Tiếng nói người trong cuộc

08/07/2010 00:46 GMT+7

Sau khi Thanh Niên đăng loạt bài Hãi hùng “công nghệ” trồng rau muống , để khách quan hơn, chúng tôi tìm gặp một số người từng trồng rau muống nay đã giải nghệ để nghe họ nói.

90% dân làm rau dùng thuốc “mo”

Theo lời hẹn, PV Thanh Niên tìm gặp anh Nguyễn Thanh Trung tại một quán cà phê ở P.Hiệp Thành, Q.12. Vừa mới gặp, anh Trung nói ngay: “Chưa đồng tình với bài viết lắm, bởi bài báo chỉ phản ánh mới được 80% của sự thật mà thôi”. “Tôi đã từng làm rau, nhưng đã nhận thức được sự nguy hiểm của thuốc “mo” nên đã sang nhượng 6 công ruộng từ trước Tết Canh Dần. Tôi nghĩ nếu tôi cứ làm chắc tôi sẽ bị ung thư...” - anh Trung khẳng định.

“Dân làm rau chúng tôi đều trồng riêng một ruộng rau để sử dụng và cho “đồng nghiệp” cùng sử dụng. Những ruộng rau như vậy rau có hình thức rất xấu, nhưng ngược lại sẽ an toàn tuyệt đối” - Anh H. - một dân trồng rau đã giải nghệ

Trước đó, anh Trung là một giáo viên, rồi chuyển sang nuôi giun ở xã Nhị Bình (Hóc Môn) nhưng bị phá sản. Đúng lúc đó một người hàng xóm của anh muốn sang nhượng 6 công ruộng rau muống để về Bắc và hứa sẽ hướng dẫn cách trồng rau cũng như giao luôn mối lấy rau ngoài chợ. Đang thất nghiệp, anh và vợ đồng ý. Mấy ngày đầu anh được chủ cũ hướng dẫn tận tình, từ cách đánh thuốc và cắt, bó đến chất rau vào xe, sau đó dẫn anh ra chợ đầu mối giới thiệu. Khi anh và vợ mới bắt đầu quen việc thì họ về quê, nên phải bắt đầu “tự bơi” với nghề trồng rau muống.

Mới đầu anh chỉ chăm bón rau theo cách thông thường nên rau xấu, ra chợ bán bị ép giá, có nhiều hôm anh phải đổ bỏ cả xe rau. Biết chuyện, một số “sư phụ” trong nghề trồng rau muống ở Nhị Bình chỉ cách đánh thuốc “mo” cho rau mướt, đốt dài... Anh nhớ lại, nhiều mối mua rau ở chợ đầu mối Củ Cải, mỗi khi đến xe rau của anh họ chỉ sờ vào rau là biết không đánh “mo”, rồi bỏ đi. Từ đó anh bắt đầu “vay” thuốc “mo” của hàng xóm để thử “đánh” vào ruộng rau của mình. Nhưng do lần đầu chưa quen lại không biết liều lượng để “đánh” nên anh “đánh” quá ít, mặc dù rau có đẹp hơn nhưng ra chợ vẫn bị chê. Cuối cùng, anh phải năn nỉ “sư phụ” đến tận ruộng rau chỉ giùm cách đánh. Sau mấy lần được chỉ việc, anh thuộc lòng: trước khi cắt 3 ngày anh đánh “mo” 3 lần, mỗi lần từ ít đến nhiều (thông thường từ 1,5 nắp cho đến 2 rồi 3 nắp/thùng 20 lít) cùng với một số thuốc tăng trưởng khác. Sự cải tiến cách dùng thuốc đã khiến rau anh “vượt” vù vù, đốt nào cũng dài, mập và trắng trông rất bắt mắt. “Có những lần đánh “mo” cùng với viên “siêu vượt” vào buổi sáng, đến nửa đêm vợ tôi cắt ở đầu ruộng, đến cuối ruộng thì rau đã dài hơn rau đầu ruộng cả khúc. Tăng trưởng thật khủng khiếp” - anh Trung kể.

Chúng tôi hỏi chẳng lẽ cơ quan chức năng không kiểm tra, thì anh nói: “Trong gần 1 năm trồng rau ở Nhị Bình, tôi chỉ thấy 3 lần có mấy người đến xem túi thuốc rồi đi. Những lúc như vậy, người nào đang đánh “mo” lập tức giấu ngay xuống bùn. Khi mấy người đó đi thì họ lại lấy thuốc lên đánh tiếp”. Lý do anh “giải nghệ” là vì chỉ sau một tuần “đánh” thuốc “mo”, kẽ móng tay anh có hiện tượng lở loét và thối. Còn lúc gánh rau lên bờ múc nước dội để rửa thì một màu như nước vo gạo từ đống rau đó chảy ra. Chứng kiến nhiều lần như vậy, tôi nhận thức được thuốc “mo” cực kỳ nguy hiểm nên đã vội sang lại 6 công ruộng rau muống đang chuẩn bị thu hoạch cho người khác. Bởi trồng rau mà không đánh “mo”, rau sẽ không bán được vì người mua sỉ đòi hỏi rau phải đẹp, mướt” - anh Trung tâm sự.

 Theo anh Trung, hiện nay có đến 90% người dân trồng rau muống dùng thuốc "mo", 10% còn lại nhận thức được thuốc "mo" nguy hiểm thì họ lại dùng các loại hóa chất khác. "Tôi rất đồng tình với loạt bài điều tra của Báo Thanh Niên. Vì sức khỏe cộng đồng, tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra nghiêm ngặt và xử phạt thật nặng người trồng rau dùng thuốc "mo" và các thuốc cấm khác" - anh Trung nói.

