Để tìm hiểu bài thơ Tiếng thu nổi tiếng của nhà thơ Lưu Trọng Lư có giống với bài Thu ca không, trước tiên, chúng ta nên tìm hiểu về nhà thơ Nhật Sarumaru no Taifu, còn gọi là Sarumaru no Dayū (Viên Hoàn Đại Phu). Tương truyền, vào đầu thời kỳ Heian, ông là một trong ba mươi sáu vị thần của thi ca Nhật - thường gọi là nhóm Thập tam lục ca tiên (Sanjūrokkasen). Sarumaru là tên, còn Taifu là danh hiệu chỉ địa vị từ bậc thứ 5 trở lên trong xã hội Nhật Bản cổ đại.
Tuy nhiên, lý lịch của Sarumaru no Taifu khá mơ hồ, ngoài những truyền thuyết về ông, không thấy chính sử Nhật Bản ghi chép về nhà thơ này.
Chân dung nhà thơ Sarumaru no Taifu của danh họa Kanō Tan'yū (Thú Dã Thám U), 1602 –1674) |
Wikipedia |
Giới nghiên cứu cho rằng Sarumaru là tác giả của bài waka có nhan đề Thu ca (秋 歌, aki no uta). Đây là bài thơ thứ 215 trong Cổ kim hòa ca tập ( Kokin Wakashū) - một tuyển thơ tập hợp trong triều đại Vũ Đa Thiên Hoàng (Uda-tennō, 866 – 931), sau đó xuất bản trong thời Đề Hồ Thiên Hoàng (Daigo-tennō, 885 – 930):
奥山に (Oku yama ni)
紅葉踏み分け (Momiji fumi wake)
鳴く鹿の (Naku shika no)
こえ聞く時ぞ (Koe kiku toki zo)
秋は悲しき(Aki wa kanashiki)
Tạm dịch nghĩa: Trong núi sâu, con nai bước đi trên lá mùa thu, cất tiếng kêu, tôi nghe, mùa thu thật buồn. Đây là bài thơ về mùa thu với con nai cô đơn đang kêu gọi bạn tình trong mùa giao phối.
Hơn nửa thế kỷ trước, nhà báo – nhà thơ Nguyễn Vỹ cho rằng bài thơ của Sarumaru kể trên giống hệt bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư và cũng có tựa đề là TIẾNG THU. Nội dung câu chuyện này Nguyễn Vỹ đã kể từ trang 110 đến 112 trong quyển Văn thi sĩ tiền chiến (Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1969).
Nguyễn Vỹ đã liệt kê 2 bản dịch tiếng Pháp từ bài Thu ca của Sarumaru, trong đó ông chứng minh là “giống hệt” bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, đó là bản dịch của Karl Petit, trong quyển La Poésie Japonaise (Ed. Seghers):
“Aux profondeurs de la Montagne
Ecartant et foulant les feuilles d’érable
Le cerf brame
Et à l’entendre ainsi,
Ah! que l’automne m’est lourdement triste!
Dịch đúng nghĩa ra Việt văn:
Trong núi rừng sâu
Ta nghe tiếng xào-xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá bàng khô
Ôi buồn làm sao!”
Lưu Trọng Lư cãi liền, cho rằng thơ mình còn có đoạn:
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô-phụ
Nguyễn Vỹ cười: “Mấy năm nay trong nước mình làm gì có chiến tranh, có “kẻ chinh phu” có “người cô-phụ”? Tôi cho rằng cậu ghép thêm ba bốn câu đó vào bài thơ của Saramaru để thay đổi đôi chút, nhưng cậu lấy trọn vẹn bản chính của Saramaru”.
Đoạn trong ngoặc kép nêu trên trích từ trang 211 - 212 của quyển Văn thi sĩ tiền chiến.
Lưu Trọng Lư có đạo văn hay không?
Chính cách dịch sang tiếng Việt từ bản tiếng Pháp kể trên: Ta nghe tiếng xào-xạc, Con nai vàng ngơ ngác, Đạp trên lá bàng khô, Nguyễn Vỹ đã khiến nhiều người ngộ nhận rằng Lưu Trọng Lư đã “cầm nhầm” thơ của Sarumaru. Nhưng đọc kỹ bản dịch tiếng Pháp của Karl Petit, ta sẽ không thấy có từ nào tương ứng với xào-xạc, (con nai) vàng, ngơ ngác, lá (bàng) khô mà Nguyễn Vỹ đã cố tình dịch để tạo nét giống với bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư.
Bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư và bài Thu ca (Aki no Uta) của Sarumaru no Taifu |
thivien.net, wikipedia |
Trích câu chuyện về bài Tiếng thu giống thơ Nhật Bản (trang 110 đến 112, trong quyển Văn thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vỹ, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn) |
t.l |
Xin lưu ý, trên thực tế, bài thơ của Sarumaru không có nhan đề là TIẾNG THU như Nguyễn Vỹ cho biết, vì đó là bài Thu ca (秋 歌). Trong tiếng Nhật, thu (秋) là mùa thu, còn ca (歌) có nghĩa là bài thơ hoặc bài hát. Thu ca có nghĩa bài thơ hoặc bài ca mùa thu, không thể áp đặt là TIẾNG THU để tạo sự giống nhau.
Vậy, so sánh nguyên tác bài Thu ca với 2 bản dịch tiếng Pháp ở đây, ta thấy bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư có thật sự “giống hệt” bài Thu ca như Nguyễn Vỹ nhận định?
Trên mạng, có một số bài viết vấn đề này, phần lớn cho rằng Tiếng thu không giống bài Thu ca của Sarumaru. Dĩ nhiên, Tiếng thu là một tuyệt tác, chắc chắn rằng không thể “giống hệt” bài Thu ca, bởi vì cả Lưu Trọng Lư và Sarumaru đều có phong cách riêng, cách miêu tả toát ra tinh thần riêng, song có những cặp từ giống nhau: con nai (鹿) trong Thu ca = con nai trong Tiếng thu; nai kêu (鳴く鹿の) = “lá thu kêu”; hồng diệp (紅葉) là lá mùa thu (lá phong) đã chuyển sang màu đỏ = lá vàng khô; trong Thu ca có chữ “nghe” (聞)” = “em không nghe”, điệp ngữ 3 lần trong Tiếng thu… Đấy là chưa kể sự liên tưởng “con nai gọi bạn tình”, gợi nhớ đến hình ảnh người chinh phu và cô phụ.
Chân dung nhà thơ Lưu Trọng Lư |
t.l |
Tóm lại, việc cho rằng bài Thu ca và Tiếng thu hoàn toàn không giống nhau là nhận định khiên cưỡng. Dĩ nhiên Lưu Trọng Lư không đạo văn, có thể ông đã đọc bài Thu ca từ bản dịch tiếng Pháp để rồi bật ra vài ý trùng lặp khi sáng tác Tiếng thu, hoặc “tư tưởng lớn gặp nhau”, giống như Albert Zilevou từng viết: “Les grands esprits se rencontrent aux rares moments” (Những khối óc vĩ đại gặp nhau vào những thời điểm hiếm hoi), mà thôi.
Bình luận (0)