Tiếng gõ - Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên

23/08/2015 05:00 GMT+7

Tiệc đang dang dở thì anh đứng dậy đi ra ngoài. - Hình như có tiếng chuông cửa, anh nói. - Em đâu có nghe thấy gì, vợ anh nói.

Tiệc đang dang dở thì anh đứng dậy đi ra ngoài. 

- Hình như có tiếng chuông cửa, anh nói.

- Em đâu có nghe thấy gì, vợ anh nói.

Minh họa: Tuấn Anh
Minh họa: Tuấn Anh
- Ba cũng không nghe thấy, ba vợ anh ngừng nhai miếng cừu nướng, nói.
- Không, rõ ràng là có, anh nói, con nghe rõ ràng mà.
- Mẹ chẳng nghe, mẹ vợ anh thở dài, giờ này làm gì có ai đến nữa đâu con. Bà nói giọng lắng rắng như mớ.
- Kệ đi, Tuấn vừa chiêu một ngụm vang đỏ vừa nói, âm vực cao, giọng sang sảng, nếu anh nghe thấy thì anh cứ đi mở cửa. Khổ vậy đó, kẻ thính tai thường vất vả hơn những người nặng tai. Ý tui là không phải những người còn lại đều nặng tai đâu nhé.
Mọi người phá lên cười vui vẻ. Sau mỗi câu nói của Tuấn, bao giờ cũng có cái gì đó để mọi người cùng cười. Vì thế, Tuấn luôn là nhân vật đặc biệt đem lại sự khuây khỏa trong các cuộc đàn đúm nhờ khả năng hài hước, bông phèng. Có lẽ mọi người cũng chỉ chờ có vậy. Những câu nói của ai đó khiến họ có thể cười được thay vì chỉ ăn và rủ rỉ rù rì những chuyện đều đều nghiêm túc xảy ra trong một đời sống nghiêm túc đều đều. Anh thấy có mặt Tuấn trong một bữa tiệc là một may mắn, hơn thế nữa, là một sự cứu vãn cho bữa tiệc vào cái giờ mà về phản ứng sinh học, ai cũng có thể ngáp vắn ngáp dài.
Anh đi ngang qua ghế của vợ mình trong khi nàng vẫn tập trung xén miếng thịt cừu nướng trong đĩa. Mẹ vợ anh ngồi cạnh đó, ngước lên nhìn anh, cái nhìn lơ lửng khiến anh chẳng biết lúc này bà đang nghĩ gì, lo lắng hoang mang cho tình trạng tâm thần của cậu con rể hay là đang đồng tình với việc anh muốn làm gì thì làm. Trong khi đó, ba vợ anh ngồi thẳng lưng, đang nhằn một cục thịt cừu nướng lụi tiếp theo trong cái đĩa sứ trắng bóng. Cừu nướng là món ruột của ông.
Sau câu bông đùa, vợ chồng Tuấn vẫn say sưa ăn. Hà, vợ Tuấn đã ăn đến món tráng miệng. Nàng không quan tâm đến chuyện anh rời bữa tiệc, có hay không tiếng bấm chuông. Việc ai đó đi ra khỏi bữa tiệc với nàng chẳng nói lên điều gì cả. Bên người đàn ông thông minh như Tuấn, nàng luôn dịu dàng và lệ thuộc như một con mèo yên tâm được chủ nâng niu bảo bọc tốt.
Anh nhấp nhổm rồi đứng dậy dứt khoát, gật đầu với vợ và đẩy cửa phòng ăn bước ra bên ngoài. Khi khép cửa, anh vẫn nghe tiếng muỗng nĩa chạm vào chén, đĩa sứ, tiếng ly chạm vào nhau long cong và những tiếng “xin mời, xin mời” khá lễ nghĩa từ bên trong. Mọi người cụng ly sau khi anh rời bàn tiệc có lẽ để tự trấn an rằng, mọi thứ vẫn đang diễn ra bình thường. Và chuyện anh rời bàn tiệc là hợp lý, chẳng có gì đáng lưu tâm.
