Tiếng 'thở dài' của lon sữa

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/11/2021 04:37 GMT+7

Tối 9.11, Tổng cục Hải quan đã có công văn khẩn trả lời thắc mắc của Cục Hải quan TP.HCM về vướng mắc thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc hỗ trợ trẻ em TP.HCM gặp khó khăn trong dịch Covid-19 .

Phải nói, công văn của Tổng cục Hải quan là thực sự khẩn trương, nhất là sau khi đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, sáng cùng ngày đã than thở trước Quốc hội rằng 22.000 lon sữa nói trên đã nằm trong kho gần 1 tháng rồi không lấy ra được, mà không biết lỗi do ai?

Bà Châu không biết lỗi do ai cũng đúng. Vì cơ quan, đơn vị nào cũng làm đúng quy trình, đúng chức năng, nhiệm vụ của mình cả.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, nơi tiếp nhận lô sữa viện trợ, từ 25.10 đã có công văn đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP cho miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm với lô hàng. Ban quản lý trả lời thẩm quyền miễn kiểm tra không thuộc ban này.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM lại gửi công văn xin miễn kiểm tra lên Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì cũng được trả lời, theo quy định cục này không có thẩm quyền và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM gửi công văn xin ý kiến Chính phủ cho… đúng luật.

Và công văn rất khẩn trương của Tổng cục Hải quan nói trên cũng không phải đồng ý cho lô hàng được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm, mà vẫn là đề nghị đơn vị tiếp nhận gửi công văn đề nghị Chính phủ cho ý kiến để làm thủ tục nhập khẩu theo hướng dẫn trước đó của Cục An toàn thực phẩm.

Thế là sau rất nhiều công văn đến và đi, lên và xuống rất đúng quy trình, thậm chí là rất khẩn trương, rốt cuộc 22.000 lon sữa vẫn lặng lẽ nằm im trong kho, chưa biết bao giờ mới lấy ra được.

Và thế là số phận 22.000 lon sữa vẫn phải chờ đến sự quyết định của Chính phủ. Chắc chắn, theo luật định thì Chính phủ cũng cần phải có một quy trình nữa, trong đó tất nhiên không thể thiếu bước có ý kiến tham mưu của các cơ quan chuyên môn là Bộ Y tế hay Cục An toàn thực phẩm.

Đây có lẽ là điều mà đại biểu Tô Thị Bích Châu muốn nói đến khi cho rằng dù không phải thẩm quyền, song Cục An toàn thực phẩm, với tư cách là cơ quan tham mưu, với tinh thần khẩn trương “chống dịch như chống giặc”, hoàn toàn có thể có một văn bản nêu chính kiến và tham mưu để Chính phủ giải quyết nhanh chóng để lô hàng được thông quan.

Những quy trình, quy định về thẩm quyền được vận dụng rất đúng nhưng lại đang biến một việc đơn giản trở nên nhiêu khê, trì trệ, vì ngay cả việc tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm thông thường chứ không xin miễn thì thời gian kiểm tra cũng chỉ mất chừng 3 ngày.

Câu chuyện lòng vòng của 22.000 lon sữa có lẽ là một minh chứng đầy thuyết phục cho sự trì trệ, không dám làm, dám quyết mà nhiều người nói đến từ lâu. Và có lẽ, nếu 22.000 lon sữa kia mà “biết nói năng”, chúng cũng chỉ còn cách buông một tiếng thở dài mà thôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.