|
Không nên bắt dân đi khắp nơi hỏi kết quả
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu quan điểm: Trụ sở tiếp công dân theo luật này không phải là nơi để giải quyết khiếu nại hay kiến nghị của dân, nhưng phải là nơi để trả lời cho nhân dân kết quả giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại. “Trụ sở tiếp dân ở T.Ư nếu có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân thì phải đôn đốc thành viên Chính phủ hoặc các ĐBQH, các cơ quan T.Ư giải quyết kiến nghị của dân để sau đó nhân dân đến trụ sở này tiếp nhận kết quả, chứ không nên bắt dân đi khắp nơi để hỏi kết quả. Nếu là ở địa điểm tiếp dân của tỉnh thì tỉnh phải phản hồi dân về kết quả giải quyết”, ông Khoa đề nghị.
Chúng tôi có niềm tin 80% bà con đến trụ sở tiếp dân ở T.Ư là có oan ức, nên vẫn phải tiếp nhận đơn và cần thêm thời gian để tìm hiểu, xem xét lại |
||
Phó tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh |
||
“Nên giải quyết đơn thư của dân theo hướng một cửa, tránh tình trạng bà con chờ đợi ròng rã, mệt mỏi tại cơ quan này đến cơ quan khác để chờ câu trả lời”, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc hưởng ứng. Theo ông Phúc, sau khi bà con gửi đơn thì nơi tiếp công dân phải có trách nhiệm chuyển đơn đến nơi có thẩm quyền giải quyết, đôn đốc và phải theo đến cùng đơn thư đó để giải quyết trả lời nhân dân, dù giải quyết hay chưa, giải quyết đến đâu cũng phải trả lời. “Nơi nhận đơn phải là nơi trả kết quả, nếu không đơn thư cứ chạy lòng vòng, bà con lại chạy đi khắp nơi, chờ đợi, không giải quyết được gì cả”, ông Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phúc, thực tế cho thấy nếu cử cán bộ tiếp dân thì chỉ là tiếp cho xong, còn nếu người đứng đầu trực tiếp tham gia thì rất hiệu quả. Nhưng luật không có chế tài trong trường hợp người đứng đầu cố tình né tránh tiếp dân lần 1, lần 2 thì ai xử lý, xử lý thế nào. “Cần phải quy định chế tài trách nhiệm với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, kiến nghị của dân nặng hơn, vì quy định như dự luật là quá nhẹ”, Chủ nhiệm VPQH nhận xét.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng gợi mở có thể quy định một số quyền hạn cho lãnh đạo văn phòng, trụ sở tiếp dân có trách nhiệm chỉ đạo cán bộ đôn đốc giải quyết đơn thư. “Trường hợp ông nhận đơn đúng rồi, đã chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm giải quyết rồi mà cơ quan tiếp nhận đó làm sai hoặc không làm thì văn phòng tiếp dân đó phải có quyền báo cáo lên cơ quan nào đó để xử lý”, Chủ tịch nêu phương án.
Bắt buộc gặp thì cũng “căng”
Liên quan đến trách nhiệm tiếp dân, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho rằng khoản 3 điều 23 có quy định “khi công dân có yêu cầu gặp ĐBQH để trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì ĐB tạo điều kiện thuận lợi để tiếp công dân…” là chưa phù hợp, mà phải ghi rõ trách nhiệm của ĐB là phải tiếp công dân theo luật định, vì theo bà Mai, “người dân bầu ra ĐBQH, giờ lại quy định ĐB tạo điều kiện tiếp dân là không thuyết phục”.
Về điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước ngần ngại đặt vấn đề: Nếu quy định cứng, bắt buộc ĐBQH phải gặp thì cũng “căng”, vì thực tế có công dân đến gặp ĐB tới 2 - 3 lần, mặc dù trước đó vụ việc đã được giải quyết hoặc có quyết định trả lời. “Nếu gặp mà không có vấn đề gì mới thì mình không tiếp, có khi mất thời gian mà người ta còn đập bàn, đập ghế với mình nữa chứ, rất căng thẳng. Cho nên nội dung này nên giao Chính phủ quy định cụ thể để linh hoạt hơn trường hợp nào có quyền từ chối, trường hợp nào bắt buộc phải tiếp”, ông Ksor Phước đề xuất.
Về trường hợp nào được từ chối tiếp dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đại diện cho cơ quan thẩm tra dự luật cho hay, dự thảo luật đã có quy định những trường hợp khiếu nại nếu đã được cấp cao nhất giải quyết rồi thì có quyền từ chối tiếp dân đến vì vụ việc đó.
Tuy nhiên, Phó tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh giãi bày, việc đó chỉ làm được ở cấp tỉnh, còn ở cấp T.Ư thì khó có thể khước từ, vì còn phải có thời gian để tra hồ sơ, dữ liệu. Hơn nữa, theo ông Thanh, “chúng tôi có niềm tin 80% bà con đến trụ sở tiếp dân ở T.Ư là có oan ức, nên vẫn phải tiếp nhận đơn và cần thêm thời gian để tìm hiểu, xem xét lại”.
Bảo Cầm
Bình luận (0)