Tiết canh không bổ máu!

27/05/2009 08:43 GMT+7

“Ăn gì bổ nấy” là nếp nghĩ đã lâu đời của đa số người Việt. Với quan niệm như thế, nhiều người tìm ăn tiết canh với hi vọng được bổ máu, cường dương, sung sức…

Chúng ta thử tìm hiểu, phân tích một cách khoa học về giá trị dinh dưỡng, tốt xấu, đúng sai của việc ăn tiết canh.

Máu gồm hai phần. Một là, huyết cầu chiếm 45% thể tích máu, trong đó hồng cầu 96%, bạch cầu 3% và tiểu cầu 1%. Trong hồng cầu có chứa huyết cầu tố (hemoglobin, Hb) là thành phần quan trọng nhất đảm trách nhiệm vụ đưa dưỡng khí (oxy) đến mọi cơ quan và mang thán khí (carbonic) từ các cơ quan về phổi để thải loại ra ngoài. Thiếu máu theo định nghĩa y học là thiếu hồng cầu, cụ thể là thiếu huyết cầu tố.

Hai là, huyết tương (phần dịch lỏng) chiếm 55% thể tích máu. Chức năng của huyết tương là vận chuyển các huyết cầu, chất dinh dưỡng, các hormon, vitamin, chất đông máu... đi khắp cơ thể.

Muốn tạo thêm hồng cầu mới, tạo máu, cơ thể cần phải có chất đạm, cụ thể là các axit amin để tổng hợp ra phân tử globin của huyết cầu tố; chất sắt (Fe++) để sinh tổng hợp nhân heme; các vitamin B12, B6 và axit folic; hai yếu tố vi lượng nikel, cobalt và một hormon đặc biệt là EPO (erythropoietin), nồng độ hormon EPO này tăng giảm theo hàm lượng oxy của cơ thể, càng thiếu oxy cơ thể càng sản sinh nhiều EPO. Trong khi các yếu tố khác đều là “ngoại sinh”, do ăn uống đưa vào, chất EPO được tổng hợp “nội sinh” từ thận.

Hồng cầu sống khoảng 120 ngày, khi chết nhân heme của huyết cầu tố được phóng thích và thoái hóa qua nhiều giai đoạn với sản phẩm chính là chất bilirubin. Chất bilirubin này có màu vàng xanh sẽ theo máu về gan rồi  được thải qua đường mật theo phân ra ngoài. Khi bị tán huyết (vỡ hồng cầu) hoặc bị bệnh gan, da bệnh nhân sẽ có màu vàng sậm vì chất bilirubin sản sinh quá nhiều và không thải ra đường gan mật hết được.

Lưu ý là huyết cầu tố khi được đưa vào cơ thể qua đường tiêu hóa, ví dụ ăn tiết canh, thì chỉ phần globin là chất đạm sẽ được chuyển hóa ra những đơn vị cơ bản là axit amin, cơ thể sẽ hấp thu và sử dụng. Còn thành phần heme hoàn toàn bị thải ra ngoài dưới các dạng chất đã thoái hóa và không hề được sử dụng lại như suy nghĩ thông thường lâu nay. Người ăn cháo huyết, ăn tiết canh, phân sẽ có màu đen vì chứa các sản phẩm thoái hóa của nhân heme huyết cầu tố này đang được bài xuất.

Như vậy việc ăn tiết canh để bổ máu là sai lầm, thậm chí là nguy hiểm vì tiết canh thật sự là “cháo máu sống”, theo nguyên ngữ tiếng Hán, rất mất vệ sinh và là nguồn lây của vô số bệnh nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng chết người.

Theo TS.BS Trần Bá Thoại / Tuổi Trẻ
(Bệnh viện Đà Nẵng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.