Thì đúng là bình thường. Anh có nghe tiếng chuông cửa. Không phải một lần, mà đến ba lần. Lần đầu chỉ là một tiếng reo ngắn. Nhưng hai lần sau thì liên hồi và kéo dài, có vẻ khẩn cấp. Lẽ ra nếu không vì quá lịch sự, anh đã bước vội ra mà không cần phải trình bày lý do để phát sinh đoạn hội thoại rắc rối trên. Nhưng dẫu sao thì cũng đã xong rồi. Anh bước qua chỗ phòng ngủ của con gái, khẽ khàng đẩy cửa nhìn vào, thấy nó nằm ôm con cá heo nhồi bông ngủ say. Ánh sáng của trăng mười sáu lọc qua lớp rèm cửa màu khói làm cho không khí bên trong phòng ngủ con bé không tối hẳn, cũng chẳng sáng tỏ, tất cả bàng bạc như có một màn sương hư ảo. Những đồ vật, tủ quần áo, bàn học tập, kệ để thú nhồi bông, cây đàn piano được đóng nắp và phủ khăn nhung màu đỏ bầm bên góc trái… mọi thứ cứ như thể chìm trong một vùng sinh quyển lạnh lẽo.
Bó hoa mừng sinh nhật nó để bừa trên ghế. Mảnh giấy gói kiếng bắt sáng nên thật dễ nhận ra. Mười bông hồng đẹp nhất, tươi nhất và rực rỡ nhất mà anh và vợ anh đã cất công chọn gần một giờ đồng hồ ở tiệm hoa trung tâm bây giờ như thể bị dìm vào một màu âm bản của căn phòng. Nhưng anh biết rằng chúng vẫn tươi. Vì mỗi cành hoa đã được gắn một đốt xốp giữ nước bảo đảm sẽ không héo rũ trong ba ngày tới. Và núi quà kia nữa, cạnh chiếc ghế đặt bó hoa, chúng nằm lăn lóc ngổn ngang. Có thùng quà bọc giấy kiếng thậm chí còn chưa được khui.
Hồi đầu hôm, khách khứa đến đông quá, con bé có vẻ mệt. Hiệp một của bữa tiệc thuộc về những người trẻ, hàng xóm, bạn cùng lớp với nó. Có lẽ với nó, như vậy là đủ. Nhưng hiệp hai vẫn phải diễn ra. Dành cho những nhân vật quan trọng. Nó ôm hôn mỗi người một cái với vẻ mặt đầy mỏi mệt căng thẳng rồi nhún nhảy hát bài Happy birthday theo ý của mọi người, với một tone ban đầu được bắt bởi ông ngoại nên có hơi trì thấp. Nó hát như cái máy, cười như con búp bê chạy pin, rồi nó quay lưng đi ngủ như thể bị sai khiến, không cưỡng được những phản ứng tự nhiên của cơ thể.
Cơn buồn ngủ đã bảo vệ nó một cách tốt lành trong đêm vui này.
Còn bây giờ thì anh bước qua phòng khách, đi về phía cửa. Anh hồi hộp chờ xem ai là kẻ đã nhấn chuông, vì sao sau ba hồi chuông nọ cho đến giờ, đã vài phút trôi qua, chẳng nghe thấy thêm tiếng chuông nào nữa. Có thể kẻ đó đã ra đi. Hoặc giả y biết thể nào trong nhà cũng đang có tiệc tùng, và sẽ có người nghe thấy, đi ra mở cửa, nên kiên nhẫn đứng chờ phía trước.
Cửa mở.
Vùng trăng sáng vằng vặc mênh mông trải ra trước mặt. Nhánh quỳnh bên hè đang nở một đôi bông, mùi hương thoang thoảng. Một làn hương tươi mát. Nhưng trông nhánh cây gân guốc bung cặp bông trắng muốt dưới trăng, chẳng hiểu sao anh lại nghĩ tới vết mưng mủ của cây. Anh cố xóa đi cảm giác rùng rợn đó bằng cách thả lỏng suy nghĩ, đứng nghe hương thơm một lúc, đưa mắt nhìn con đường phía trước nhà, vắng tênh. Vài cánh cổng đóng kín. Không có một biểu hiện nào cho thấy đã có người từng đến đây nhấn chuông gọi cửa. Anh bước ra bên ngoài và đẩy cửa lại, cài chốt, rồi bước ra ngõ. Rồi ngước lên lầu một, thấy đèn vẫn sáng, những bóng người vẫn rù rì in lên rèm cửa, những chuyển động chậm chạp như trong một bộ phim câm đã rất cũ được phục chế. Những bóng người trên rèm cửa gần như đồng dạng, chẳng thể đoán đó là bóng của ai. Buổi tiệc có vẻ như vẫn tiếp tục. Có lẽ nó sẽ còn kéo dài lâu với câu chuyện của Tuấn, với những cắt nghĩa sâu sắc và kinh nghiệm của ông già vợ, với những câu hỏi đôi khi ngây ngô của vợ Tuấn, với những lo lắng thái quá của bà già vợ và sự bình thản gần như lạnh lùng của vợ anh.
