ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng Chính phủ cần khẩn trương quyết liệt giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) đã ban hành trong thời gian qua, ví như là nguồn ô xy cho DN trong đại dịch. Tuy nhiên, nhiều chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng, nên cần có cách tiếp cận cởi mở và thân thiện, nhân văn hơn. Chỉ cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, thiện chí và linh động, xét duyệt cho đối tượng. Tạo điều kiện thuận lợi DN tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá này.
Thứ hai, theo ĐB So, Chính phủ cũng cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, tạo cú hích giúp cho các DN tận dụng quãng thời gian còn lại của năm 2021 để tăng tốc hoàn thành kế hoạch. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề. Thứ ba, phát triển mở rộng thị trường là nhiệm vụ sống còn của phát triển kinh tế, nhưng hiện nay chúng ta lại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài. Điều này đã làm cho nền kinh tế VN dễ bị tổn thương. Do đó, cần phải có chính sách đột phá nhằm ổn định phát triển thị trường, thực sự có thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường quốc tế…
Bàn thêm về giải pháp kinh tế, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết trong báo cáo của Chính phủ có nêu giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các chính sách thuế. Theo ĐB này, cần hết sức cân nhắc giải pháp trên, bởi tính trung lập của thuế rất cần thiết, nhưng trong bối cảnh hiện nay là khó khả thi, kể cả khi khống chế được dịch bệnh thì những hệ quả còn kéo dài những năm tiếp theo.
Mặt khác, căn cứ vào tình hình thực tế 3 năm qua thì trong chính sách tài khóa, việc miễn giảm thuế đã được áp dụng liên tục như giải pháp hữu hiệu. Nếu tới đây QH ban hành gói kích thích về phục hồi kinh tế thì cũng có thể sẽ có chính sách về miễn giảm thuế.
“Tôi cho rằng tại thời điểm hiện nay nên theo đuổi chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các chính sách về khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Điều đó là cần thiết và hợp lý hơn là chính sách tận thu”, bà Mai phát biểu và đề nghị QH, Chính phủ lưu ý vấn đề khoảng cách giàu nghèo trong xã hội hiện nay. Theo báo cáo của Chính phủ thì nhóm bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch bệnh là nhóm nghèo. Nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2016, khoảng cách thu nhập là 9,8 lần, đến năm 2019 đã tăng lên 10,2 lần. Tuy nhiên, đến năm 2020, con số này xuống còn 8 lần. “Cá nhân tôi cho rằng cần khảo sát, đánh giá chính xác thực trạng xã hội để nhìn thấy rõ nhất những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt”, bà Mai đề nghị.
Bình luận (0)