|
Bắt đầu đi học, vào lớp năm (lớp một ngày nay) cho mãi đến sau này, tôi toàn học bằng sách cũ của chị, mắt quá quen với những bức ảnh đã thuộc lòng nhưng đầu đã có thể biết chính xác nội dung các bài viết, khác xa với câu chuyện mình tưởng tượng.
Những quyển sách giáo khoa ngày ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đến khi chúng không còn được sử dụng trong gia đình thì có thể đem tặng cho bà con hoặc hàng xóm để các thế hệ đàn em lại học tiếp quyển sách, bộ sách ấy.
Những quyển sách ấy thường giấy đã nhão, bìa đã long ra, góc đã quăn hết nhưng những câu chuyện trong sách thì vẫn luôn mới tinh, hấp dẫn, hút hết hồn vía những đứa bé vừa gia nhập thế giới những-người-đọc-sách-thông-thái.
Có lẽ Việt sử là quyển sách ghi nhận và khẳng định rõ nhất “bằng chứng yêu nước” của chị em tôi. Không có trang sách nào là không sặc sỡ sắc màu. Vì lòng yêu quý, thần tượng những nhân vật lịch sử mà các chủ nhân có thể hào phóng tặng cho nhân vật đủ các màu của hộp bút chì màu. Bà Trưng, bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung... đều được tô môi đỏ, mặt hồng, còn mũ mão, y phục thì xanh vàng tím chói lói các kiểu. Chị học trước tô màu vàng, em học sau tô màu xanh... Các màu sắc cứ chồng lên nhau, khiến trang sách bị đè lõm hẳn xuống. Đối với bọn tướng giặc xâm lăng, những Liễu Thăng, Thoát Hoan, Tôn Sĩ Nghị... thì đều bị xử lý đúng người, đúng tội. Chị gạch chéo giữa mặt, em vẽ râu, bôi đen mặt, em khác lại vẽ thêm búa đập lên đầu hay một nắm tay dộng vào mặt... Tất cả bọn giặc có mặt trên trang sách đều được bổ sung thêm một đám khói xịt sau mông, ám chỉ việc bọn chúng bị dân Việt đánh chạy tóe khói.
Bên cạnh những quyển sách giáo khoa hết sức thân thiết, tôi còn bị thu hút bởi những quyển truyện thiếu nhi tuyệt vời. Bộ Robinson Crusoe kinh điển đã mê hoặc tôi bởi cuộc sống lạ kỳ của một thủy thủ bị đắm tàu một mình dạt vào hoang đảo, phải tự tạo ra tất cả mọi thứ cần thiết cho đời sống từ chính đôi bàn tay mình. Bộ sách hai tập này cho đến nay tôi vẫn thường xuyên đọc đi đọc lại mỗi khi có dịp, và mỗi lần đọc vẫn thấy bị hấp dẫn như lần đầu, mỗi lần đọc lại khám phá thêm điều thú vị khác nhau.
Ngoài Robinson Crusoe (tác giả Daniel Defoe, NXB Văn học và Công ty văn hóa Đông A vừa tái bản với bản dịch của Hoàng Thái Anh), tôi còn bị một tập sách khoa học viễn tưởng gây cú sốc lớn chẳng kém gì tiếng sét ái tình. Quyển sách có cái tên chẳng lấy gì hấp dẫn: Bảnh và Thuận. Bìa sách ghi là truyện phóng tác của tác giả Cô Hợp Phố. Đó là câu chuyện mà 100% trẻ con đều sẽ bị cuốn vào ngay khi đọc trang đầu tiên: chuyện của hai anh em uống nhầm ly thuốc biến hóa của bác hàng xóm - Giáo sư Enotov, khiến các em thu nhỏ lại bé tí teo, và từ đó phiêu lưu trong thế giới côn trùng. Bao nhiêu là chuyện hồi hộp toát mồ hôi hột nhưng đồng thời cũng là những khám phá cực kỳ hấp dẫn về thế giới tự nhiên gần gũi chung quanh mà trước đó các em không hề chú ý. Kỳ lạ những con vật nghe bằng chân, nhìn bằng chân, hát bằng chân và thở bằng đuôi. Những con bò sống trên lá cây với thứ sữa vô cùng ngon ngọt. Món chả làm từ trứng chim bông lau. Những bữa tiệc ê hề từ phấn hoa và mật ong đất. Những bộ quần áo làm bằng tơ nhện... Không thể kể hết niềm vui thú mà cuốn sách mang lại cho đứa bé vừa biết đọc là tôi. Chính vì quyển sách này mà khi lớn lên, vào đại học, tôi đã chọn môn sinh hóa để học.
Quyển sách - tiếng sét của tôi, sau năm 1975 đã được ấn hành với một cái tên khác: Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia. Thì ra đó là một sáng tác cực kỳ nổi tiếng của một nhà văn Nga, Yan Larri, được xuất bản từ năm 1937. Tôi tin rằng bất kỳ đứa trẻ nào cũng tìm thấy thú vui đọc sách khi được làm bạn với những quyển sách kiểu này. Tôi tin như vậy. Tôi đoan chắc như vậy.
Ngô Thị Kim Cúc
Bình luận (0)