Tiếng nói người Việt xa quê hương

22/11/2009 01:47 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Việt kiều Đức): Chủ trương, chính sách cần được làm đúng Tôi mong muốn có nhiều đổi mới hơn nữa trong chế độ chính sách đối với Việt kiều. Chúng ta đã làm được nhiều điều tốt nhưng vẫn chưa toàn diện. Mong muốn thì có rất nhiều nhưng trước hết bà con kiều bào muốn những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần được làm đúng.

Vì nhiều khi có những chủ trương chính sách tốt nhưng khi áp dụng vào thực tế lại bị các cơ quan thực hiện biến báo. Ví dụ như chính sách về lãnh sự, đã có quy định bà con Việt kiều được miễn thị thực; vậy những người trót vì miếng cơm manh áo phải tị nạn ở nước ngoài cũng nên xem xét cấp visa cho họ chứ không nên phân biệt đối xử...

André Vũ (Việt kiều Brazil, Giám đốc Công ty Sol do Oriente): Ý thức hệ không cản trở Việt kiều đầu tư về nước

Phải nói thật tôi là người ra nước ngoài bằng con đường vượt biên. Có người hỏi tôi sự khác biệt về ý thức hệ có cản trở việc kiều bào đầu tư về VN hay không? Tôi cho rằng không có chuyện đó vì kể từ sự kiện 1975 đến nay đã 35 năm trôi qua rồi. Tất nhiên cũng có những người có quan niệm tự ti mặc cảm với quê hương nhưng bản thân tôi không có quan điểm đó. Tôi nghĩ mình cứ làm cho bản thân mình, làm cho quê hương trước đi đã. Hãy nhìn vào tấm gương của Nhật Bản. Họ đã bị tàn phá ghê gớm sau chiến tranh nhưng chỉ 20 năm họ đã vươn lên ghê gớm trở thành một cường quốc kinh tế nhờ vào lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Người Việt Nam chúng ta nên học tập điều đó. Ở Brazil, cộng đồng người VN khá nhỏ, chỉ có 130 người thôi nhưng bà con bên đó đều có tinh thần tương trợ nhau rất tốt và tất cả đều làm chủ các doanh nghiệp chứ không ai phải đi làm thuê cả. Đó là điều rất đáng tự hào.

Nguyễn Đức Khương, 32 tuổi (Việt kiều Pháp, tiến sĩ tài chính): Mạnh dạn sử dụng trí thức Việt kiều

Hiện nay các chính sách đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng khá đầy đủ, tuy nhiên điều chúng tôi mong muốn là làm sao các chính sách đó sớm được hiện thực hóa thật nhanh và hiệu quả để những trí thức Việt kiều mong muốn về VN làm việc tìm được con đường để về ngay. Chúng tôi mong Đảng và Nhà nước có chính sách mạnh dạn sử dụng trí thức kiều bào về VN làm việc. 

VN vẫn mong muốn thu hút nhân tài về nước làm việc nhưng cụ thể làm cái gì, ở đâu thì chưa rõ. Lương bổng, chế độ đãi ngộ là rất quan trọng nhưng đó không phải vấn đề chủ yếu cản trở anh chị em trí thức kiều bào về VN công tác. Điều quan trọng là họ có địa chỉ để có thể biết được với trình độ chuyên môn như họ sẽ được nhận vào đâu, bổ nhiệm vào vị trí nào, có được môi trường để thể hiện tài năng của họ hay không.

Peter Trần (Việt kiều Úc): Trí thức kiều bào là cầu nối quan trọng

Có một thực tế là kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới rất thiếu thông tin về VN, hơn thế nữa nhiều nơi bà con do bị kích động nên có những cái nhìn chưa đúng về tình hình trong nước. Trong hoàn cảnh đó vai trò của kiều bào trí thức là hết sức quan trọng. Nhiều khi báo chí trong nước nói bà con không đọc, không nghe hoặc có đọc có xem nhưng chưa tin. Trong khi đó qua giới trí thức hoặc các nhà đầu tư làm ăn ở VN là những người thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình giải thích cho bà con thì bà con hiểu và tin tưởng hơn.  Do vậy, tôi cho rằng trí thức ở nước ngoài là gạch nối quan trọng giữa đất nước và bà con kiều bào. 

Hội nghị người VN ở nước ngoài (NVNONN) lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội từ 21-23.11 có sự tham dự của hơn 1.400 đại biểu, trong đó có 900 Việt kiều là trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ… từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại biểu cao tuổi nhất 90 tuổi (Pháp) và đại biểu trẻ nhất 24 tuổi (Đức). Số đại biểu nữ chiếm khoảng 26%. Đại biểu trí thức chiếm 20%, doanh nhân chiếm 49%. Hội nghị sẽ đánh giá toàn diện về tình hình cộng đồng NVNONN, về hiệu quả của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN; hình thành một diễn đàn rộng rãi để trao đổi, thu thập ý kiến và huy động mọi nguồn lực của cộng đồng NVNONN đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Hiện có khoảng 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại 101 nước và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 400.000 người có trình độ đại học trở lên. Hằng năm có khoảng 500.000 lượt kiều bào về thăm

quê hương, đóng góp chuyên môn, đầu tư, kinh doanh, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo… trong đó có 200-300 lượt trí thức, chuyên gia trí thức kiều bào về nước tham gia nghiên cứu giảng dạy, hợp tác nghiên cứu. Hiện có khoảng 3.000 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn gần 2 tỉ USD, trong đó có trên 60% dự án hoạt động có

hiệu quả. Kiều hối những năm gần đây do bà con gửi về tăng trung bình 10-15%, năm 2008 đạt 7,4 tỉ USD…

Nguồn: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

Trường Sơn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.