Tiền từ đâu, đầu tư vào đâu ?

25/02/2009 00:05 GMT+7

Đó là một câu hỏi lớn hiện nay, không chỉ đối với người có vốn, mà còn đối với các nhà hoạch định chính sách vĩ mô. Nghe đọc bài

Từ đâu?

Trước hết lấy từ nguồn thu nhập. Theo số liệu thống kê lịch sử, có khoảng trên dưới 85% số tích lũy được đưa vào đầu tư, còn khoảng 15% được giữ lại để làm nguồn chi tiêu.

Nguồn thứ hai là một số khoản mới phát sinh gần đây theo chương trình kích cầu đầu tư và tiêu dùng, số tiền thuế thu nhập cá nhân được giữ lại trong 5 tháng ước khoảng 5 nghìn tỉ đồng, lượng kiều hối tăng thêm so với năm trước khoảng 2,5 tỉ USD, số tiền đền bù giải phóng mặt bằng mà các hộ trong diện được hưởng ước tính khoảng 30.000 tỉ đồng, tiền vay tiêu dùng từ ngân hàng thương mại đã được mở ra...

Đầu tư vào đâu?

Có vốn rồi thì phải đầu tư, nếu không nó sẽ tự mất giá do lạm phát.

Trong tổng số vốn theo nguồn ở trên, nếu trừ đi phần ước tính được dùng cho tiêu dùng, thì phần đầu tư ước tính còn khoảng 170 nghìn tỉ đồng - tương đương với 10 tỉ USD. Có thể dự đoán theo các kênh đầu tư như sau:

Đối với vàng, do tác động của cuộc khủng hoảng tác động đến niềm tin của các nhà đầu tư, nên kênh đầu tư này vẫn còn hấp dẫn. Đối với nước ta, chênh lệch giữa giá trong nước và giá quốc tế còn khá lớn và tình hình xuất khẩu vàng để hưởng chênh lệch và có được nguồn ngoại tệ mạnh, nên kênh đầu tư vàng vẫn còn hấp dẫn. Tuy nhiên, do giá vàng đã ở mức rất cao, nên các nhà đầu tư trên thế giới (nhất là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản) và các nhà đầu tư trong nước đã bán ra rất mạnh nhằm "chốt lại" và đề phòng sự "tụt xuống" của giá vàng như đã xảy ra cách đây một năm, nên lượng tiền mới đầu tư vào vàng sẽ không còn lớn, thậm chí còn được rút ra để "phục" sự nóng lên của các kênh đầu tư khác. Một số khác thì vẫn giữ vàng, bởi trong nhiều năm qua vàng "bỏ ống" vẫn có lãi, lại vừa có tính thanh khoản cao, gọn nhẹ...

Đối với chứng khoán, giá chứng khoán đang gần như "rơi tự do". Nếu bình thường thì có thể bắt đầu đến chu kỳ mua vào, nhưng do nhiều nhà đầu tư đã có tâm lý mất niềm tin và sợ hãi, nên hoặc là bán ra để vớt vát chuyển sang kênh đầu tư khác, hoặc cứ "liều" vất đấy như quên đi, hoặc là chờ tăng một vài phiên để bán ra theo kiểu "lướt sóng". Tâm lý trên cộng với sự sụt giảm của chứng khoán thế giới, cộng hưởng với sự ấm, nóng ở các kênh khác và chưa thấy triển vọng khủng hoảng thế giới phục hồi... sẽ tác động, làm cho lượng tiền đầu tư vào chứng khoán sẽ không lớn.

Đối với USD, nhiều nhà đầu tư đã mạnh tay bán vàng ra không chỉ nhằm "chốt lãi" số vốn đã đầu tư vào vàng trước đây, còn "nhăm nhe" đầu tư vào ngoại tệ mạnh, trong đó đáng lưu ý là USD, một phần là nhân dân tệ của Trung Quốc.  Nguyên nhân chính là do USD đã lên giá mạnh so với  yen Nhật, lên giá so với euro, bảng Anh và một số đồng bản tệ của nhiều nước; đồng nhân dân tệ vẫn lên giá so với USD. Ở trong nước, các nhà đầu tư vẫn cho rằng quan hệ cung cầu USD sẽ không dư dật được như năm trước; lãi suất VND không còn cao hơn nhiều so với lãi suất USD cộng với sự tăng lên của giá USD; tỷ giá sẽ được điều hành linh hoạt nhưng theo hướng tăng để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu... Chính vì thế mà giá USD trên thị trường tự do vẫn cao hơn giá trên thị trường ngân hàng và thỉnh thoảng lại biến động mạnh nên nhiều người vẫn mua theo bán theo.

Đối với bất động sản, giao dịch ở thị trường Hà Nội có dấu hiệu ấm lên, nhưng giá vẫn còn cao và cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp với túi tiền; việc vay và cho vay tiêu dùng tuy cửa đã mở, nhưng thực vay còn ít do người vay sợ rủi ro lãi suất, vẫn có tâm lý chờ giá giảm, lãi suất vay giảm.

Đối với tiết kiệm, lãi suất thấp chỉ phù hợp với những người có số tiền nhỏ lẻ hoặc không biết đầu tư và chỉ là nơi "tạm trú" số vốn của nhà đầu tư để phục chờ lướt sóng...

Đào Ngọc Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.