Sẽ có rất nhiều ý nghĩa, nhiều tác động tích cực đối với người nhận tiếng vỗ tay nếu điều này xuất phát từ sự vô tư, trong sáng của người “ban phát” nó. Nhưng cũng thật tệ nếu phía cho và phía nhận đều xuất phát từ động cơ thiếu trong sáng.
Tôi nghe được câu chuyện này từ một sinh viên mà trước đây là học sinh của một trường THPT huyện M. Có giáo viên vào lớp 12 coi thi kiểm tra học kỳ 1 môn Lịch sử, học sinh nhảy cẫng lên, vỗ tay rào rào. Một nữ sinh táo tợn, đã đưa mấy ngón tay lên môi làm nụ hôn... cách điệu (!). Thầy giáo trẻ phổng mũi, sung sướng nhận những tràng pháo tay. Giờ kiểm tra diễn ra thật thoải mái, nếu không muốn nói là khá lộn xộn. Học sinh xem tài liệu, quay cóp thoải mái, có em còn được thầy “ưu ái” cho để hẳn tài liệu trên bàn. Thầy đứng ở cửa ra vào, “canh me” và nhắc nhở các em “làm bài nghiêm túc” mỗi khi cán bộ giám sát đi qua. Sau giờ thi, một tràng pháo tay lại vang lên nhằm “tri ân” vị thầy giáo “nhân từ”. Trên hành lang sau buổi thi, có thể nghe được những lời bình phẩm của học sinh về những giám thị. “Gặp cô K. coi như “tiêu đời”, đố đứa nào coi được một dòng tài liệu”. “Lớp mình tốt số nên gặp ông V. đến ba lần luôn, bảo đảm điểm 9, điểm 10 là cái chắc”. Kỳ thi ấy, có lớp điểm khá “đẹp”, có lớp điểm rất kém. Những tỷ lệ phần trăm về chất lượng các bộ môn đầy mâu thuẫn. Phụ huynh trách móc những thầy cô coi thi nghiêm túc. Học sinh tâng bốc, ngợi ca những thầy cô coi thi dễ dãi. Hội đồng giáo viên xì xào, nghi ngờ, đàm tiếu lẫn nhau, thật chẳng ra làm sao cả.
Chuyện học sinh vỗ tay mừng thầy coi thi dễ dãi tuy không nhiều nhưng đó đây vẫn có trong “làng” giáo. Có thể nghe thấy trong tiếng vỗ tay của những học sinh mà nhân cách chưa hình thành trọn vẹn này những “tín hiệu” tiêu cực. Đó là sự gian dối trong học tập, sự “tinh quái” trong thi cử, sự ỷ lại vào những giáo viên... thích vỗ tay. Một điều hiển nhiên ai cũng thấy, để có được những tràng vỗ tay “chất lượng kém”, người thầy phải trả giá khá đắt khi hình ảnh của chính mình bị mờ nhòa, thậm chí không có chỗ đứng trong lòng học sinh.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)