Tìm “vàng” thay đất hiếm

26/10/2010 09:32 GMT+7

Hai thập kỷ sau khi cuộc cạnh tranh toàn cầu khiến các mỏ khoáng sản ở Kosaka của Nhật Bản trở nên cạn kiệt, thị trấn này lại đang phát tài với nguồn “tài nguyên” mới.

Đất hiếm là loại nguyên liệu đóng vai trò hết sức cần thiết đối với các ngành công nghiệp Nhật mà cho đến nay hầu như chỉ đến từ Trung Quốc, nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực khai thác loại khoáng sản này. Những sự cố gần đây với Trung Quốc đã buộc các công ty Nhật nỗ lực tìm nguồn thay thế và điều này đã mở ra cơ hội cho Kosaka, một thị trấn nhỏ ở miền Bắc nước Nhật. 

 “Mỏ vàng”
 
Niềm hy vọng trở lại thời kỳ hoàng kim của ngành khai khoáng của Kosaka không đến từ lòng đất mà từ hoạt động “khai khoáng đô thị”, tức tái chế những kim loại và khoáng chất quý từ kho hàng điện tử đã qua sử dụng của nước này, như điện thoại và máy tính.  

Dowa Holdings, công ty khai khoáng hoạt động tại Kosaka trong hơn một thế kỷ qua, mới đây đã đưa vào hoạt động một nhà máy tái chế với lò luyện cao hơn 60 m để nấu chảy những thiết bị điện tử cũ rồi tách lấy những kim loại và khoáng sản có giá trị. Những linh kiện cũ và hỏng này được thu thập từ Nhật và nhiều nước khác trên thế giới.Theo báo The New York Times (Mỹ), nhà máy có khả năng tái chế 300 tấn vật liệu mỗi ngày và mỗi tấn cho ra khoảng 150 g kim loại hiếm.
 
Ngoài kim loại vàng, công ty con của Dowa - Kosaka Smelting and Refining - đang ăn nên làm ra với việc thu hồi một số kim loại hiếm như indium, được dùng trong màn hình tinh thể lỏng và antimony, dùng trong các thiết bị bán dẫn. Công ty đang phát triển những phương pháp mới để thu hồi các khoáng sản khó khai thác hơn như neodymium, thành phần quan trọng trong bình ắc-quy dành cho ô tô điện và dysprosium, dùng trong vật liệu laser. Đây là những nguyên tố thuộc nhóm đất hiếm.
 
Nỗ lực vượt khó
 
Theo Viện Khoa học Vật liệu Quốc gia Nhật, kho phế liệu điện tử của nước này hiện chứa khoảng 300.000 tấn đất hiếm. Dù lượng đó rất nhỏ so với trữ lượng đất hiếm ở Trung Quốc, việc khai thác nguồn nguyên liệu này cũng giúp Nhật Bản giảm bớt phần nào sự phụ thuộc vào nước láng giềng.
 
Theo các chuyên gia, một số công ty Nhật đã chủ động dự trữ đất hiếm để dùng dần trong nhiều tháng hoặc thậm chí cả năm. Bộ trưởng Thương mại Nhật Akihiro Ohata mới đây cho biết chính phủ nước này đang xem xét lập kho dự trữ đất hiếm để phòng khi có sự cố về thương mại. Theo báo The Mainichi Daily News, các công ty Sojitz và Toyota Tsusho của Nhật đang đàm phán quyền khai thác cerium, một nguyên tố thuộc nhóm đất hiếm dùng để chế tạo màn hình tinh thể lỏng, ở Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Sumitomo của nước này cũng dự định đàm phán với chính phủ Kazakhstan để thu hồi dysprosium từ xỉ quặng uranium.
 
Xứ sở hoa anh đào cũng đang thúc đẩy quy trình sản xuất mới không sử dụng đất hiếm. Cuối tháng trước, Tổ chức Năng lượng mới và Phát triển Công nghệ Công nghiệp cho biết họ phát triển được một loại động cơ dành cho xe lai, sử dụng nam châm ferrite giá thành thấp và sẵn có, thay vì dùng nam châm từ đất hiếm. Chuyên gia Akio Shibata thuộc Viện Nghiên cứu Marubeni ở Tokyo cho rằng ngành công nghiệp Nhật có thể hưởng lợi từ việc nghiên cứu nguyên liệu thay thế đất hiếm và phát triển các phương pháp tái chế.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.