Trồng rau nhưng không dám ăn

Cũng như anh Trung, anh H. là người đã từng trồng rau và nay cũng đã giải nghệ (anh H. xin được giấu tên). Hiện nay anh có hai xe ô tô chuyên đi lấy rau muống từ các chợ đầu mối rồi bỏ cho nhiều công ty, xí nghiệp ở địa bàn TP. Anh H. đã có 3 năm làm nghề trồng rau muống và biết rất rõ công dụng vượt trội của thuốc “mo”.

Theo anh H., nếu biết cách “đánh mo” vào rau muống từ lúc rau choai cùng với các loại thuốc khác thì rau cực kỳ đẹp. Cây rau mập, đốt dài, lá nhỏ, mềm và dẻo ngay từ gốc. Nhưng thuốc “mo” lại cực kỳ độc. Bằng chứng là: “Mới đầu sau mỗi lần đánh thuốc “mo” tôi luôn đau đầu mất vài ngày. Còn nếu không dùng bao tay khi đi cắt rau, lập tức ngày hôm sau kẽ móng tay bắt đầu lở loét và sau đó là thối. Mới đầu cứ tưởng không quen nên rửa tay thật kỹ sau mỗi lần “đánh” nhưng cũng không ăn thua. Tìm hiểu mãi tôi mới biết tay bị lở loét là do thuốc “mo” gây ra. Khi tôi không dùng nữa thì tay hết lở...”.

Anh H. cho biết thêm, ngoài việc sử dụng thuốc “mo” để đánh rau, người trồng rau còn pha thêm một loại sữa bám lá rất độc hại để đề phòng trời mưa. Nếu không sử dụng loại sữa này để “đánh” cùng với các loại thuốc khác thì trời mưa là trôi hết, sẽ phải đánh thuốc lại và như vậy rất tốn. Theo kinh nghiệm của anh H., ngoài việc dùng để đánh trắng rau, làm rau dài đốt, cây rau mềm và non mởn, thuốc “mo” còn tẩy trắng được rau quá lứa rất hiệu quả. Không những vậy, anh H. cho biết dân làm rau “ghiền” thuốc “mo” là vì nó còn có tác dụng “nhử” sâu ra ngoài. Thông thường khi phun thuốc sâu, sâu sẽ “nằm ỳ” trong thân cây trốn. Nhưng khi phun thuốc “mo” sâu sẽ chui ra bên ngoài vì thuốc “mo” có mùi hôi. Vì vậy dân trồng rau khi “đánh” thuốc sâu thường cho thêm thuốc “mo” vào.

Khi chúng tôi hỏi các anh có ăn rau mình trồng không, thì cả anh Trung và anh H. đều cho biết mặc dù họ trồng rau nhưng hằng ngày chẳng ai dám cắt rau do chính tay mình trồng để ăn, bởi họ thừa biết rau sử dụng quá nhiều thuốc, đặc biệt là thuốc “mo” thì sẽ rất nguy hiểm. “Tôi là dân làm rau nên ra chợ chỉ cần nhìn là biết rau có đánh thuốc gì hay không. Dân làm rau chúng tôi đều trồng riêng một ruộng rau để sử dụng và cho “đồng nghiệp” cùng sử dụng. Những ruộng rau như vậy rau có hình thức rất xấu, nhưng ngược lại sẽ an toàn” - anh H. nói.

“Cứ vài ngày, tôi lại đến nhà người bạn trồng rau sạch lấy cả bó về cho vào tủ lạnh ăn dần. Kinh nghiệm cho thấy, rau muống sử dụng nhiều loại thuốc, dù bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ vài hôm là tự phân hủy và thối. Còn nếu anh ra chợ cứ lựa rau già, xấu, xanh đậm mà mua vì đó là rau sạch” - anh Trung chia sẻ kinh nghiệm.

Thực phẩm “sinh thái”

Cũng cùng nguyên tắc với “gà thả vườn”, “rau nhà trồng” ở Việt Nam, thực phẩm có nguồn gốc sinh thái (“bio” trong tiếng Pháp, “organic” trong tiếng Anh) không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hoặc thuốc tăng trưởng trong quá trình nuôi trồng. Để kiểm soát chất lượng, các sản phẩm sinh thái sẽ được dán nhãn chứng nhận chất lượng “bio” hoặc “organic”. Nhãn này do các cơ quan có uy tín cấp, như tại Pháp là nhãn AB của Bộ Nông - Ngư nghiệp quản lý và từ ngày 1.7, các nước châu u cũng có một nhãn sinh thái mới với logo hình chiếc lá màu xanh có nhiều ngôi sao tượng trưng cho các nước thuộc EU.

Để được chứng nhận, các hãng thực phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn gắt gao. Tại Pháp, đất đã từng được khai thác thường niên cho nông nghiệp (có sử dụng các loại thuốc trừ sâu, bón phân, tăng trưởng...) sẽ phải trải qua một giai đoạn “chuyển đổi” kéo dài khoảng 2 năm. Sau đó, nông sản trồng theo công nghệ xanh và sạch thu hoạch từ loại đất này mới có thể được xét cấp nhãn AB. Các cơ sở phân phối sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra những sản phẩm dán nhãn sinh thái có gian lận hay không bằng cách đối chiếu với danh sách được cập nhật thường xuyên. Với cách kiểm soát “nhiều tầng”, hầu như hiếm khi có trường hợp gian lận nhãn sinh thái được phát hiện tại Pháp. Các loại thực phẩm sinh thái luôn có giá cao hơn thông thường ít nhất 30% vì sản xuất khá tốn kém (cây trồng, vật nuôi dễ mắc bệnh hơn, tăng trưởng chậm hơn...).

N.N.L.C

Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.