Tiếp sức cho xe buýt

22/04/2013 03:35 GMT+7

Nhiều đơn vị vận tải muốn sở hữu loại xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên - xe buýt thân thiện với môi trường nhưng giá quá cao so với xe chạy dầu...

Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM, đơn vị này hiện có số lượng đầu xe buýt khoảng 1.000 chiếc. Trong đó, đa số là xe đã sử dụng được 10 năm và 20% xe đã trên 10 năm (khoảng 200 xe). Những chiếc xe trên 10 năm chạy 1 - 2 năm nữa là sẽ xuống cấp, nên việc chuẩn bị thay xe phải bắt đầu bây giờ mới kịp. Chương trình thay xe buýt của Liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM sẽ được thực hiện cuốn chiếu. Thế nhưng, cái khó của các doanh nghiệp (DN) hiện nay là vốn. Với đơn vị kinh tế tập thể HTX, phải có vốn đối ứng ít nhất là 1/3 số vốn đầu tư mua xe mới để đảm bảo thời gian trả vốn vay sau này được nhanh hơn. Đơn vị này đang chờ dự án đầu tư mới 1.680 xe buýt của Sở GTVT TP.HCM triển khai và chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước để có những kế hoạch mua xe cụ thể. "Nếu có cơ chế thật thoáng thì chương trình thay đổi xe của chúng tôi sẽ nhanh hơn.

Tiếp sức cho xe buýt
Nhà nước cần đẩy mạnh cơ chế hỗ trợ để thay mới xe buýt - Ảnh: Mai Vọng

Cụ thể là chúng tôi bỏ ra 1/3 vốn, còn 2/3 được vay với lãi suất ưu đãi, dưới nhiều hình thức, ví dụ như được trả chậm với lãi suất DN chịu là 5%/năm, phần chênh lệch còn lại sẽ được nhà nước hỗ trợ. Lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay đã giảm so với trước đây, đang rất thuận lợi cho đầu tư mua xe buýt, nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp" - ông Phùng Đăng Hải nói. Tương tự, ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm HTX Vận tải Việt Thắng, cho biết: “Tôi dự kiến trong năm nay sẽ mua khoảng 10 xe để trang bị cho những chiếc xe buýt đã cũ và mong nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất như trước đây, để các đơn vị vận tải giảm được chi phí lãi vay ngân hàng”.  

 

Lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay đã giảm so với trước đây, đang rất thuận lợi cho đầu tư mua xe buýt, nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp

Ông Phùng Đăng Hải - Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM

Ngoài bài toán về vốn, một vấn đề DN quan tâm là loại xe. Một chiếc xe buýt mới đóng tại Việt Nam thỏa mãn quy định về kỹ thuật hiện nay (đảm bảo khí thải theo tiêu chuẩn Euro 3, sàn bán thấp…) vừa được Tổng công ty cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) giới thiệu là dòng xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG) đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam nhưng giá loại xe này lại quá cao, gần 3 tỉ đồng, tức gần gấp đôi xe chạy dầu. Nếu được miễn thuế nhập khẩu động cơ, sát - xi và một số linh kiện lắp ráp, giá xe buýt CNG sản xuất trong nước có thể giảm còn 2,5 tỉ đồng. Đó là chưa kể, hiện chỉ có 2 - 3 trạm nạp gas, quá ít so với nhu cầu.

Theo Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Dương Hồng Thanh, Sở đã đề xuất lên UBND TP một cơ chế hỗ trợ lãi suất cao nhất cho các DN đầu tư mua xe buýt CNG để hoạt động trong hệ thống xe buýt của TP. Về trạm nạp gas, theo ký kết giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam với lãnh đạo TP.HCM, tập đoàn này đảm nhiệm tùy theo mức độ phát triển loại xe buýt CNG trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, một dự án trọng điểm trong năm 2013 và 2014 mà UBND TP đã giao cho SAMCO triển khai thực hiện, đó là lắp ráp sản xuất 300 xe buýt CNG. Mẫu xe buýt CNG đầu tiên của dự án này đã được ra mắt tại TP.HCM vào ngày 18.4 vừa qua. Cũng theo ông Dương Hồng Thanh, để triển khai dự án, cần giải quyết 2 vấn đề đó là được miễn giảm thuế nhập khẩu đối với động cơ, sát - xi và những linh kiện mà hiện nay Việt Nam chưa sản xuất được, và đề xuất cơ chế chính sách để có thể phát triển nhanh, rộng khắp xe buýt CNG trên địa bàn TP.HCM.   

Mai Vọng

>> Phát triển xe buýt nhanh tại các đô thị lớn
>> 1,5 triệu USD thí điểm vé xe buýt điện tử
>> 11 xe buýt cháy bất thường
>> 5 xe buýt cùng công ty từng bị cháy tương tự
>> Điều tra vụ 11 xe buýt cháy bất thường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.