Tìm hiểu thật kỹ về các công ty
Có rất nhiều công ty thuộc nhiều ngành khác nhau tuyển thực tập sinh, làm sao bạn biết mình có thích và phù hợp với ngành nghề ấy, công ty ấy hay không? Việc đầu tiên là bạn cần tìm hiểu kĩ về ngành đó và các công ty bạn muốn xin thực tập. Địa chỉ đầu tiên bạn cần ghé thăm tất nhiên là trang web của các công ty. Cũng có thể tìm thông tin tại các trang web chuyên về tuyển dụng và tư vấn việc làm cho sinh viên như www.vault.com; www.wetfeet.com; www.doctorjob.com. Những trang web này rất bổ ích với rất nhiều thông tin về các ngành nghề và các tập đoàn hàng đầu thế giới và cả ý kiến của các sinh viên đã và đang xin việc chính thức hoặc thực tập. Bên cạnh đó, có thể tìm thông tin tại phòng giới thiệu việc làm của trường (Career service center). Cũng có thể gặp gỡ với nhà tuyển dụng khi họ tổ chức các chương trình tham quan trụ sở, buổi nói chuyện về công ty và nhu cầu nhân lực của họ. Đây là những cơ hội để bạn đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng, tạo ấn tượng tốt và thiết lập quan hệ với những người có trách nhiệm tuyển dụng. Rất có thế lần tiếp theo khi bạn gặp họ chính là lúc họ phỏng vấn bạn đấy! Cuối cùng, đừng quên nguồn thông tin cực kỳ hữu ích từ bạn bè mình.
Chuẩn bị cho các vòng thi tuyển
Các công ty có cách tổ chức tuyển dụng khác nhau nhưng thông thường gồm 4 vòng:
Vòng đầu tiên, các nhà tuyển dụng sẽ xem thư xin thực tập hoặc bản đăng ký thực tập theo như mẫu trên trang web của họ rồi chọn ra những thí sinh vào tiếp vòng hai. Để không bị loại ngay từ vòng đầu, hãy cẩn thận khi viết thư xin thực tập hay khi điền vào mẫu hồ sơ của công ty. Tuyệt đối nên tránh mắc lỗi chính tả hoặc ghi sai tên công ty. Phụ kiện quan trọng là: kết quả học và các hoạt động ngoại khoá mà mình tham gia.
Ở vòng thi thứ hai, các bạn có thể sẽ phải làm bài kiểm tra toán và ngôn ngữ trên máy tính. Cái này không khó nhưng phải làm trong thời gian ngắn, thường là 30 phút cho 25 câu. Có thế làm quen với các bài kiểm tra này trên trang web www.shldirect.com.
Vòng thi thứ ba thường là một cuộc phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại với nội dung xoay quanh các khả năng: làm việc theo nhóm, tư duy độc lập, thuyết phục người khác, tổ chức lãnh đạo… Hãy chuẩn bị trước những gì có thể để tự tin hơn.
Nếu qua được cả ba “cửa ải” trên, bạn sẽ bước vào vòng thi cuối cùng. Vòng thi này kéo dài cả ngày hoặc nửa ngày với nhiều phần thi khác nhau, từ kiểm tra toán và ngôn ngữ đến thảo luận nhóm, giải quyết độc lập một vấn đề, thuyết trình và các cuộc phỏng vấn. Phần giải quyết vấn đề độc lập, rất nhiều thông tin của một vấn đề được đưa ra và đòi hỏi bạn tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Có thể phải thuyết trình giái pháp của mình với ban giám khảo. Phần thảo luận nhóm cũng tương tự như giải quyết vấn đề độc lập, điểm khác là bạn làm việc cùng 3 hay 4 thí sinh khác. Nên trình bày ý kiến của mình rõ ràng, mạch lạc cũng như bình tĩnh giải thích ý kiến của mình khi bị phản bác thay vì luôn cố chứng tỏ mình nổi trội nhất. Qua các bài thi ở vòng cuối cùng, ngoài việc kiểm tra trình độ và các kỹ năng của bạn, nhà tuyển dụng còn muốn kiểm tra xem bạn có khả năng làm việc với cường độ lớn và căng thẳng hay không và bạn có hoà đồng với những người xung quanh không.
Những lưu ý quan trọng:
Trung thực: Hãy trung thực từ khi bắt đầu nộp hồ sơ đến khi dự phỏng vấn, đừng cố “lòe” nhà tuyển dụng với những gì mình không thực sự hiểu. Đó cũng là cách để bảo vệ mình khi bị hỏi ngược.
Đừng “nhân bản” hồ sơ xin thực tập: Đừng gửi một hồ sơ đến tất cả các nhà tuyển dụng, nên chuẩn bị thật kỹ mỗi bộ hồ sơ cho một công ty để thể hiện sự quan tâm của bạn dành cho công việc ở đó.
Nên gửi hồ sơ sớm: Hầu hết các công ty thường nhận hồ sơ từ tháng 10 đến giữa cuối tháng 2 nhưng cũng có thể kết thúc sớm hơn. Nên nộp đơn sớm để không bị mất cơ hội khi nhà tuyển dụng đã hoàn thành xong việc tìm người.
Hoàng Hà Minh
(Sinh viên trường Học viện Kinh tế Chính trị Luân Đôn, thực tập viên Citigroup tại Canada)
Bình luận (0)