Làm giàu từ những giống lan ngoại, ông Trần Văn Xê ở H.Hóc Môn, TP.HCM, tự tin áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư lập phòng nuôi cấy mô để nhân giống lan nội.
Ông Trần Văn Xê nhân giống thành công nhiều giống lan nội địa - Ảnh: C.Nhân
|
Ông Xê từng nuôi, trồng nhiều loại cây, con khác nhau nhưng không thành công. Không nản chí, ông tham gia các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm từ các mô hình làm ăn hiệu quả với hy vọng tìm được hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình.
|
Từ 20 triệu đồng...
Một lần ông Xê đến thăm vườn trồng lan cho thu nhập cao ở Q.Bình Tân thì cơ hội mới đã đến. “Thấy mê lắm. Vậy là về tôi quyết định đi học trồng lan. Vừa lúc ấy thành phố có chương trình phát triển hoa lan cây cảnh và mở các lớp tập huấn. Tôi đăng ký tham gia ngay”, ông Xê nhớ lại thời điểm năm 2002.
Gom góp được 20 triệu đồng, ông đầu tư 500 cây lan Mokara về trồng thử nghiệm. Do chưa nắm vững kỹ thuật nên cây bị nấm bệnh, không phát triển. Ông bèn đi học kinh nghiệm của người quen, bạn bè rồi tích cực chăm sóc. Hơn một năm sau, lứa lan này đã ra hoa. Nhận thấy đây là hướng đi phù hợp, ông quyết định bán hết những con bò sữa còn lại, đầu tư trồng hai loại lan Mokara và Dendro trên diện tích 1.000 m2. Năm 2005, ông bán đất, vay thêm vốn ngân hàng, đầu tư mở rộng vườn lan lên gấp đôi. Một năm sau, vườn lan đã cho thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi tháng. “Bắt đầu từ năm 2008 - 2009, vườn lan cho thu nhập rất tốt, cả tỉ đồng mỗi năm”, ông Xê kể.
Xuất ngoại tìm “bí kíp”
Cũng những năm đó, ông Xê đi Thái Lan, Đài Loan học tập kinh nghiệm và nhìn thấy nghề trồng lan của các nước này rất phát triển. Thậm chí, gần như vườn nào cũng có phòng nuôi cấy mô để bán giống cho các nước khác. Từ đó, ông nghĩ: “Người Việt mình cũng mua giống của họ về trồng với giá rất cao. Năm 2005 tôi đầu tư vào vườn lan một tỉ đồng thì hơn 600 triệu đồng là tiền mua giống. Nhu cầu giống của người trồng lan rất lớn nhưng đây lại là điểm yếu của VN mình nên tôi quyết định đi học và đầu tư lập phòng nuôi cấy mô để nhân giống bán cho bà con. Ngay từ đầu tôi đã ý thức đây là việc khó khăn. Nhưng tại sao nông dân Thái Lan làm được mà mình không làm được? Nghĩ vậy nên tôi quyết tâm làm”.
Năm 2009, ông Xê lập phòng nuôi cấy mô với số vốn đầu tư 500 triệu đồng, công suất lên đến 100.000 cây. Theo ông, việc học nghề nuôi cấy mô khó hơn nhiều so với học trồng lan. Môi trường trong phòng phải đảm bảo vô trùng, nhiệt độ ổn định; người làm nghề phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ... chỉ có những người thật sự yêu nghề mới làm được. “Đó chính là lý do có một số người cũng lập phòng nuôi cấy mô nhưng không duy trì được lâu. Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng lan, việc lập được phòng nuôi cấy mô chính là điều tôi tự hào nhất, kỹ thuật cấy đỉnh sinh trưởng là kỹ thuật khó nhất tôi cũng làm tốt”, ông Xê bộc bạch.
Cứu loài lan tuyệt chủng
Khi đã thành thạo trong việc nuôi cấy mô, ông Xê bắt đầu tập trung nuôi cấy những giống lan rừng đặc trưng của VN như Ngọc Điểm, Hải Yến, Thủy Tiên. Hiện nay, ông đã nhân thành công giống lan Ngọc Điểm với quy mô lớn. “Tôi rất thích loại lan này. Nó rất thơm. Mỗi năm nó chỉ ra hoa một lần lại vào đúng dịp tết nên người miền bắc còn gọi là lan Nghinh Xuân. Nó còn quý ở chỗ là giống lan rừng trong tự nhiên đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng”, ông Xê tâm sự.
Giá lan giống từ phòng nuôi cấy mô của ông Xê có giá chỉ bằng phân nửa giá lan giống nhập ngoại trên thị trường. “Mình đi lên từ cây lan, giờ chuyển sang làm giống để hỗ trợ bà con nông dân không phải tốn nhiều chi phí để mua giống ngoại”, ông Xê nói.
Bình luận (0)