Tiến tới đại hội của dân chủ

21/10/2010 01:45 GMT+7

Giáo sư Trần Đình Bút (ảnh), Phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ nhận định, kể từ ngày thống nhất đất nước, chưa bao giờ Đảng và Nhà nước ta đứng trước những thử thách cực kỳ to lớn, đồng thời cũng có những thời cơ vô cùng thuận lợi như ngày nay, cần được nhận thức đúng với thực tiễn và xử lý hiệu quả.

* Giáo sư đề cập đến những thách thức của thực tiễn. Thách thức nào đáng quan tâm nhất hiện nay?

- Thách thức lớn nhất, đó là dân trí nâng cao, nhưng dân chủ từng nơi, từng lúc vẫn có biểu hiện hình thức. Nhờ một loạt công cụ hiện đại mà người dân sử dụng, được tiếp xúc nhanh với nhiều nguồn kiến thức hiện đại (30% dân số sử dụng internet), gần như trình độ dân trí đã vượt xa mức độ dân chủ họ đang thụ hưởng. Tuy có cải tiến, nhưng vẫn còn nhiều biểu hiện hạn chế dân chủ, hoặc dân chủ hình thức, cũ kỹ. Do đó, nhu cầu về việc thực sự tôn trọng ý nguyện người dân và nâng cao trình độ dân chủ hóa quản lý mọi hoạt động xã hội là một thực tiễn. 

Vì vậy, tôi rất mừng và thích thú nhất ở cương lĩnh mới bổ sung, trong mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” trước đây, thì nay đã đưa mục tiêu dân chủ lên trước công bằng. Vì có dân chủ mới có thể có công bằng và mọi tiến bộ văn minh khác. Đó là một chuyển biến căn bản, một tiến bộ, một thắng lợi lớn trong nhận thức tư tưởng của Đảng, đáp ứng một đòi hỏi khách quan của xã hội, một xu thế của thời đại và là một quy luật của phát triển nhanh và bền vững.

Nguyên tắc quan trọng của dân chủ trong đại hội là thông tin công khai những vấn đề cần tranh luận và cân nhắc ngay trong nghị trường và thông qua diễn đàn đại hội để tranh luận dân chủ từ giới thiệu nhân sự, đến những tư tưởng chiến lược của phát triển. Trong bầu cử cần: công khai khuyến khích ứng cử; từng chức danh ít nhất có hai ứng cử viên để lựa chọn; mỗi ứng cử viên phải công khai trình bày chương trình hành động của mình, kèm theo là bản giới thiệu về kê khai tài sản của bản thân và gia đình, để mỗi đại biểu có thông tin đầy đủ khi lựa chọn. Cần rất thận trọng xem xét các điều kiện trên, đồng thời cân nhắc kỹ về các tiêu chí cần thiết của người lãnh đạo (có tầm nhìn sáng tạo, đổi mới, bàn tay sạch, có trình độ tổ chức thực hiện...).

Tuy nhiên, lại nảy sinh trong tôi một câu hỏi: Nên chăng việc chuyển hẳn mục tiêu dân chủ này lên hàng đầu tiên, hình thành cách sắp xếp mới về mục tiêu là: “Dân chủ, dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh”? Vì có dân chủ thì mới có dân giàu và nước mạnh được. Nếu ta mạnh dạn bổ sung, phát triển cương lĩnh theo hướng như vậy, Đại hội XI của Đảng sẽ thắng lợi trọn vẹn hơn và sẽ được ghi vào lịch sử Đảng ta là một đại hội của dân chủ, như Đại hội VI đã được dư luận xã hội tôn vinh là đại hội của đổi mới.

Hơn nữa, cần khẳng định việc thụ hưởng các quyền dân chủ không phải là hàm ơn, nhận sự ban phát của cấp trên, mà là quyền lợi đầu tiên, tối thượng của mỗi công dân, các cấp quản lý phải tôn trọng nghiêm chỉnh, với tư cách là người công bộc phục vụ ông chủ là người dân. Bác Hồ kính yêu, ngay trong Tuyên ngôn Độc lập và trong Hiến pháp đầu tiên đã thể hiện ý nguyện và quyền lợi chính đáng đó của người dân, cho nên tên nước đầu tiên năm 1945 là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ý nghĩa tiến bộ và giá trị chính trị sâu xa của dân chủ chính là ở đó.

* Thời gian qua, chúng ta đã nói nhiều đến phát triển bền vững. Vậy theo giáo sư, để làm đúng việc này thì cần có những yếu tố gì?

- Theo tôi, Đại hội XI của Đảng lần này cần có chủ trương chặt chẽ, rõ ràng về khoan sức dân, tôn trọng quyền của nhân dân sử dụng tài sản của mình; coi đó là yếu tố chính trị cơ bản để an dân, lấy lại lòng tin của dân. Như vậy mới có thể phát triển bền vững.

Chủ trương khoan sức dân đã được đề cập từ sau Đại hội VI, trong chiến lược tài chính quốc gia, chỉ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 20% GDP, theo thông lệ lịch sử và kinh nghiệm nhiều nước. Mục đích việc hạn chế huy động vào ngân sách nhà nước như trên là nhằm để lại một nguồn GDP trong dân biến thành nguồn tài sản cải thiện đời sống và vốn tích lũy tái sản xuất ngày càng mở rộng. Kinh nghiệm nước ta thời gian qua cũng đã chứng minh nguồn vốn trong tay nhân dân luôn được sử dụng hợp lý hơn, hiệu quả hơn trong tay công ty nhà nước, vì họ năng động hơn trong việc tạo dựng cơ hội kinh doanh, hơn nữa đồng tiền liền khúc ruột, tránh được phô trương lãng phí. Nguồn vốn tập trung vào ngân sách nhà nước đã lớn, có nơi có lúc lại bị quản lý lỏng lẻo nên kém hiệu quả, mà điển hình như vụ Vinashin. Điều đáng trách nữa là việc phân phối sử dụng ngân sách đã chưa đáp ứng nhu cầu bức thiết của việc chăm sóc con người, tiền lương tối thiểu chưa đủ sống lại nặng tính bình quân; đặc biệt trong các ngành trọng điểm là y tế, giáo dục.

Minh Nam
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.