Anh bước dần ra phía đầu đường. Con phố vắng lặng. Thật hiếm hoi có một đêm vắng lặng như đêm nay. Vắng lặng đến khó tin. Thường thì không chóng thì chầy, sẽ có tiếng xe cộ, có người qua lại ở bất kỳ ngõ hẻm nào trong cái thành phố không ngủ này. Thường thì thể nào cũng người qua kẻ lại, ít ra là thưa thớt, chứ không thể có cái tuyệt đối tĩnh lặng như vậy. Anh nhìn ngước lên cửa sổ căn thứ hai, tính từ đầu hẻm vào. Ánh đèn mờ nhạt. Hình như có tiếng piano ở trên đó vang ra, thảng hoặc không đủ để có thể hình dung đó là bản nhạc gì, rằng âm thanh đó từ cây piano thật hay máy nghe đĩa. Anh nhìn lớp rèm cửa buông hờ hững, không có sự chuyển động nào, kể cả là một chiếc bóng, có thể đoán được rất có khả năng giai điệu trên được phát ra từ một máy nghe đĩa mà thôi. Vậy chủ nhân của căn phòng đó đang làm gì? Ồ, thật khó đoán. Ngủ say, làm tình, ngồi hút thuốc suy nghĩ hay có thể cũng đang ra ngoài lang thang như anh, ở một góc phố nào đó, nhưng trước khi đi, quên mất phải tắt máy.
Nhưng ở cửa sổ lầu bốn của căn thứ ba lại khác. Đó là một căn nhà theo lối kiến trúc đương đại, cực thiểu. Có lẽ nó được thiết kế bởi một kiến trúc sư Nhật Bản. Trong con hẻm này, nó được bọn con nít gọi là nhà đèn lồng. Bởi trông xa ngôi nhà như chiếc đèn lồng khổng lồ. Gia chủ, có lẽ là một kẻ cũng chịu chơi, mỗi tầng chọn một tông màu đèn. Nếu ban đêm tất cả các căn phòng đều bật đèn, thì đó là một thế giới cực kỳ vui nhộn, gây tò mò. Dạo trước anh có lân la hỏi thì được biết gia chủ là một phụ nữ độc thân làm bên ngành dược. Anh cũng có ý định sẽ hỏi thăm và tìm cách tiếp cận cô gái này nhưng rồi nhiều chuyện lu bu khiến anh quên. Điều lạ là mỗi lần đi về ngang qua ngôi nhà khi sáng đèn, anh đều ngước lên ban công lầu bốn, nơi có vài chậu cây xanh. Một vài lần anh thấy thấp thoáng bóng dáng cô gái, mảnh khảnh, đứng vòng tay nhìn trời. Trong đầu anh tự hỏi, vì sao cô ta lại làm nghề dược. Có lẽ cô ấy phải là nhà thơ mới đúng. Nhưng thôi, nghĩ đến đây, anh lại tự trấn an. Rằng các nhà thơ nữ rất trẻ là bạn bè anh thường tạo cho anh cảm giác chán ngấy. Đơn giản là họ chẳng bao giờ để cho cuộc đời của họ có những khoảng trống, cho dù đó là khoảng trống rất nhỏ như giữa những câu thơ của chính họ. Cứ làm nghề dược, coi vậy mà tốt. Ha ha, anh bật cười với suy nghĩ có bề ngu ngốc của mình. Đúng là ngu ngốc. Cái đời của kẻ khác, một cô gái xa lạ, thì có can hệ gì chứ.
Nhưng bây giờ thì cửa sổ tầng bốn đang mở cửa. Chỉ là mở cửa. Tịnh không có bóng người. Những tầng còn lại đều tắt đèn. Màu đèn xanh ngọc trên cánh cửa của chiếc lồng đèn ấy như một điểm không gian xa lạ lơ lửng giữa trời trăng vằng vặc. Lạ thật. Nó có sức quyến rũ như một tinh cầu lẻ loi. Trên tinh cầu đó, có một người phụ nữ đơn độc làm nghề dược, có thể là một người sống qua những ngày tháng lặng lẽ trong phòng bào chế. Đại loại vậy. Thật sự là một mẫu hình có sức hấp dẫn riêng. Một ca khó đỡ. Một sự hấp dẫn bí hiểm. Nhưng tại sao lại không có âm nhạc nhỉ. Nếu chỉ cần vài âm thanh của piano hay violin phát ra từ đó, có lẽ thế giới đã khác. Nhưng, ha ha, đó lại là một sự bày đặt của trí tưởng tượng nhàn rỗi bất thường.
