Tìm cách xóa nghèo bền vững

06/08/2013 11:16 GMT+7

Xóa nghèo là một trong những chương trình trọng tâm được chính quyền các địa phương ở ĐBSCL quan tâm. Năm nay, chỉ tiêu xóa nghèo bị thách thức nghiêm trọng bởi các mặt hàng nông - thủy sản rớt giá, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Xóa nghèo là một trong những chương trình trọng tâm được chính quyền các địa phương ở ĐBSCL  quan tâm. Năm nay, chỉ tiêu xóa nghèo bị thách thức nghiêm trọng bởi các mặt hàng nông - thủy sản rớt giá, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Chị Thạch Thị E (ở khóm Vĩnh Bình, P.2, TX.Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết gia đình chị được địa phương động viên nỗ lực xóa nghèo và cả nhà cũng phấn đấu, nhưng thực tế rất khó. Nếu như trước đây, cuộc sống của 6 nhân khẩu trong nhà tạm ổn nhờ vào cuốc đất và trồng hành mướn, thì vài tháng nay, người làm mướn rơi vào cảnh cầm chừng “1 ngày làm, 4 - 5 ngày nghỉ”, khiến thu nhập giảm mạnh. Hiện giờ, chạy lo gạo ăn hằng ngày đã khó, nói gì chuyện giảm nghèo. Ông Tăng Quang, Chủ tịch UBND P.2 (TX.Vĩnh Châu), cho biết: “Toàn phường có tới 2.243 hộ nghèo, chiếm hơn 45% tổng số hộ. Kế hoạch năm nay xóa 350 hộ nghèo, chủ yếu dựa vào nghề nuôi tôm, trồng hành tím, khai thác biển... Song xem ra rất khó, bởi thường xuyên gặp rủi ro về thời tiết, dịch bệnh và giá cả khi trồi, khi sụt”.

Để công tác xóa nghèo đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng ấp Trường Lợi (xã Trường Long A, H.Châu Thành A, Hậu Giang), đề xuất: “Thay vì đầu tư vốn để xóa nghèo theo kiểu dàn trải từ 5 - 10 triệu đồng/hộ như lâu nay, tới đây nên chọn số hộ ít lại và tăng suất đầu tư lên cao, kèm theo hướng dẫn mô hình làm ăn cụ thể. Khi họ xóa được nghèo, thì mới chuyển nguồn vốn cho hộ khác”. Đồng quan điểm trên, ông Đặng Công Khánh, Chủ tịch UBND xã Đại n 2 (H.Trần Đề, Sóc Trăng), cho rằng đầu tư vốn để xóa nghèo cần thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, đi sâu vào chất lượng chứ không nên theo số lượng. Ông Khổng Tấn Thành, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Thắng (H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ), dẫn chứng: “Là xã nghèo nhất của TP. Cần Thơ, nhưng chỉ sau 3 năm đầu tư “đúng đối tượng - đúng ngành nghề”, hộ nghèo ở xã Đông Thắng đã giảm từ hơn 20% xuống còn 10,5%. Xã đã tập trung vào các mô hình như nuôi ếch, cá, trồng lúa chất lượng cao… Riêng các hộ không có đất, thì đầu tư vốn để làm nghề thủ công, hoặc thành lập câu lạc bộ làm thuê, phun thuốc... Tạo việc làm và thu nhập cho người dân là cách xóa nghèo bền vững nhất”.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết quan điểm của tỉnh là không xóa nghèo chạy theo thành tích, hay đặt chỉ tiêu mỗi năm giảm 2% hộ nghèo... Xóa nghèo hiện nay cần đi vào thực chất, chú trọng chất lượng, bền vững. Hộ được xóa nghèo phải sống ổn định từ công việc mới mà nhà nước hỗ trợ, nhằm tránh nguy cơ tái nghèo. Việc đầu tư cho người dân sản xuất xóa nghèo phải có thời gian, không thể áp đặt trong vài tháng hoặc 1 năm mà hiệu quả được.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.