Theo dự thảo quyết định quản lý các dự án điện gió được Bộ Công thương trình lên Chính phủ vào tháng 9.2010, EVN có trách nhiệm trả khoảng 7 cent/kWh và Chính phủ bù khoảng 1 cent/kWh (tương ứng với giá bán tối đa 8 cent/kWh). Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Hường, nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng, vì nhiều lý do nên mức giá bán này đã không được thông qua. Bên cạnh đó, một loạt những ưu đãi về thuế, lãi suất vay, ưu đãi đất… dành cho nhà đầu tư mà dự thảo đề cập cũng chưa được xem xét, và dự thảo đầu tiên về cơ chế cho điện gió đã phải gác lại.
TS Đàm Xuân Hiệp, Tổng thư ký Hội Điện lực VN, cho rằng “mấu chốt vẫn nằm ở khâu chính sách, mà cụ thể hơn là các cam kết và hỗ trợ của Nhà nước để mở đường cho dạng năng lượng này phát triển. Một số nước bắt buộc các công ty điện lực phải ưu tiên mua điện lên lưới từ các nhà máy điện tái tạo với giá cao. Bất cập của VN là giá điện thấp, chưa theo giá thị trường, trong khi giá thành suất đầu tư điện gió rất lớn, có thể cao hơn nhà máy nhiệt điện truyền thống từ 5-10 lần”.
Theo ông Đặng Công Chuẩn, Phó tổng giám đốc Trungnam Group, tính toán của Trungnam Group cho thấy giá điện phải trên 10 cent/kWh mới khuyến khích các thành phần tham gia. Ngoài ra, cần phê duyệt ngay quy hoạch tổng thể (quy hoạch quốc gia) để làm cơ sở xem xét và kim chỉ nam cho các cơ quan thẩm quyền bám theo thực hiện nhiệm vụ được giao. Một cách tiếp sức khác cho điện gió, đó là việc chuyển tải và phân phối điện từ các nhà máy điện gió. Nếu EVN không đầu tư thì buộc các chủ đầu tư điện gió phải thực hiện và như vậy phải cộng vào chi phí, sẽ đẩy giá điện gió tăng cao thêm.
Nên điều chỉnh giá mua 2 năm/lần
Theo ông Đinh Huy Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, do lợi ích khác nhau nên người bán (nhà đầu tư điện gió) và người mua (EVN) không thể tự thỏa thuận, mà vấn đề giá phải do cơ quan nhà nước quy định. Không có giá bán, các doanh nghiệp đầu tư điện gió khi lập báo cáo đầu tư không thể tính toán chỉ tiêu tài chính như lãi - lỗ, thời gian thu hồi vốn, không xác định được hiệu quả kinh tế. Từ đó dự án đầu tư không đủ yếu tố để thuyết phục các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại tham gia dự án bằng hình thức cho vay.
“Mức giá quy định trong dự thảo đưa ra lần trước (8 cent/kWh), cá nhân tôi không bình luận cao hay thấp vì tại VN suất đầu tư cho điện gió chưa thể xác định chính xác. Tuy nhiên tôi cho rằng chính sách hỗ trợ theo đề xuất của Bộ Công thương chấp nhận được. Ngoài hỗ trợ trực tiếp từ quy định giá EVN phải mua và Nhà nước hỗ trợ thêm cho 1 KWh điện gió còn kể đến một số hỗ trợ khác như miễn thu tiền sử dụng đất, thuế nhập khẩu, phí bảo vệ môi trường, giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp...”, ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, việc Chính phủ hỗ trợ giá cho điện gió một số nước vẫn thực hiện như Đức, Trung Quốc. VN càng cần được hỗ trợ vì đây là lĩnh vực mới đồng thời là dự án giảm phát thải khí nhà kính (CDM). Chỉ có điều quy định nên đặt ra việc xem xét điều chỉnh giá mua của EVN và mức hỗ trợ của Nhà nước khoảng 2 năm/lần thay vì phải 5 năm như trong dự thảo trước đây.
Mai Hà - Mai Vọng
Bình luận (0)