img

Người Nùng ở xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (H.Quảng Hòa, Cao Bằng) vẫn thủ thỉ cho con cháu về nghề làm giấy bản đã có hàng trăm năm tuổi của cha ông mình. Giấy bản vốn chủ yếu làm vàng mã, cũng có khi dùng để chép gia phả, chép các làn điệu dân ca hay dán bàn thờ, trang trí nhà cửa. Nhưng bây giờ, sau lớp học làm sản phẩm du lịch, giấy bản đã được làm thành sổ thơ, giấy vẽ, quạt giấy, túi xách và nhiều sản phẩm decor trang trí xinh xắn.

Tiến sĩ Bùi Thị Bích Lan: “Tôi bị không gian văn hóa vùng cao mê hoặc” - Ảnh 1.

Những chiếc quạt giấy được làm sau khóa học làm quà tặng du lịch của dự án

NVCC

"Đây là quạt giấy các chị em làm, sau khi tham dự khóa học đào tạo nghề truyền thống, thuộc Dự án "Bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng" do Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) tài trợ. Hôm đó học xong, mấy chị em cùng chụp ảnh", TS Bùi Thị Bích Lan, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN), cũng là Chủ nhiệm dự án, chia sẻ về một tấm ảnh.

Dự án đã chạy được gần 2 năm với sự tham gia của các nhà nghiên cứu thuộc nhiều chuyên ngành như dân tộc học/nhân học, văn hóa, du lịch… có cùng chung tâm huyết bảo tồn, phát huy giá trị của các nghề thủ công truyền thống, đánh thức tiềm năng du lịch của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập. Dự án cũng để cùng hướng tới những tôn chỉ mà danh hiệu "Công viên địa chất toàn cầu" đặc biệt chú trọng, đó là: bảo vệ môi trường, bảo vệ bản sắc văn hóa cộng đồng nơi có di sản, huy động cộng đồng trong công tác bảo tồn và khai thác hợp lý di sản...

Tiến sĩ Bùi Thị Bích Lan: “Tôi bị không gian văn hóa vùng cao mê hoặc” - Ảnh 2.

Lớp học có nhiều giảng viên thuộc nhiều thành phần khác nhau. Có người đồng thời là chủ thể văn hóa như chị Nông Thị Kính, một nghệ nhân của làng nghề. Trước khi có dự án này, cơ sở sản xuất giấy bản nhà chị Kính là điểm đối tác duy nhất của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Có người là giảng viên trường ĐH Thủ đô Hà Nội, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch. Giờ đây, dù Dự án chưa kết thúc nhưng những giá trị mang lại cho cộng đồng đã được hiện hữu.

Tiến sĩ Bùi Thị Bích Lan: “Tôi bị không gian văn hóa vùng cao mê hoặc” - Ảnh 1.

Ở thời điểm những năm 2000, Khoa Lịch sử của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) còn có những ngành hấp dẫn khác, chẳng hạn như khảo cổ học, văn hóa, hay lịch sử thế giới…, vì sao chị lại chọn ngành Dân tộc học?

Hồi đó, tôi lựa chọn ngành Dân tộc học vì sự tò mò về không gian văn hóa - xã hội của người dân tộc thiểu số. Tôi thực sự bị thuyết phục qua một chuyến thực tập tại một bản người Thái ở Sơn La. Thầy hướng dẫn khi đó là GS Hoàng Lương, cũng là một người Thái. Tôi sống ở thành phố quen rồi, lần đầu tiên đến bản làng vùng cao, được hòa vào không gian văn hóa độc đáo ấy, thì thấy một thế giới rất mới mẻ, khác lạ. Chúng tôi được "ba cùng" với người dân như một thành viên trong gia đình: sáng đi lấy nước, lên nương rẫy, chiều về vào bếp nấu cơm, tối múa sạp, uống rượu cần... Lúc đấy, tôi như bị không gian văn hóa vùng cao mê hoặc rồi lựa chọn.

Bất chấp khí hậu, đường sá xa xôi, tiện nghi thiếu thốn...?

Lúc đấy tôi còn trẻ, không hình dung hết được trở ngại trong nghề. Sau này khi đi làm, có những chuyến công tác chỉ có một mình, nhất là khi làm luận án tiến sĩ. Đó là những chuyến điền dã dài ngày tại các bản làng của người Kháng ở Sơn La. Đôi lúc, rào cản về ngôn ngữ cũng như khó khăn về điều kiện sinh hoạt tại thực địa đã khiến tôi tự hỏi không biết mình có tiếp tục theo nghề được không.

Những chuyến công tác vùng cao cứ thế nối tiếp nhau. Khi đã đam mê rồi, mình thích nghi rất nhanh, dễ dàng vượt qua những rào cản và mỗi chuyến đi đều đem lại những khám phá và trải nghiệm mới mẻ.

