Tìm động lực khi học nghề

24/11/2012 03:00 GMT+7

Phần lớn học sinh cho rằng cùng đường mới phải học nghề. Mấy ai biết rằng không ít học viên tốt nghiệp các trường nghề có thu nhập rất cao và thành công trong cuộc sống.

Phải gọi điện mời đi thi

Học sinh (HS) trường nghề thường có tâm lý chán nản, không chịu học, không có động lực phấn đấu. Vì thế tình trạng bỏ học, rơi rụng từ đầu năm học cho tới lúc ra trường nhiều đến mức ngạc nhiên.

Vào năm 2007, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng bắt đầu tuyển khóa nghề đầu tiên. Trong 800 HS vào học thì hết năm đầu chỉ còn lại 200 em. Tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, có thời điểm lên tới 60% HS bỏ ngang. Số lượng HS bỏ học hằng năm của Trường TC Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh cũng hơn 50%.

Ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, chia sẻ: “Tại trường, có khoảng 30% HS rơi rụng. Tỷ lệ HS bỏ học cao vì các em chưa có động cơ học tập. Khi khảo sát thì có 15% trong số đó nói muốn thi lại ĐH, một số thì chúng tôi biết đi học chỉ vì được hoãn nghĩa vụ quân sự, còn đa số là học vì gia đình, chứ chưa xác định học đàng hoàng để sau này ra trường sẽ có một nghề để kiếm sống”. Ông Hạnh buồn bã, rất nhiều trường hợp đến ngày thi mà các em bỏ ngang, giáo viên chủ nhiệm phải gọi điện mời, thuyết phục đi thi nhưng chưa chắc các em đã chịu đi”.

Thợ giỏi không lo thất nghiệp

Nguyễn Tấn Lộc tốt nghiệp nghề điện lạnh của Trường TC nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương. Hiện thu nhập của Lộc hơn 20 triệu đồng/tháng, lo được lương tháng cho thêm 5 nhân viên. Trước khi quyết định học nghề, Lộc đã thi đậu Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên không thể theo học. Sau 2 năm kết thúc trung cấp nghề, Lộc đi làm thuê một thời gian để học hỏi kinh nghiệm, vững vàng tay nghề và tạo lập mối quan hệ. Do nhanh nhẹn, lại xác định gắn bó với nghề này lâu dài nên Lộc lăn xả vào công việc, không ngần ngại vất vả, nặng nhọc, gạt bỏ hết tự tin, mặc cảm. Khi được trả mức lương 5,5 triệu đồng/tháng, Lộc bắt đầu dừng lại công việc làm thuê đứng ra thành lập doanh nghiệp nhỏ về lắp đặt, bảo trì điện lạnh với số vốn vài trăm triệu đồng và quản lý 5 nhân viên. Lúc cao điểm, nhiều khách hàng cùng lúc thì Lộc lại thuê thêm nhân viên từ các đơn vị khác.

Lộc tâm sự: “Lúc đi học, trong lớp em có tới 2/3 các bạn chán nản, coi việc học là tạm bợ, rất ít người xác định được học nghề thì cũng có thể kiếm sống và thành công. Lúc đó em đã nghĩ rằng nếu mình không học thì không có tương lai. Dù đây là một xuất phát điểm thấp, nhưng em đã có một công việc ổn định và lo được cuộc sống của mình, giúp đỡ cha mẹ. Hiện em đang tiếp tục học chương trình ĐH từ xa của ĐH Đà Nẵng và học thêm một lớp kế toán tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM để có thêm kiến thức phát triển doanh nghiệp”.

Không chỉ Lộc, rất nhiều HS học các nghề rất cần nhân lực hiện nay như hàn, cơ khí, điện - điện tử… đều có thu nhập khá. Phước Nghĩa - bạn học của Lộc mặc dù không mở doanh nghiệp nhưng cũng có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Nghĩa làm nhân viên lắp đặt một công ty nhưng do nhanh nhẹn nên cậu được khách hàng ký hợp đồng bảo trì riêng…

Vẫn luôn thiếu lao động nghề

Theo số liệu của Tổng cục Dạy nghề, cơ cấu lao động qua đào tạo của Việt Nam trong những năm gần đây là 1:3 (1 sinh viên tốt nghiệp ĐH thì có 3 HS tốt nghiệp trường nghề), trong khi tại các nước tiên tiến trong khu vực tỷ lệ là 1:10.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM (Hepza), cho biết, dù thời điểm này nhiều doanh nghiệp đang hoạt động khó khăn, nhưng lao động tốt nghiệp TC-CĐ ở các ngành nghề như hàn, điện - điện tử, cơ khí, dệt may, chế biến thủy hải sản… vẫn luôn luôn cần.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.