(TNO) Những ngày này, trên cầu Rồng TP.Đà Nẵng xuất hiện hàng trăm ống xi lanh để trám những vết nứt.
Cầu Rồng xuất hiện vết nứt trước khi nghiệm thu
|
Nứt trước nghiệm thu
Ngày 21.3, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính TP.Đà Nẵng (BQL) có báo cáo kế hoạch triển khai bảo trì trong giai đoạn bảo hành cầu Rồng về việc xử lý các dãy nứt chằng chịt trên cầu sau một năm đưa vào sử dụng.
Theo BQL, trước khi tổ chức nghiệm thu và đưa vào sử dụng ngày 29.3.2013, Sở GTVT TP.Đà Nẵng đã mời Công ty TNHH GTVT (Trường ĐH GTVT Hà Nội) kiểm định độc lập nhằm đánh giá an toàn chịu lực công trình.
Đơn vị kiểm định đã phát hiện các vết nứt có bề rộng từ 0,1 - 0,2 mm gồm chủ yếu tại các vị trí tiếp giáp giữa hai lần đổ bê tông của dầm và ụ chân vòm, các vết nứt thẳng đứng trên gờ chắn bánh giải phân cách đoạn nhịp trên dầm hộp thép (không có dự ứng lực dọc), các vết nứt thẳng đứng tại tường ngực mố cầu dẫn phía đông.
Qua kiểm tra, Công ty TNHH GTVT kết luận các vết nứt đều thuộc phạm vi của kết cấu bê tông cốt thép (BTCT) thường, bề rộng vết nứt nằm trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, đơn vị kiểm định cũng lưu ý phải tiếp tục theo dõi, quan trắc các vết nứt cũng như mối liên kết giữa dầm thép và dầm BTCT, giữa dầm - vòm BTCT để phát hiện và kịp thời xử lý các biểu hiện bất thường.
Các vết trám nứt chằng chịt trên cầu
|
Ngoài ra, đơn vị kiểm định kết luận, quá trình kiểm định sức chịu tải của kết cấu vẫn làm việc trong giới hạn đàn hồi, không phát hiện bất thường, các chỉ tiêu kỹ thuật cường độ chịu tải, độ cứng chống biến dạng, chuyển vị đỉnh vòm, chu kỳ dao động riêng đều phù hợp với kết quả phân tích lý thuyết, công trình đủ khả năng chịu tải theo tải trọng của hoạt tải thiết kế theo tiêu chuẩn.
BQL dự án cầu Rồng cũng khẳng định, các vết nứt trên xuất hiện là do co ngót bê tông hoặc do thay đổi nhiệt độ môi trường, qua theo dõi không thấy có hiện tượng phát triển thêm, không có biến đổi bất thường và không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực và làm việc của công trình cầu Rồng.
Theo kế hoạch bảo hành, hiện nhà thầu đang xử lý các vết nứt do co ngót, từ biến trong quá trình khai thác, theo dõi và xử lý các vết nứt mới phát sinh, ngăn ngừa sự ảnh hưởng xâm thực của môi trường đến chất lượng kết cấu BTCT.
Cận cảnh dãy xilanh bơm keo chuyên dụng trị nứt cầu Rồng
|
Đối với các vết nứt thẳng đứng trên gờ chắn bánh dải phân cách, các công nhân dùng hệ thống xi lanh bơm keo Epoxy Sikadur 752 cường độ cao, độ nhớt thấp vào các vết nứt nhìn rõ, đục rãnh chữ V trám vữa Epoxy sikadur 731 đối với những vết rạn chân chim.
Các vết nứt lớn tại vị trí tiếp giáp giữa hai lần đổ bê tông của dầm và ụ chân vòm cũng được xử lý tương tự, riêng bề mặt hoàn thiện bằng vữa Epoxy sikadur 731.
Ngoài ra, nhà thầu bảo hành còn phải đục nhám bề mặt khe phía trên ụ chân vòm rồi đổ lớp bê tông 30Mpa nhằm tạo dốc bề mặt tránh hiện tượng đọng nước cục bộ.
Đối với một số vị trí đọng và thấm nước ở phía trước và sau ụ chân vòm, các công nhân phải bóc một hàng gạch, đục bỏ hoàn toàn lớp vữa ẩm ướt đến bề mặt bê tông dầm rồi phun dung dịch chống thấm chuyên dụng Lemax 7WP (1 lít/5 m2) và quét hai lớp nước xi măng đặc dọc theo bề rộng của ụ chân vòm.
Đợt thi công khắc phục vết nứt cầu Rồng kéo dài từ nay đến hết tháng 3.
Bài, ảnh: Nguyễn Tú
>> Khánh thành cầu Rồng bắc qua sông Hàn
>> Thêm phương án chiếu sáng cầu Rồng
>> 35 triệu USD xây dựng cầu Rồng (Đà Nẵng)
>> Hợp long cầu Rồng qua sông Hàn
>> Cầu rồng Đà Nẵng sắp hoạt động
>> Tám chuyện cầu Rồng
Bình luận (0)