Tìm thấy đoạn thành thời Lê

02/02/2013 03:05 GMT+7

Khai quật đê Bưởi, nút Cầu Giấy, Hà Nội đã làm xuất lộ một đoạn thành được cho là từ thời Lê, từng được chép trong sử sách.

Hố khai quật tại đê Bưởi nằm đối diện với cổng của công viên Thủ Lệ và được đào sát đường. Quyết định đào sát đường đã đem lại một đoạn thành phát lộ khá rõ ràng. Trước đó, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học từng có ý định đào lùi vào khoảng 1 m vì sợ đường sạt lở. Tuy nhiên, việc vẫn quyết đào sát mép đường đã mang lại một kết quả nghiên cứu hơn mong đợi.

Hố khai quật có độ sâu ở chỗ sâu nhất lên tới 10 m. Địa tầng di tích dày 8,5 m. Trên đó, 11 lớp đất chồng lên nhau. Lớp thứ nhất là đất lẫn nhiều vật liệu xây dựng, rác sinh hoạt để san lấp mặt bằng bãi đỗ xe Bưởi năm 2005. Lớp thứ hai là đất phù sa nâu sẫm. Lớp thứ ba hình thành khi người Pháp làm đường giao thông qua đây. Lớp thứ tư có lẫn hiện vật gạch ngói thời Lê - Nguyễn, đôi khi lẫn ngói hiện đại. Lớp thứ năm cho thấy hình thành sau thời Lê sơ, khoảng thế kỷ 17-18. Lớp thứ sáu có đất và vật liệu đầm rất chặt và đều. Hiện vật trong lớp này phổ biến hơn cả là hiện vật thời Lê sơ. Nghiên cứu địa tầng, di tích, di vật xuất lộ, qua so sánh với khai quật tại nút giao thông Văn Cao (Hồ Tây) và thư tịch, các nhà khảo cổ nhận định đây là lớp đầm gia cố tường thành thời Lê Thánh Tông. Lớp thứ bảy có lẫn đôi mảnh gạch và ngói xám thời Lê sơ. Lớp thứ tám, được cho là tường thành từ thời Trần đổ về trước và được thời Lê tận dụng xây đắp tiếp lên trên. Lớp thứ chín là đất đầm rất chặt, không chứa di vật khảo cổ. Lớp thứ mười là trầm tích biển, đánh dấu giai đoạn biển tiến cách ngày nay 4.000 - 6.000 năm. Lớp mười một hoàn toàn không có hiện vật.

Tìm thấy đoạn thành thời Lê
Hố khai quật tại Cầu Giấy - Ảnh: Trinh Nguyễn

Các nhà nghiên cứu Viện Khảo cổ học cho rằng có thể thấy rõ mặt ngoài tường thành có độ dốc đứng khá cao, khoảng trên 45 độ. Các lớp đất đắp khá rõ ràng, quy chuẩn. Chân tường thành xưa có thể nằm sát mép sông Tô Lịch nhưng sau này, trải qua sự biến đổi của thời gian, các lớp đất được bồi tụ qua mưa lũ, cùng với sự thu hẹp lòng sông nên chân thành có một khoảng cách với sông.

Cắt tường thành còn cho phép hình dung việc phòng thủ bằng tên đã diễn ra như thế nào. Độ cao của tường thành so với mặt thành - nơi cung thủ đứng bắn -  khoảng 1,5 m. Từ đó, các nhà khảo cổ còn ước đoán, chiều cao của các cung thủ khoảng 1,7 m. “Ta đã thấy đoạn thành thời Lê từng được chép trong chính sử”, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, nói.

Phát hiện lớn nhất từ đợt khai quật là đã làm xuất lộ một lớp thành đắp bằng đất có niên đại thời Lý - Trần. Thành đắp ở giai đoạn này có quy mô to lớn, bề thế, khẳng định La thành Thăng Long ngay từ thời Lý - Trần đã rất được chú trọng xây dựng kiên cố.

“Có thể khẳng định, đợt khai quật nghiên cứu La thành Thăng Long ở địa điểm giao thông nút Cầu Giấy đã thu được nhiều tư liệu quý báu, xác minh bằng những chứng cứ cụ thể, những ghi chép trong chính sử phong kiến rằng La thành Thăng Long được đắp từ thời Lý - Trần”, TS Trần Quý Thịnh, người chủ trì hố khai quật, cho biết. 

 Tìm thấy đoạn thành thời Lê 1
Mộ tại đường Đào Tấn

Mộ cổ đường Đào Tấn

Cũng trong quá trình khai quật tại đường Bưởi, đoạn cắt với đường Đào Tấn đã xuất hiện một đoạn tường thành khác. Tuy nhiên, đoạn này gần giống như dạng móng tường, và không đẹp đẽ, hoàn chỉnh như đoạn ở nút giao thông Cầu Giấy. Điểm đáng chú ý tại Đào Tấn là xuất lộ một mộ cổ. Đây là mộ gạch không có dấu gỗ.

PGS-TS Tống Trung Tín cho biết ngôi mộ có niên đại đời Đường, vì gạch là của thời Đường. Hiện vật trong mộ là hai vò gốm cũng cho thông tin về niên đại thống nhất như vậy. “Lạ ở chỗ, ở đây ta thấy, các cụ xếp gạch lên thành một mộ rất nhỏ, vừa khít với thi thể. Hình xếp gạch cũng khá lạ, không phẳng như ở những mộ khác”, ông Tín nói.

Thạc sĩ Trương Hữu Nghĩa, Phòng Nghiên cứu môi trường và con người, Viện Khảo cổ học, cho biết bộ xương được nằm đúng tư thế giải phẫu. Từ hộp sọ xuống bụng chỉ hơi xô lệch một chút, hộp sọ chỉ còn dấu vết. Điều này cho thấy đây là một thi thể được chôn cất rõ ràng. Về độ tuổi, dựa vào xương răng vẫn còn trên mộ có thể nói là người chết tương đối trẻ, khoảng 18 tuổi trở xuống. Đặc điểm giới tính không được bảo toàn trong mộ nên chưa biết. Chiều cao hiện cũng chưa xác định vì xương chi còn bị đè lên.

Ông Bùi Vinh, Viện Khảo cổ học, cũng cho biết: Tìm thấy trong mộ tiền ngũ thù là tiền thời Hán có chữ. Gạch được kè lại thành một quan tài bằng gạch đứng xung quanh. Kiểu xếp này có thể tiết kiệm được vật liệu. Tuy nhiên, có thể bên trong vẫn có quan tài gỗ dù không thấy, bởi đã phát hiện đinh được cho là đinh quan tài.

Các nhà khoa học có một số quan điểm trái ngược về việc vì sao ngôi mộ này lại xuất hiện ở đoạn thành. Có người cho rằng mộ có sau, cũng có người cho rằng trước đây là mộ địa, và thành được đắp phủ lên đó. Tuy nhiên, theo TS Trần Quý Thịnh, khả năng này rất thấp.

Trinh Nguyễn

>> Phát hiện thêm mộ cổ Ai Cập
>> Khai quật mộ cổ Ai Cập 3.000 năm
>> Xôn xao về một “ngôi mộ cổ”
>> Chỉ nữ giới mới mơ có một đám cưới thần tiên?
>> Bí ẩn mộ cổ Hàng Gòn
>> Đăng quang hoa hậu - giấc mơ có thật của tôi 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.