Mất tiền, lỡ vụ
|
|
Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Hòa Bình ở H.Chư Prông mua 2.000 bầu tiêu về trồng nhưng chưa đến một tháng cả vườn tiêu chết hết. “Nhiều nông dân mua đất, đổ tiền trồng tiêu cũng bị tình trạng như chúng tôi. Không ít nguyên nhân tiêu chết được đưa ra, nào là tiêu giống bị chủ vườn phun thuốc kích thích nhiều, tiêu bị bệnh, làm đất, bón phân không đúng kỹ thuật... Nguyên nhân nào xem ra cũng có lý nhưng lý do chính xác là gì thì đến nay không xác định được. Nông dân chúng tôi cứ thế lâm vòng luẩn quẩn”, anh Bình lo lắng.
Thả nổi thị trường
Tại Gia Lai, ngoài khu vực chuyên canh hồ tiêu ở các huyện Chư Sê và Chư Pưh, hàng ngàn nông dân các huyện khác ở Chư Prông hay Đăk Đoa, Mang Yang cũng ồ ạt trồng tiêu. Theo thống kê của cơ quan chức năng, diện tích hồ tiêu ở Gia Lai đã tăng lên chóng mặt với hơn 13.000 ha, trong khi quy hoạch hướng đến năm 2020 chỉ có 6.000 ha.
Để đáp ứng nhu cầu giống tiêu gia tăng cao, hàng trăm điểm cung cấp tiêu giống cắt từ cây (còn gọi là tiêu ác) và trồng bầu (tiêu lương) nở rộ tại Gia Lai. Tuy nhiên, ngành chức năng tỉnh này vẫn chưa có sự quản lý gắt gao nguồn cung giống hồ tiêu. Thị trường này gần như thả nổi. Hàng chục ngàn bầu tiêu giống mua về trồng bị chết, gây thiệt đơn thiệt kép cho nông dân.
Dọc quốc lộ 14 đoạn qua các huyện Chư Sê, Chư Pưh, tiêu ác được người ta bán như... rau. Nhiều người bán quảng cáo nguồn dây tiêu từ Vĩnh Linh, Bình Phước hay các huyện trong tỉnh Gia Lai với mức giá từ 30.000 - 35.000 đồng/dây. Thế nhưng, người mua trả giá xuống còn 10.000 - 15.000 đồng/dây cũng bán. Không chỉ giá cả “loạn”, chất lượng nguồn giống cũng không có ai thẩm định được, mà người mua chỉ biết tin vào lời hứa của người bán. Ông Bảo, một nông dân được xem là “chuyên gia” trong lĩnh vực hồ tiêu, nói: “Năm trước, gia đình tôi ương và bán sạch hơn 200.000 bầu. Năm nay tôi chỉ ương 60.000 bầu. Ai đến mua tôi đều sẵn sàng chỉ dẫn kỹ thuật. Với mức giá 10.000 đồng/bầu, tôi sẽ cử người đến trồng, đảm bảo trong vòng hơn 1 tháng, chết tôi đền. Còn nếu tự mua về trồng tôi bán 6.000 đồng/bầu. Tôi cam đoan giống tiêu nhà ương là tốt. Nếu chết thì do kỹ thuật trồng và chăm sóc (!?)”.
Trong khi nông dân trồng tiêu lo lắng, thì ngành chức năng địa phương vẫn đang rất thụ động tìm hiểu, tư vấn, trợ giúp người trồng tiêu khắc phục khó khăn. Trả lời PV Thanh Niên ngày 13.7, ông Lê Văn Lịnh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, nói: “Chúng tôi sẽ kiểm tra vấn đề tiêu chết nhiều như thế để tìm hiểu nguyên nhân. Nông dân cũng cần xem lại tất cả các khâu chuẩn bị để trồng tiêu cũng như kỹ thuật trồng để tránh thiệt hại không đáng có và lỡ mùa vụ. Nguồn gốc giống cũng cần được lựa chọn kỹ ở những địa chỉ cung cấp uy tín để tiêu không tiềm ẩn bệnh, sinh trưởng tốt khi trồng”.
Bình luận (0)