Tiến sĩ Bùi Thị Bích Lan: “Tôi bị không gian văn hóa vùng cao mê hoặc” - Ảnh 5.

TS Bùi Thị Bích Lan (áo caro) trong chuyến đi diền dã

NVCC

Đề tài luận án của chị khi đó là gì?

Tôi nghiên cứu về sinh kế của người Kháng, sau đó đưa ra các giải pháp nhằm phát triển kinh tế bền vững như giải quyết việc thiếu đất sản xuất, hay việc chuyển đổi sang nông nghiệp hàng hóa với những tác động tiêu cực tới môi trường. Đồng bào chuyển sang các loại cây trồng mới cho năng suất cao nhưng kỹ thuật canh tác cũng như việc sử dụng phân hóa học không đúng liều lượng đã khiến đất đai càng suy thoái nhanh.

Nhưng trước đấy họ hẳn phải có cách gì đó khai thác bền vững chứ, để có thể tồn tại được cả bao đời?

Họ canh tác cây trồng truyền thống, bằng tri thức địa phương. Các tập quán đấy ít gây tác hại môi trường nhưng năng suất rất thấp. Vì thế, hiện nay hầu hết diện tích trồng trọt đã được bà con chuyển đổi sang các loại cây hàng hóa. Vấn đề là khi có thu nhập, cải thiện được sinh kế thì đời sống văn hóa, tâm linh lại phai nhạt, do không còn môi trường thực hành.

Khi trồng lúa nương, bà con có đầy đủ các nghi lễ. Lúc bắt đầu gieo trồng thì có lễ trỉa lúa, thu hoạch về lại có lễ cơm mới, để cầu mong và tạ ơn thần linh ban cho những vụ mùa no đủ. Còn bây giờ chuyển sang cây hàng hóa như ngô lai, sắn lai, lễ cúng đã không còn điều kiện để duy trì nữa. Không còn thực hành nghi lễ nông nghiệp nữa thì văn hóa tộc người mai một, sự gắn kết cộng đồng cũng vì thế suy giảm. Bảo tồn văn hóa tộc người càng khó hơn, nhất là trong xu hướng giao lưu và tiếp biến mạnh mẽ với văn hóa phổ thông. Nó đặt ra vấn đề phát triển bền vững khi tăng trưởng kinh tế lại phải hy sinh về văn hóa.

Tiến sĩ Bùi Thị Bích Lan: “Tôi bị không gian văn hóa vùng cao mê hoặc” - Ảnh 6.

Nhà nghiên cứu thì có thể nhận biết vấn đề đó nhanh. Nhưng còn cộng đồng, họ có cảm thấy bị mất mát không?

Người dân, thế hệ trẻ bị cuốn theo kinh tế thị trường nên không để ý những mất mát về giá trị văn hóa. Nhưng thế hệ người già, họ rất tâm tư điều đấy! Nó như quy luật thôi.

Tiến sĩ Bùi Thị Bích Lan: “Tôi bị không gian văn hóa vùng cao mê hoặc” - Ảnh 2.

Từ những hoài bão của cô sinh viên năm thứ 3, tới bây giờ đã hàng chục năm. Hẳn những năm tháng dân tộc học đó chị phải có câu chuyện nào đó đau đớn, hay hạnh phúc chứ. Nó khiến người ta muốn gắn lại với nghề.

Có một câu chuyện rất ám ảnh với tôi. Đó là một chiều tôi ngồi ở quán tạp hóa của người Kinh ở một bản người Kháng. Trong lúc quan sát trao đổi mua bán của người dân trong bản, tôi thấy một người đàn ông người Kháng, dáng điệu trông khắc khổ. Bác vừa từ nương về, trên tay cầm một bọc tiền, hỏi ra thì bác bảo vừa bán một nương ngô. Tôi hỏi bác vào tạp hóa mua gì, bác bảo không, vào để trả nợ. Nợ mua phân bón. Nhưng khi được hỏi là nợ bao nhiêu thì bác lắc đầu, không biết.

Bác ấy vào quán, cứ ngồi chờ chị chủ đại lý tra sổ vì bác không biết tính toán, cũng chẳng ghi chép gì vì không biết chữ. Chủ quán cộng trừ một hồi, rồi thông báo số tiền. Bác ấy đếm đi đếm lại tiền vẫn không đủ, đành xin nợ tiếp, rồi bần thần ra về.

