khoảng 85 triệu đồng. Đến rằm tháng chạp, tôi thu hoạch với giá 7 triệu đồng/tấn, sản lượng 5 tấn/công, sau khi trừ chi phí thực lại thu được 720 triệu đồng/2,3 ha. Tiếp đó, tôi cho nước vào ngâm xử lý đất khoảng 10 ngày rồi rút nước ra và xử lý 600 kg vôi bột, phơi đất khoảng 10 ngày là tiếp tục xuống giống khoai vụ 2 trên cùng diện tích 2,3 ha. Chi phí đầu tư ước khoảng 90 triệu đồng. Đến cuối tháng 6, tôi thu hoạch khoai lang với giá 5 triệu đồng/tấn, sản lượng 5,5 tấn/công, sau khi trừ chi phí thực thu gần 550 triệu đồng. Thu hoạch xong 2 vụ, tôi tiến hành sạ lúa để đổi đất và hạn chế dịch hại cho mùa tới. Sau 3 tháng, trừ hết chi phí, tôi còn lãi hơn 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi còn tận dụng diện tích mặt nước mương và diện tích đất bờ bao trồng rau màu các loại để tăng thu nhập với hình thức lấy ngắn nuôi dài. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lợi hơn 25 triệu đồng/0,7 ha/năm. Như vậy, với 2,3 ha đất sản xuất khoai lúa, gia đình tôi được lãi hơn 1,3 tỉ đồng”, ông Tước thật thà.
Đặc biệt, trong mùa vụ vừa rồi, ruộng khoai lang của ông thu hoạch năng suất cao kỷ lục ở trong vùng với 13,5 tấn/công. Theo đó, năm 2016 ông xuống giống 3 ha đất trồng khoai lang sữa, sau 4 tháng thu hoạch cho năng suất 13,5 tấn/công, giá bán 2,2 triệu đồng/tấn, tổng thu gần 30 triệu đồng/công. Đợt 2 cũng đạt năng suất như đợt đầu nhưng giá cao hơn, đạt 35 triệu đồng/công. Chỉ tính riêng 30 công khoai lang đã cho thu nhập hơn 1,9 tỉ đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 1 tỉ đồng. “Do khoai vừa có màu đẹp, củ to nên nhiều thương lái giành nhau mua, gia đình không phải lo đầu ra. Nhờ vậy, gia đình tôi vừa chuyển nhượng được thêm 6 công đất nữa để canh tác”, ông Tước phấn khởi.
Theo ông Tước, để sản xuất cho năng suất cao, mỗi ruộng khoai cần phải có thủy lợi khép kín nhằm đảm bảo an toàn nguồn nước trong mùa vụ, tránh tình trạng ngập úng khi mưa nhiều hoặc thiếu nước khi trời khô hạn. Đặc biệt, trước khi xuống giống, ông thường xem xét tình hình chung để chọn ngày và loại khoai trồng để không đụng hàng, tránh ùn ứ, giá thấp. Cũng theo ông Tước, sản xuất nghịch vụ còn rất có lợi trong việc dự trữ khoai lang giống để gia đình trồng và bán cho những người ở địa phương, thu lợi hàng chục triệu đồng mỗi vụ.
Bình luận (0)