Theo báo cáo của Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), tăng trưởng của ngành chế biến gỗ hiện nay chủ yếu dựa vào xuất khẩu nhưng phần lớn lại chỉ là gia công, phụ thuộc vào sự đặt hàng và thiết kế mẫu mã từ nước ngoài. Bên cạnh đó, do chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp (DN) lâm nghiệp và DN chế biến, nguồn nguyên liệu gỗ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nên các DN bị động trong sản xuất kinh doanh.
Việc thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn vay dài hạn nhằm đổi mới công nghệ, dây chuyền thiết bị chế biến và nâng cấp nhà xưởng đã gây khó khăn lớn đối với các DN trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay.
Ngoài ra, công nghiệp phụ trợ cũng chưa phát triển tương xứng với ngành chế biến gỗ. Đặc biệt, việc sản xuất sản phẩm keo kết dính chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của các DN sản xuất ván nhân tạo, trong khi loại phụ gia này khi nhập khẩu lại liệt vào danh mục “nhóm sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng” nên gây khó khăn cho DN khi nhập khẩu.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết: “Áp lực giá cả đầu vào hiện nay ngày càng tăng. Thời gian qua để có được nguồn gỗ hợp pháp thì hầu như phải tăng giá mua, một số phụ liệu khác do ảnh hưởng giá xăng dầu cũng tăng lên trong khi phải cạnh tranh tiêu thụ ở bối cảnh suy thoái nên rất khó tăng giá đầu ra”.
Theo ông Thắng, xuất khẩu đồ gỗ VN mới chỉ chiếm khoảng 2%, tương đương 5,17 tỉ USD trong tổng giá trị giao dịch đồ gỗ toàn thế giới. Vì vậy vẫn có khả năng tăng trưởng lên 15-20 tỉ USD trong 10-15 năm tới. Giải pháp quan trọng nhất là phải ổn định được nguồn nguyên liệu, giảm lệ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Mới đây Bộ NN-PTNT đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sản lượng gỗ rừng trồng phải trên 22 triệu m3/năm.
Quang Thuần
>> 3.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp chế biến gỗ
>> Doanh nghiệp chế biến gỗ lao đao
>> Ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Trước nguy cơ bị kiện chống bán phá giá
Bình luận (0)