Tìm kho báu theo... cơ duyên

21/06/2011 00:27 GMT+7

Tôi gặp ông Nguyễn Hồng Công lần đầu tiên ở Bảo tàng Quảng Bình khi ông về báo tin cho người lên lấy kho báu. Lúc đó ông gầy nhom, xanh lét, thỉnh thoảng lại ho sù sụ... Không ngờ ông lại có một sức sống mãnh liệt đến thế.

Ông Nguyễn Hồng Công sinh năm 1952, quê ở Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa; lúc đó ông nói ông đang thường trú tại 1011 đường Tân Khai, quận Tân Bình, TP.HCM.

 

Ông Nguyễn Hồng Công trong lòng núi Hóa Sơn năm 1997 - Ảnh: N.T.T 

Ông nhập ngũ năm 1971, sau ngày thống nhất ông chuyển sang bộ đội biên phòng, xuất ngũ với quân hàm thượng úy. 

Tôi nhớ câu đầu tiên tôi hỏi ông liên quan đến cơ sở để ông tiến hành tìm kho báu, rằng có phải ông có được tấm bản đồ có thông tin về kho báu của vua Hàm Nghi do một người bà con là thủy thủ tàu viễn dương sang Paris tìm được, về trao lại... Ông Công cười, một nụ cười khó hiểu, rồi nói, đại để, ông đi tìm kho báu là vì một cơ duyên, không hề có bản đồ, sơ đồ gì cả.

Tại sao kho báu của vua Hàm Nghi lại có thể được chôn giấu ở vùng núi Hóa Sơn? Trong bài viết trên Thanh Niên trước đây, chúng tôi đã đề cập đến cả chuyện trong và ngoài chính sử. Năm 1885, sau thất bại kháng Pháp ở Huế, vua Hàm Nghi mới 14 tuổi cùng Đại thần Tôn Thất Thuyết dẫn đoàn tùy tùng ra Tân Sở (Quảng Trị). Bị giặc Pháp truy đuổi, đoàn tiếp tục băng rừng ra Minh Hóa (Quảng Bình). Theo tập san B.A.V.H mô tả thì khi vua đến tổng Thanh Lạng, bô lão và chức sắc trong vùng đến yết kiến. Cùng đi còn có Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn (Đề Soạn). Đoàn hộ tống khiêng 50 thùng lớn (mà sau này nhiều người đoán trong đó chứa các vật quý) cùng nhiều thứ chở trên 5 thớt voi, 3 ngựa, có 100 lính gươm súng đi kèm. Thoạt đầu, vua ở nhà ông Đinh Hiền, sau đó đến Khe Ve (cách thị trấn Quy Đạt của huyện Minh Hóa ngày nay 5 km) ở tại nhà ông Đinh Xớn. Tại Khe Ve, quân sĩ xây thành đắp lũy để kháng Pháp. Những dấu tích như đồn Thác Dài, hang Quan Tán, hang Vua... hiện vẫn còn.

Nhiều tư liệu ghi lại rằng, những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, một người đi rừng ở Dân Hóa (Minh Hóa) phát hiện ra hai đống kim loại màu vàng nằm cách nhau một chiếc đòn gánh (người ta bảo do người gánh chết), ông lấy về lát hiên nhà thay cho gạch, sau mới biết đó là vàng. Ít lâu sau, mưa lũ làm bật gốc một cây cổ thụ để lộ rất nhiều vàng. Được tin, Ty Văn hóa Quảng Bình cho người lên thu lại.

Lại có người già ở vùng này kể rằng, mùa lũ năm 1956, nước lên to, suối Dương Câu chảy xiết. Cha con ông Đinh Phát đi xúc cá bỗng thấy từng thỏi kim loại vuông vắn khắc chữ Hán, rồi những lá trầu vàng, quả cau vàng, gươm, đồ nữ trang... lộ ra dưới một gốc cây cổ thụ ven bờ suối. Biết là của quý, ông bèn huy động anh em trong nhà ra lấy về.

 

Căn lều nơi ông Công đang ở để tiếp tục tìm "kho báu" - Ảnh: Đinh Vũ Thường 

Tin đồn nhanh chóng lan truyền khắp nơi, bà con tập trung ra suối Dương Câu tìm, nghe đâu cũng có người nhặt được vàng. Một thời gian ngắn sau, tỉnh, huyện cử đội công tác đặc biệt về tuyên truyền, vận động nhân dân nộp lại vàng bạc cho chính quyền, vì đó là tài sản của quốc gia. Đồng bào đã nộp hết cho chính quyền... Chuyện này ông Lê Văn Khuyên, nguyên Phó ty Văn hóa, xác nhận là có.

