Tìm lại dấu xưa: Già Ba Tri 'không phải mạnh ăn, nhiều vợ'

Hoàng Phương
Hoàng Phương
05/03/2024 06:56 GMT+7

Theo Thái Hữu Võ trong Phan Thanh Giản truyện in tại Sài Gòn năm 1927, ở trấn Vĩnh Long, người ta thường nghe kẻ nào lớn tuổi mà còn mạnh ăn, nhiều vợ là ông già Ba Tri.

Chính vì vậy mà Kinh lược sứ Phan Thanh Giản phải giải thích lại rằng già Ba Tri là người già mà quắc thước, can đảm, người có công sửa làng, giúp nước, lập chợ, mở đường, chớ không phải người già mà ăn nhiều và lắm vợ.

Ba người khách lạ trong đêm

Sách xưa chép rằng, vào thời Lê Cảnh Hưng thứ ba (1742) có người tên Thái Hữu Xưa, quê ở phủ Tư Nghĩa, đưa gia đình vào Ba Tri (nay thuộc tỉnh Bến Tre) khai phá rừng lập nghiệp. Bấy giờ, dân cư vùng này còn thưa thớt, chưa thành một làng nên gọi là trại. Thái Hữu Xưa được cử làm chức cai trại, lo việc thu thuế. Con trai ông là Thái Hữu Chư giỏi võ nghệ, được cử làm chức quản trị, lo việc an ninh.

Đến năm 1759, có chỉ dụ cho lập làng. Thái Hữu Xưa xin đặt Ba Tri Cá trại thành làng An Bình Đông và được cử làm thủ khoán, Thái Hữu Chư làm chức tri thâu. Bấy giờ, xứ Ba Tri còn có một người tên là Trần Văn Hạc, làm chức cai việc.

Tìm lại dấu xưa: Già Ba Tri 'không phải mạnh ăn, nhiều vợ'- Ảnh 1.

Đền thờ Phan Thanh Giản ở Ba Tri

Hoàng Phương

Một buổi tối tháng 10 năm 1787, có 3 người khách lạ lạc bước tới xứ Ba Tri. Họ đến chợ Mỹ Lồng rồi đi xuồng nhỏ vào vùng Tân Hào, định băng qua vùng biển Ba Tri thì bị lạc vào một con rạch cùn, còn gọi là ngã ba Lạc. Ban đêm, nhìn thấy ánh đèn le lói phía trước, họ nhắm hướng lội bộ tới gõ cửa xin ở tạm nhà của một nông dân tên là Trương Tấn Khương, làng Hiệp Hưng (xã Hưng Lễ và Hưng Nhượng thuộc H.Giồng Trôm, Bến Tre bây giờ). Sáng hôm sau, 3 người khách lạ được chủ nhà đưa tới một cái chòi ruộng, cách nhà chừng một cây số, để ở với con trai ông là Trương Tấn Bửu. Họ chính là chúa Nguyễn Ánh và 2 tùy tùng, đang bị quân Tây Sơn truy đuổi.

Một hôm, Trương Tấn Bửu cùng với 3 vị khách đi xuồng định ra sông Hàm Luông thì bất ngờ gặp lính tuần tiễu Tây Sơn. Họ nhanh chóng lủi vào cái ụ ghe của Trần Văn Hạc, một cai việc trong làng. Vốn chỗ quen biết, tin cậy, nên Bửu tiết lộ cho Hạc biết thân phận của mấy người khách lạ. Gần nhà Hạc có một cù lao nổi giữa sông Hàm Luông, gọi là Cồn Đất, cây cối hoang vu. Để giữ bí mật và an toàn, hằng ngày từ sáng sớm Hạc bơi xuồng đưa chúa lên Cồn Đất ở tạm, đến tối đón về. Nhưng vì đường lên cồn phải qua bãi bồi sình lầy, chúa Nguyễn không thể đi được nên mỗi khi Hạc bơi xuồng tới bờ sông thì phải cõng chúa lội qua bãi bồi. Mỗi ngày đi về hai bận.