Tôi nghĩ chả lẽ họ cứ luẩn quẩn trong vòng vay trả mãi ư, khi họ chỉ cần biết vay được tiền là đủ, còn lãi bao nhiêu cũng không biết, cũng không biết đầu tư cho sản xuất như thế thì có sinh lời không. Họ chỉ biết mình bán nương ngô được nhiều tiền hơn trồng lúa, nhưng đâu tính được là đã bỏ tiền mua giống đầu vụ, lại vay tiền mua phân bón ở đại lý và cuối năm phải trả lãi nữa.

Sức lao động là có thật, nhưng những hạn chế về nhận thức, về khả năng hạch toán chi tiêu đã khiến họ rơi vào vòng xoáy của "vay trả, trả vay". Đó chỉ là một trường hợp, nhưng nó diễn ra nhiều nơi, nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số vùng cao. Tôi vẫn ám ảnh lắm.

Nhưng cũng có câu chuyện vui, như ở Dự án tại vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng mà chúng tôi đang triển khai. Đã có những giá trị thiết thực cho cộng đồng. Sau 2 khóa đào tạo ngắn ngày, nhiều thợ thủ công ở Dìa Trên giờ đây làm sản phẩm du lịch thành thạo, sẵn sàng đón đợi đơn hàng lớn. Họ cũng có kỹ năng thuyết trình tại điểm, tăng tính hấp dẫn của điểm đến. Tiếp cận từ cơ sở là một phương pháp quan trọng giúp Dự án có được thành công này. Chúng tôi xuống tận bản, vào tận cộng đồng, "ba cùng" với bà con trong suốt quá trình triển khai nghiên cứu.

Tiến sĩ Bùi Thị Bích Lan: “Tôi bị không gian văn hóa vùng cao mê hoặc” - Ảnh 8.

Những điểm du lịch mới là điều TS Bùi Thị Bích Lan mong ước

NVCC

Có những tri thức địa phương của người dân tộc thiểu số rất có giá trị. Các chính sách không dựa trên tri thức đó thường khó thành công. Với Dự án về bảo tồn nghề thủ công vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, chị hẳn sẽ có nhiều kiến nghị về chính sách?

Sau khi Dự án này kết thúc, tôi cũng sẽ chuyển giao cho địa phương một số kết quả nghiên cứu, trong đó có đề xuất, kiến nghị đáng quan tâm. Chẳng hạn, theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", các địa phương nơi có làng nghề truyền thống cũng tiến hành sáp nhập, đổi tên thôn, bản, tổ dân phố. Điều này khiến một số làng nghề tên tuổi từng tồn tại hàng trăm năm ở Cao Bằng bỗng chốc bị biến mất, rất đáng tiếc. Đơn cử: Làng hương Phia Thắp sau sáp nhập đã trở thành làng Đoàn Kết, làng đường phên Bó Tờ nay đã được đổi thành Tổ dân phố 3...

Cái tên của một làng nghề không đơn giản chỉ là tên gọi, mà hàm chứa trong đó rất nhiều ý nghĩa, giá trị về văn hóa, về lịch sử làng nghề cũng như làm nên thương hiệu của làng nghề. Việc sáp nhập và đổi tên làng nghề một cách máy móc, cơ học theo chủ trương chung đã vô tình làm mất đi tên tuổi của làng nghề mà bao thế hệ ông cha họ đã bồi đắp.

Tiến sĩ Bùi Thị Bích Lan: “Tôi bị không gian văn hóa vùng cao mê hoặc” - Ảnh 8.

Làng đường phên Bó Tờ tốt hơn lên nhờ dự án hướng dẫn làm du lịch văn hóa

NVCC

Nếu nhìn tất cả bằng con mắt của nhà quản lý, sẽ thấy sáp nhập là chủ trương chung, vì thế là việc phải làm. Tuy nhiên, dưới con mắt của nhà nghiên cứu, với những trường hợp đặc biệt như các làng nghề truyền thống, thì cần có sự xem xét, cân nhắc thật cẩn trọng. Như trường hợp làng hương Phia Thắp chẳng hạn. Thương hiệu hương Phia Thắp đã nổi danh khắp vùng Đông Bắc, thậm chí khắp cả nước, qua bao thế hệ. Vì thế, có thể xem xét giữ nguyên tên gọi của những làng nghề này, thay vì yêu cầu đổi sang tên mới. Như vậy, chủ trương chung vẫn được thực hiện mà tên tuổi làng nghề vẫn được giữ gìn. Những gì đã diễn ra khiến tôi không khỏi trăn trở, tiếc nuối. Rõ ràng, nhận thức trong công tác quản lý và bảo vệ di sản vùng Công viên địa chất toàn cầu của chúng ta còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục bàn thảo trong thời gian tới.

Xin cảm ơn chị!

Tiến sĩ Bùi Thị Bích Lan: “Tôi bị không gian văn hóa vùng cao mê hoặc” - Ảnh 9.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.