Tiếng gọi từ vô thức

10/09/2011 13:31 GMT+7

Trong tập truyện thứ hai (*), mười một năm sau tập đầu tiên (Tháo đáy), Nguyễn Hữu Hồng Minh đã làm rõ thêm “số phận” viết văn của mình, và dường như đang tìm cách “xả” bớt những gánh nặng mà anh tự đặt lên vai, bởi những nguyên cớ hiển hiện và cả những ám ảnh từ vô thức.

Mười tám truyện trong phần đầu (Mưa châu thổ) hầu hết tuân thủ những khuôn khổ “truyền thống”, với cốt truyện và những nhân vật như-thường-thấy, với nhiều chi tiết rất đời và những quan sát, chiêm nghiệm rất riêng. Một số truyện trội hẳn lên với cấu trúc hoàn chỉnh và cách dẫn chuyện từ tốn, thuyết phục: Tàu qua núi, Mưa châu thổ, Những quả trứng trong mơ, Thuyền đắm ngày đẹp trời, Mặt đất im lặng, Ổ thiên đường.  

Trong nhiều loại nhân vật, ấn tượng nổi trội nhất vẫn thuộc về một anh chàng viết văn nào đó, có khi là một kẻ lãng du tạt ngang qua một cách tình cờ (Mưa châu thổ), cũng có thể là một kẻ ngay cả đến sau khi chết vẫn còn bị ám bởi một khát khao viết lách hoàn toàn dang dở (Ráp xác).

 

Có vẻ như không phải nhân vật mà chính tác giả đã xuất hiện trong hầu hết các truyện, để giãi bày, tranh cãi không ngưng nghỉ về sứ mạng và giá trị của lao động nhà văn: không chỉ là cứu cánh, không chỉ đòi hỏi cả tài năng lẫn phẩm cách cá nhân, nhà văn còn phải sở đắc một khả năng mang tính thời đại, tự vượt thoát những hệ lụy, những buộc trói tệ hại ở cả bên trong lẫn bên ngoài.

Phần hai của tập sách (Hõm ngoặc) tập hợp mười bảy truyện rất ngắn, tinh giản như những ngụ ngôn, lại là phần “nặng đô” nhất trong tập sách. Không phải số chữ mà chính những chi tiết được chọn lọc tinh tế và tinh quái cứ khiến người đọc phải phì cười trong nước mắt, bởi nó chạm đến phần bản chất nhất và thử thách nhất của lao động nhà văn.

Sẽ không bao giờ có được nhà văn đúng nghĩa và tác phẩm đáp ứng được mong đợi, nếu như Nơi trú ẩn an toàn hoặc Máy in tâm hồn vẫn luôn được “ưu tiên” phân phối cho những người cầm bút, và những Khách lạ lúc nửa đêm vẫn còn tiếp tục đến viếng nhà văn, để đưa đến những kết cuộc gớm ghiếc như là trong Ăn chữ.

Có vẻ đây là phần gạn lọc, “nghiền ngẫm” nhất của Nguyễn Hữu Hồng Minh, suốt thời gian dài trở trăn vật vã tìm “hướng ra” cho ngòi bút của mình.

Ngô Thị Kim Cúc

(*) Ổ thiên đường, tập truyện của Nguyễn Hữu Hồng Minh, NXB Văn học và Công ty văn hóa Đinh Tỵ ấn hành, 2011.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.