Ông Công lúc đi bộ đội biên phòng đã ở vùng này. Sau phục viên thì vào TP.HCM. Có người nói lúc đó ông đã được nhiều vàng nên sau này mới quay ra lại. Nhưng ông Công thì kể, vợ chồng ông tích cóp tiền bạc, vay mượn bà con, theo bạn đi buôn trầm, lần ngược lên tận Minh Hóa, Tuyên Hóa... Buôn trầm mất sạch vốn liếng, ông nghĩ, mình không có duyên buôn bán nhưng vùng đất Hóa Sơn này như đã thân thuộc với ông lắm rồi, nó đã từng hiển hiện trong giấc mơ của mẹ ông, đã gắn cho ông một “cơ duyên” tiền định. Trong những ngày tìm trầm, buôn trầm, ông Công đã phát hiện một viên đá, trên đó có khắc chìm chữ “Vương” (bằng chữ Hán). Ông đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu viên đá. Quay ngược rồi quay xuôi, xem chất đá, chất đất nơi tìm ra nó. Ông cho rằng nó có thể là một dấu hiệu, một điểm mốc, cũng có thể là một sơ đồ chỉ hướng, để từ đó vào kho báu.

Khoảng năm 1982-1983, trước đề xuất của ông Công về việc tìm kho báu của Vua Hàm Nghi, UBND tỉnh, huyện và các ngành chức năng đã tổ chức huy động lực lượng đông đảo tiến hành đào tìm dưới sự chỉ dẫn của ông Công. Song, càng tìm, càng không thấy tăm hơi kho báu đâu cả. Hai tuần sau, tỉnh, huyện rút người về. Dù còn lại một mình, ông Công vẫn tiếp tục tìm kiếm. Ông đào, hết đường hầm này lại chuyển sang đường hầm khác, tất cả đều xuất phát từ bờ suối xuyên vào lòng núi... Không thấy kho báu. Lại nghĩ ngợi, tính toán, phán đoán xem kho báu ở đâu.

Đã nhiều lần ông gục ngã trong hầm, ngất đi vì kiệt sức. Tỉnh dậy, bò ra, may mà có người đi rừng nhìn thấy. 

Mãi đến năm 1987, ông thông báo đã thấy kho báu và tỉnh Bình Trị Thiên lập tức cử một đoàn có cả người mang máy bơm nước, y sĩ, công an, cán bộ văn hóa… để đi lấy vàng, nhưng rốt cục thì như bài trước đã kể, không có gì!

Phải nói, ông Công nói chuyện rất hấp dẫn, đặc biệt mới nghe ông phân tích thì rất logic, nhưng nhiều lần tiếp xúc mới nhận ra ông ngụy biện, tự phủ dụ mình.

Có lần tôi tranh luận với ông: “Thứ nhất, vua và đoàn tùy  tùng chỉ có 5 thớt voi, 3 con ngựa, lại phải mang theo đồ dùng, lương thảo, vũ khí, vậy kho báu thì được bao nhiêu? Thứ hai, không có ai chôn vàng rồi khắc chữ Vương lên trên đá làm dấu. Khác chi lạy ông tôi ở bụi này? Thứ ba, lúc đó, Pháp và tay sai đang đuổi rát, lo chạy chưa xong hơi đâu đào vào lòng núi hiểm trở như thế để cất vàng? Nhân lực đâu mà đào? Có giấu lúc đó người ta cũng “giấu thế”, tức là giấu đơn giản nhưng tìm không đơn giản?”.

Ông Công không cãi nhưng nhất định không chịu. Thời điểm đó ông Công đã đào đến hàng vạn mét khối đất đá. Cuộc tìm kho báu kéo dài ròng rã gần 30 năm. Kết quả: ông tìm được một cục tròn bằng kim loại giống quả đạn súng thần công; 2 tấm đá có đường vân ngoằn ngoèo mà ông cho là những ký tự cổ, không đọc được, nhưng ông nói ông hiểu “nó nói gì”. Một viên đá được đưa về đặt ở hiên Bảo tàng Quảng Bình, ai nhìn cũng nói: chỉ là… viên đá!

Năm 2006, một đoàn PV lên gặp, hỏi ông, ông nói: “Theo tính toán của tôi, chỉ khoảng 3 năm nữa công việc hoàn thành!”.

Tới nay thì cái thời hạn của ông đã qua lâu rồi!

Nguyễn Thế Thịnh - Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.