|
|
Tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) bày tỏ tán thành báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về việc hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bởi mục đích chính của việc tiếp công dân là nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, phục vụ cho việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa làm rõ được những điểm này.
ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng, công dân đến trụ sở tiếp dân là để gặp người có thẩm quyền chứ không phải đến để gửi đơn, quy định bố trí cán bộ, người có trách nhiệm cũng phải cụ thể: “Nếu trụ sở tiếp công dân chỉ đón tiếp, lắng nghe, rồi sau đó gửi đơn đi lên trên thì chả khác nào hộp thư đón nhận góp ý kiến”, ông Luyến nói.
Cùng chung quan điểm này, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) khẳng định, tiếp dân phải gắn với giải quyết khiếu nại tố cáo mới có ý nghĩa.
Nói thêm về thái độ tiếp dân, ĐB Hà Nội Trịnh Ngọc Thạch phàn nàn: “Tiếc là một số cán bộ hiện nay không thiện cảm với dân, không có lòng kính dân, thiếu đồng cảm với người đi khiếu kiện. Tôi đi tiếp dân, ngực đeo huy hiệu Quốc hội hẳn hoi, thế mà vừa vào thì ông phụ trách Phòng Tiếp dân nạt ngay “ông đi đâu, có việc gì?”, với ĐBQH mà còn thế, nói gì khi tiếp dân...”.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Đóng góp ý kiến vào dự án luật, ĐB Cao Đức Phát (Đắk Lắk) nêu quan điểm: “Điều 14 của dự án luật có quy định bộ trưởng các bộ phải tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng là quá cứng nhắc bởi chúng ta phải làm việc theo hệ thống, khi nhận được ý kiến khiếu kiện của công dân thì các cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận rồi mới trình lên bộ trưởng để xem xét. Do vậy, nếu chỉ căn cứ vào 1 buổi tiếp công dân rồi giải quyết luôn là không ổn bởi bộ trưởng không thể cứ đến ngồi nghe rồi giải quyết luôn”.
ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng, dự luật cần phải ghi rõ trách nhiệm, hình thức xử lý đối với người đứng đầu cơ quan trong việc tiếp công dân. Nếu cán bộ nào không trực tiếp sắp xếp thời gian tiếp công dân, để kéo dài thì nên có hình thức kỷ luật hoặc cho thôi giữ chức vụ đó.
Đề nghị loại dự thảo luật ra khỏi chương trình nghị sự Mặc dù đồng tình nên có luật Tiếp công dân song nhiều đại biểu bày tỏ không hài lòng với dự thảo được trình Quốc hội lần này. Theo ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội): “Dự thảo rất sơ sài, trang nào cũng phải sửa. Không điều nào là không phải góp ý. Nhiều khái niệm đưa ra không chuẩn xác...”. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho biết: “Nghiên cứu thấy rất nhiều băn khoăn. Chúng tôi rất kỳ vọng dự luật này nhưng đọc chỉ thấy ngỡ ngàng về sự bất hợp lý, thiếu đồng bộ từ trên xuống dưới”. ĐB Trịnh Ngọc Thạch nói thẳng: Nếu cần thì nên hoãn lại, không tiếp tục xem xét dự luật này. Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.Hà Nội, ông Chu Sơn Hà kết luận: "Dự thảo thế này không thể đưa ra trình Quốc hội được". |
Lo ngại về thuốc bảo vệ thực vật Cũng trong ngày hôm qua, các ĐB đã thảo luận dự án luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Hầu hết các ĐB đều nhận định, vấn đề an toàn thực phẩm liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật đang rất nhức nhối và cần phải có các chế tài nghiêm khắc để kiểm soát vấn đề này, ngay cả đối với người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) nêu ý kiến: “Thực tế, khi người nông dân sản xuất ra được một sản phẩm từ thực vật, chính họ cũng muốn kiểm dịch xem có an toàn không, nhưng lại chẳng có chỗ nào để kiểm dịch”. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đã ví von các loại thuốc hóa chất là “em” của ma túy và việc sử dụng tràn lan hiện nay đang phá hoại sức khỏe của cả dân tộc. “Qua đọc dự thảo luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật tôi thấy rằng các quy định đưa ra mới nhằm bảo vệ thực vật chứ chưa bảo vệ sức khỏe con người, đây là vấn mà cơ quan soạn thảo nên cân nhắc”, ông Lịch nói. Theo ĐB Trần Du Lịch, hiện nay hóa chất độc hại đang được bày bán tràn lan không kiểm soát được: "Tôi đề nghị nên đưa vào chế tài để xử lý những người mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép hóa chất độc hại, nếu cần thiết thì bổ sung cả vào bộ luật Hình sự”, vị đại biểu này đề xuất. |
Sẽ thanh kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Chính phủ vừa gửi tới các vị ĐBQH báo cáo số 211 về việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Báo cáo này do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng ký, gửi tới các ĐBQH theo yêu cầu đặt ra từ đầu kỳ họp. Báo cáo cho hay Quỹ bình ổn xăng dầu (QBO) được trích lập theo quy định là 300 đồng/lít của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của thương nhân đầu mối và trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập. Về sử dụng quỹ, Chính phủ khẳng định doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng quỹ vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của liên bộ Công thương - Tài chính thông qua Tổ giám sát liên ngành về giá xăng dầu. “Không phải lúc nào DN cũng được sử dụng QBO. Chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành và Chính phủ thực hiện kiềm chế mức tăng giá hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước. Liên bộ có công văn chỉ đạo DN mới được sử dụng quỹ”, Chính phủ khẳng định. Về cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát quỹ, theo báo cáo, QBO được hạch toán vào tài khoản riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích BOG. Nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác. “Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh; tình hình trích lập, sử dụng quỹ ở tất cả các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối và công khai kết quả kiểm tra trước công luận (vào cuối năm 2011 và giữa năm 2012)”, Chính phủ báo cáo. Đánh giá hiệu quả của quỹ, Chính phủ cho rằng: “Từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ QBO thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn. Ví dụ, nếu không sử dụng quỹ thì ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán 2011, 2012 và 2013 (các thời điểm nhạy cảm thường có chỉ số CPI cao) đã phải điều chỉnh giá xăng dầu và mức giá phải điều chỉnh cao hơn nhiều. Mặt khác, không có QBO trong một số thời điểm sẽ phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước”. “Chốt” lại báo cáo, Chính phủ khẳng định thực tế đã chứng minh QBO là công cụ hữu hiệu để thực hiện bình ổn giá trong điều kiện kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về quỹ. Chính vì vậy Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, trong đó có QBO. Bảo Cầm |
Thái Sơn - Bảo Cầm
>> Thảo luận tại Quốc hội: Nới bội chi, tháo gỡ tồn kho
>> Quốc hội thảo luận luật Thuế TNDN sửa đổi: Cần giảm thuế suất xuống 20%
>> Sẽ báo cáo Quốc hội tình hình biển Đông
>> Đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo tình hình biển Đông
>> Nhiều đại biểu quốc hội đề nghị giữ nguyên tên nước
Bình luận (0)