Tiền lệ tốt

13/06/2011 01:40 GMT+7

Nhiều nông dân H.Bến Lức (Long An) đã rơi nước mắt khi nhận được tiền hỗ trợ thiệt hại trong vụ lúa "điếc" do đèn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc khi những bức xúc của người dân đã được lắng nghe và giải quyết thỏa đáng.

Trong một thời gian dài, gần 200 hộ nông dân đã phải viện đến con đường khiếu nại hành chính lắm nhiêu khê, thậm chí kiện chủ đầu tư ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại. Rất may, vụ việc đã được Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo kịp thời và kết thúc có hậu khi chủ đầu tư đồng ý hỗ trợ 1,3 tỉ đồng. Lần đầu tiên, một dự án hạ tầng do Nhà nước đầu tư, phục vụ mục đích cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc: gây thiệt hại cho dân thì phải bồi thường.

Đây được xem là tiền lệ tốt, khi mà trên thực tế, những trường hợp bị thiệt hại do việc triển khai các dự án công cộng đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Tuy vậy, trong đa phần trường hợp, các cơ quan hữu quan thường vin vào cái cớ công trình công cộng (CTCC) để phủ nhận trách nhiệm bồi thường cho dân. Ví dụ như người dân buộc phải chấp nhận chuyện thi công các dự án giao thông phải có bụi bặm, kẹt xe, thiệt hại, thậm chí tai nạn... như một sự áp đặt vô lý. Lối suy nghĩ "con kiến kiện củ khoai" dường như đã hằn thành nếp khi đề cập đến chuyện đòi cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) bồi thường thiệt hại. Cũng chính tư duy nhẫn nhịn này của người dân đã góp phần tạo nên cách hành xử thiếu tích cực từ phía đơn vị thi công và quản lý các CTCC.

Dư luận hẳn chưa quên vụ ông Nguyễn Văn Lang (80 tuổi) kiện Sở GTVT TP.HCM vì "lô cốt" thi công bê bối, chây ì. Vụ kiện được TAND TP.HCM thụ lý từ tháng 8.2010 nhưng vẫn chưa xét xử do nhà thầu Trung Quốc liên tục trì hoãn. Vào thời điểm phát sinh vụ kiện, vấn đề gây tranh luận là: liệu CTCC gây thiệt hại cho dân có phải bồi thường? Song đến nay, có lẽ đã có câu trả lời, bởi chỉ đạo của Thủ tướng trong vụ lúa "điếc" đã khẳng định một nguyên tắc căn bản vốn được bảo vệ bởi các quy định pháp luật: Gây thiệt hại thì phải bồi thường. Dù là CTCC hay tư nhân; dù là cơ quan QLNN, nhà thầu hay người dân đều bình đẳng trước pháp luật và mọi sự xâm phạm quyền lợi gây tổn hại vật chất hay tinh thần đều phải được đền bù.

Từ 1.7 tới đây, khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, sẽ tạo hành lang pháp lý cho người dân thực hiện quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án xem xét tính đúng đắn của hoạt động QLNN, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi người dân bị các hoạt động này gây thiệt hại. Người dân có thể khởi kiện các loại quyết định hành chính, hành vi hành chính thẳng ra tòa mà không phải qua thủ tục “khiếu nại trước, kiện sau” như quy định hiện hành.

Một khi cánh cửa tòa rộng mở, người dân đặt niềm tin vào công lý và cơ quan QLNN đối mặt với áp lực bị kiện khi làm sai, chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể tình trạng mất an toàn và thiếu trách nhiệm đang tồn tại ở các CTCC hiện nay.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.