Tiến sĩ trẻ nhận danh hiệu nhà lãnh đạo giáo dục sáng tạo

24/11/2011 17:25 GMT+7

Vượt qua những ứng cử viên của 70 quốc gia, tiến sĩ Nguyễn Văn Long - Trường ĐH ngoại ngữ Đà Nẵng là người duy nhất khu vực Đông Nam Á trở thành 1 trong 30 nhà lãnh đạo "Giáo dục sáng tạo toàn cầu" được Microsoft chọn hồi tháng 11 này.

Vượt qua những ứng cử viên của 70 quốc gia, tiến sĩ Nguyễn Văn Long - Trường ĐH ngoại ngữ Đà Nẵng là người duy nhất khu vực Đông Nam Á trở thành 1 trong 30 nhà lãnh đạo "Giáo dục sáng tạo toàn cầu" được Microsoft chọn hồi tháng 11 này.

Vị tiến sĩ trẻ này từng tốt nghiệp thủ khoa của Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, sau đó tiếp tục học thạc sĩ ở Úc.  Long có niềm say mê đặc biệt với công nghệ thông tin (CNTT). Tự mày mò học, tìm mọi cách đưa CNTT ứng dụng vào những bài giảng của mình và hướng dẫn các đồng nghiệp sử dụng nó trong giảng dạy.

Với những thành tích của mình, anh đã nộp hồ sơ xin học bổng nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Cùng lúc 5 trường ĐH của Úc và New Zealand trao học bổng toàn phần cho anh. Sau đó, Long quyết định chọn học tại New Zealand.

Trở về Việt Nam với tấm bằng tiến sĩ, anh vừa được cất nhắc vào vị trí Trưởng ban Đào tạo của Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Việc anh lọt vào "top" 30 nhà lãnh đạo "Giáo dục sáng tạo toàn cầu" chính là nhờ khi trực tiếp giảng dạy, anh đã hướng những sinh viên của mình sử dụng những dịch vụ xã hội, tiện ích phổ biến ở những mạng xã hội nổi tiếng. Sinh viên có thể thảo luận với nhau thông qua chat. "Sinh viên nhiều khi mặt đối mặt không có gì để nói với nhau, nhưng khi tham gia các mạng xã hội thì dễ bộc bạch, dễ sử dụng ngôn ngữ để trao đổi, nên với tôi, đó là cách học dễ nhất dành cho họ", tiến sĩ Long nói về việc sử dụng các mạng xã hội trong những bài giảng của mình.

Trở thành một nhà lãnh đạo giáo dục toàn cầu, tiến sĩ Long nhận được cơ hội có mặt tại Washington DC (Mỹ), tham gia diễn đàn thảo luận về giáo dục và ứng dụng CNTT với 800 đại biểu trong lĩnh vực giáo dục của các quốc gia trên thế giới. Với tiến sĩ Long, đây không chỉ mang đến cho anh niềm tự hào mà còn là cơ hội hiếm hoi để học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm về ứng dụng CNTT đối với nền giáo dục Việt Nam.

Đến với diễn đàn giáo dục toàn cầu, tiến sĩ Long đã trình bày các giải pháp ứng dụng CNTT trong bối cảnh thiếu thốn về hạ tầng CNTT ở Việt Nam. Những gì mà tiến sĩ trẻ này tiếp thu được là: kỹ năng làm việc nhóm, xây dựng hệ thống kiến thức và đánh giá năng lực của người học, kỹ năng ứng dụng CNTT của giảng viên... "Người dạy bây giờ không thể rập khuôn đọc chép. Người dạy chỉ nên là người định hướng. Có vậy thì người học mới có sự tiếp thu dễ dàng hơn...", tiến sĩ Long chia sẻ về phương pháp giảng dạy.

Chương trình Partner in Learning (Đối tác giáo dục) là một sáng kiến toàn cầu mà Microsoft thiết kế để chủ động tăng cường tiếp cận công nghệ và cải thiện việc ứng dụng CNTT trong việc dạy và học. Dự án kéo dài gần 10 năm được Công ty Microsoft đầu tư hơn 500 triệu USD để hỗ trợ giáo dục trên toàn cầu. "Diễn đàn Giáo dục toàn cầu của Microsoft" là một trong những hoạt động lớn nhất của chương trình này.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.