Anh mỉm cười, nhìn màu đèn trên tầng bốn lần cuối, rồi lại đi miên man về phía ngã ba đường. Nhiều lần anh đã đứng ở đây, ngay ghế đá chơ vơ trên bãi cỏ này và do dự không biết nên đi về phía trung tâm hay đi ra phía kè sông ngồi uống bia. Đó là những đêm thật nhàn rỗi và người ta không biết phải làm gì với chính sự nhàn rỗi của mình. Nhưng cái cảm giác đó cũng mất từ lâu rồi. Nhiều năm về trước. Còn cuộc sống bây giờ, từ khi có gia đình, con cái, mọi việc đã khác hẳn. Hôn nhân đã nuốt chửng đời sống cá nhân theo cách của nó. Mà cách đơn giản nhất đó là nó không cho người ta thời gian để có thể đứng lặng thinh một mình quá một phút. Cuộc đời trôi vào trong vùng sự kiện nọ đến sự kiện kia, hội hè miên man.
Anh lại đứng ở ngã ba. Trăng phủ lên vòm cây trước mặt một màu bợt bạt. Con phố khuya tặng anh vẻ lặng lẽ và cuốn bước chân anh đi vào trong thế giới quen thuộc mà lạ lẫm của nó. Anh bước đi về phía trung tâm. Lạ thay, sao đêm nay chẳng có lấy một tiếng xe, không có lấy một bóng người. Thành phố có bao giờ trở nên tĩnh lặng thế này đâu. Cả trong những giấc mơ, thành phố chưa bao giờ bất động như thế. Anh bước đi và tự hỏi điều gì đang xảy ra. Có thật là cõi thực hay chỉ là một giấc mơ điên đảo nào đó. Anh cố gắng đằng hắng để nghe tiếng gằn phát ra từ cổ của mình. Anh nện bước chân thật mạnh vào nền đá hoa cương vỉa hè và nghe thốn ở đầu ngón chân út. Rõ ràng mọi thứ là cuộc đời thật. Trăng thật. Phố thật. Vậy thì con người đã đi đâu hết? Những dãy đèn cao áp giăng giăng như trùng vây mạng nhện. Nhưng chúng chiếu sáng một thứ ánh sáng gắt gỏng lạ lùng trước ánh trăng mười sáu.
Anh vẫn bước đi. Trăng đang tạo ra một thứ hấp lực cuốn bước chân anh đi về phía ánh đèn rực rỡ. Nơi những tòa cao ốc vẫn sáng đèn những con đường, cầu vượt trườn giao qua nhau giữa không trung bộn bề nhưng tuyệt nhiên tịch lặng. Thành phố này, họ đã đi đâu cả? Những thị dân đã trốn vào đâu trong đêm nay? Có phải trăng đã làm một điều thật lạ lùng, đó là chuốc say cả một thành phố và tất cả loài người đang mê mệt trong những tòa nhà đóng kín và chỉ có anh nghe được tiếng gõ cửa của nó, bị khuyến dụ vào một trò chơi quái đản này.
Phía sau mọi sự biến mất của đời sống, cây cỏ bỗng chốc trở thành trung tâm của sự chú ý. Và nếu đây là một sự thật, thì có lẽ đến một lúc nào đó, thiên nhiên sẽ dành chỗ cư ngụ. Thế giới rồi sẽ trở lại từ đầu. Những vỉa hè phủ nệm rêu. Cây cỏ sẽ chiếm lĩnh những đại lộ, những tòa nhà, những bờ sông. Thành phố sẽ trở về tình trạng hoang dã. Muông thú sẽ về. Như hàng tỉ tỉ năm về trước. Khi con người còn nằm sâu trong đám tảo đại dương.
Nhưng đó chỉ là giả định, hay ảo giác theo lối phim bom tấn trộn lẫn với khoa học giả tưởng. Cần phải xua nó đi khỏi đầu óc để trở về với hiện thực của đêm nay.
Hồi đầu hôm nay, trước cây nến sinh nhật, con gái anh đã ước gì? Anh nhớ lại nụ cười trong veo, ánh mắt như được kết từ ngàn sao lấp lánh, nó nói: Con ước được một đêm trăng thật sáng, trời không mưa và mọi người đều vui theo cách của mình.
Và khi đó, anh đã nghe có tiếng gõ cửa lần thứ nhất.
Anh sẽ tiếp tục bước đi miên man trong đêm trăng giữa thành phố không người để tìm kẻ gõ cửa. Giờ này có lẽ mọi người sẽ vẫn đang dùng tiệc. Sau món tráng miệng sẽ là trái cây, bánh kem, và nhiều thứ khác. Bữa tiệc sẽ còn dài. Chắc hẳn họ vẫn ở nguyên trong căn phòng đó.
Những chiếc bóng vẫn tới lui, chậm rãi thảng hoặc lướt lên bức rèm trắng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.