Trong thời gian Nguyễn Ánh ở Cồn Đất, mỗi ngày, tri thâu Thái Hữu Chư sai con trai là Thái Hữu Kiểm mang cơm nước tới dâng cho chúa. Lúc đó, Kiểm được chúa phong chức trùm cả làng An Bình Đông. Cũng tại đây, chúa biết tới trái bần, loại cây hoang dã mọc dưới nước dọc theo bãi bồi và đặt lại tên là "thủy liễu". Trong khi đó, Trương Tấn Bửu có nhiệm vụ lui tới khắp vùng để chiêu mộ nghĩa dõng, tìm người giúp chúa. Đến khi Nguyễn Đức Xuyên sang Gò Công thu phục được Võ Tánh với đạo quân Kiến Hòa, chúa Nguyễn kéo quân về Hồi Oa - Nước Xoáy, thuộc làng Long Hưng, tỉnh Sa Đéc.

Sau khi chiến thắng Tây Sơn và lên ngôi vua, Gia Long muốn phong chức nhưng Trần Văn Hạc không nhận. Để tỏ lòng tri ân cai việc Hạc đã hết lòng phục vụ, bảo vệ mình trong lúc bôn tẩu, vua đã ban cho Hạc kim bài miễn tử, đồng thời cho Hạc được hưởng huê lợi ở các cù lao trên sông Hàm Luông chạy dài từ mỏm cù lao Bảo ra tới cửa biển.

Tìm lại dấu xưa: Già Ba Tri 'không phải mạnh ăn, nhiều vợ'- Ảnh 2.

Chợ Ba Tri

Hoàng Phương

Già Ba Tri lội bộ ra kinh đô

Theo Nguyễn Duy Oanh (tác giả Bến Tre trong lịch sử Việt Nam), vào năm 1802, Thái Hữu Kiểm bắt được hoàng tử Nguyễn Lân, con của Nguyễn Nhạc, tại làng An Hòa Tây, H.Bảo An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Ba Tri, Bến Tre). Bấy giờ, Lân giả dạng thường dân mang tên Thể, mai danh ẩn tích tại đây nhưng lại mê đá gà, nên còn gọi là Thể Gà. Do vậy mà lộ tung tích, bị bắt giải về kinh.

Năm Gia Long thứ 5 (1806), Thái Hữu Kiểm lập chợ Ba Tri rồi cho đắp hai con đường từ Ba Tri đi Vĩnh Đức Trung và từ Ba Tri đi Phú Lễ. Nhờ vậy mà chợ Ba Tri ngày càng phồn thịnh, sung túc. Trong khi đó, ở khu vực này còn có một ngôi chợ khác, được lập trước, gọi là "Chợ Ngoài" ở làng An Hòa Tây, cách chợ Ba Tri chừng 3 cây số, ngày càng thưa thớt. Thời bấy giờ, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường sông. Thế là Xã Hạc huy động dân đắp đập ngăn rạch khiến ghe xuồng từ sông Hàm Luông không thể vào chợ Ba Tri được nữa (theo Nguyễn Duy Oanh, Xã Hạc không phải là cai việc Trần Văn Hạc).

Bất bình trước việc làm của Xã Hạc, Thái Hữu Kiểm dắt dân lên huyện, lên phủ kiện. Nhưng tới đâu ông cũng bị thua vì lý lẽ của quan trên: "Người ta đắp đập trong địa phận làng người ta mà kiện cáo cái gì". Quyết không chịu thua và cũng không chờ tới mùa ghe bầu từ Nam ra, Thái Hữu Kiểm quyết định cùng với 2 kỳ lão trong làng là Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi chuẩn bị khăn gói, gạo mắm, tiền bạc rồi cùng đi bộ ra tận kinh đô Huế để khiếu nại.

Thời điểm này, vua Gia Long đã băng hà, Minh Mạng vừa nối ngôi. Nhưng ngài từng nghe chuyện gian lao của vua Gia Long thời bôn tẩu ở đất Nam kỳ, biết tiên đế từng được dân Ba Tri, trong đó có Thái Hữu Kiểm hết lòng giúp đỡ. Vì vậy ngài truyền cho ba người vào hỏi han sự tình rồi truyền chỉ: "Dù làng riêng nhưng rạch thì chung. Quan phủ, huyện phải xuống coi phá đập". Cũng từ đó người ta còn gọi chợ Ba Tri là chợ Đập. Dân làng thì kính phục, gọi trùm cả Thái Hữu Kiểm là ông già gân, già Ba Tri, một nhân vật có thật trong lịch sử. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.