Tìm đầu ra cho tro xỉ của nhiệt điện than

23/06/2018 08:00 GMT+7

Chủ trương phát triển vật liệu không nung để giải bài toán tro xỉ của nhiệt điện đã có từ lâu, song việc chậm có quy chuẩn đã làm cho việc này gần như giẫm chân tại chỗ khiến doanh nghiệp “than trời”.

Nguy hại hay không nguy hại ?
“Chính sách thì muốn sử dụng tro xỉ rộng rãi. Nhưng trong Nghị định 38 do Bộ TN-MT chủ trì xây dựng vẫn dùng cụm từ “tro xỉ là chất thải nguy hại”. Cho nên doanh nghiệp rất khó sản xuất, xuất khẩu. Chúng tôi kêu rất nhiều nhưng không thấu”, ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường, đã phải thốt lên như vậy tại hội nghị về tiêu thụ tro xỉ tại Hà Nội giữa tuần rồi.
Theo ông Mát, sau 8 năm đưa ra chủ trương phát triển vật liệu không nung, thì hiện vẫn còn tới 18 tỉ viên gạch nung được sản xuất mỗi năm, trong khi tỷ lệ vật liệu không nung vẫn rất khiêm tốn, gần như giẫm chân tại chỗ. Ông kể, từ năm 2010 đã đầu tư tổ hợp sản xuất vật liệu không nung bằng tro xỉ của Nhiệt điện Phả Lại song “đi đầu nên rất khó khăn”. Dù cất công sang nhiều nước để khảo sát thì thấy đa phần họ làm rất tốt. Ví dụ khảo sát tại 17 tỉnh của Trung Quốc thì họ tận dụng tro xỉ trong sản xuất vật liệu không nung rất thành công. Malaysia, Thái Lan đã tận dụng được 80% tro xỉ vào làm phụ gia cho bê tông, xi măng, gạch không nung... “Nếu chủ trương nhà nước sử dụng và có những chế tài quyết liệt thì vấn đề tro xỉ sẽ được giải quyết, song chúng ta nói mà không làm”, ông nhìn nhận.
PGS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt VN, cũng dẫn chứng, tại Phúc Kiến (Trung Quốc), các nhà máy điện không hề tồn tro bay vì địa phương này có đến 40 nhà máy cơ khí làm gạch không nung với mỗi dây chuyền chỉ 8 công nhân vận hành nhưng công suất lên tới 12 triệu viên/năm. Theo PGS Nghĩa, nếu VN có thể tận dụng tro bay để làm gạch không nung thì tới năm 2030 đủ để làm được 12 tỉ viên gạch trong bối cảnh nhu cầu thị trường là 70 tỉ viên. Bên cạnh đó, tro bay có thể làm bê tông đầm lăn trong đập thủy điện, làm nền đường...
Bãi xỉ của nhiệt điện Vĩnh tân
Bãi xỉ của nhiệt điện Vĩnh tân
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực VN (EVN), cho rằng tro xỉ không phải là nguồn chất thải nguy hại, có thể đưa vào sản xuất vật liệu không nung và thực tế việc tiêu thụ tro xỉ tại miền Bắc rất khả quan. Ông Tài Anh tính toán, hiện nhu cầu thị trường gạch là 24 tỉ viên/năm, nếu gạch không nung đạt 19 tỉ viên/năm thì toàn bộ lượng tro xỉ hiện có là không đủ. “Rõ ràng thị trường tiêu thụ rất lớn nhưng chúng ta đang vướng cơ chế, chính sách”, ông Tài Anh nói. Tại hội thảo, đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường (Bộ Công thương) cho hay đã kiến nghị Bộ TN-MT khi sửa Nghị định 38 tới đây sẽ không coi tro xỉ là chất thải nguy hại và đã được cơ quan quản lý môi trường đồng ý.
Phải làm thật
Đại diện Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, tro xỉ nhà máy nhiệt điện nếu làm gạch không nung sẽ giúp bảo vệ môi trường thứ cấp. “Muốn vậy, phải đẩy mạnh sản xuất vật liệu không nung. Đây là mấu chốt mà Bộ Xây dựng phải giải quyết”, ông nói.
Gạch không nung được làm từ tro xỉ của nhiệt điện than
Gạch không nung được làm từ tro xỉ của nhiệt điện than
Ông Kiều Văn Mát nhấn mạnh: Các nước đưa về quy chuẩn như làm xi măng theo tiêu chuẩn nào, vật liệu xây dựng theo quy chuẩn nào. “Bởi nếu không có, giả như xảy ra sự cố công trình sẽ gây hệ quả khiến người dân không tin nữa, như thế là không công bằng. Bộ Xây dựng cần soát xét lại, đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể tro xỉ như thế nào được làm vật liệu xây dựng, phụ gia bê tông, xi măng... để đảm bảo công trình sau này ổn định, bền vững”, ông Mát kiến nghị.
Tỏ ra sốt ruột vì lộ trình chuyển đổi vật liệu nung sang không nung đã 8 năm rồi mà “tới giờ vẫn loay hoay ngồi bàn”, ông Mát nói: Đã tới lúc làm thật, làm đúng, chuẩn và quyết liệt. “Chúng ta đã có quyết định của Thủ tướng rồi nhưng phải giao trách nhiệm rõ ràng, ví dụ Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý sử dụng chất lượng sản phẩm thì phải có quy định rõ ràng, chứ cứ nói chung chung thì không ai chịu trách nhiệm rồi tới khi bài toán tro xỉ không giải quyết được”, ông lo ngại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.