Chính sách không chỉ giảm nghèo mà còn giúp thoát nghèo bền vững.
Đây là ý kiến đánh giá của các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương tại tọa đàm “Chỉ thị số 40-CT/TW - Điểm tựa vững chắc trong hệ thống chính sách giảm nghèo” do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Báo Đại biểu nhân dân tổ chức mới đây.
“Phủ sóng” vốn vay tới thôn bản
Ông Vũ Xuân Cường, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai, tỉnh có tổng hộ nghèo lên tới 90%, cho hay: “Những năm qua, nguồn tín dụng CSXH trên địa bàn đã trở thành nguồn lực quan trọng, ổn định, bền vững và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn lực đầu tư trong giảm nghèo của địa phương. Qua 5 năm, doanh số cho vay hằng năm đạt gần 1.000 tỉ đồng, dư nợ hiện lên tới hơn 2.800 tỉ đồng. Nguồn lực này giúp cho 40.000 hộ trên địa bàn thoát nghèo”.
Cũng đánh giá cao tín dụng chính sách trong thực hiện xóa đói giảm nghèo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho hay, các sở, ngành, cơ quan liên quan của tỉnh này đã có những hướng dẫn cụ thể về chính sách tín dụng để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp, kết hợp với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị - xã hội trên địa bàn... “Nhờ các giải pháp trên, chúng tôi đã xây dựng được 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,2% (năm 2014) xuống còn 7,79%”, ông Chữ nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhìn nhận sau 5 năm, nguồn lực tín dụng chính sách đã tăng đáng kể, nâng toàn bộ nguồn vốn tín dụng cho NHCSXH lên 189.505 tỉ đồng. Nguồn vốn vay đã “phủ sóng” toàn bộ thôn, bản, xã, phường với 10 triệu lượt hộ được vay vốn. “NHCSXH đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, giúp người nghèo xóa nghèo bền vững. Ngoài ra, các chương trình đã giúp cho 19.000 lao động có việc làm, đặc biệt quan trọng nhất có 1,8 triệu hộ thoát được nghèo. Tôi cho rằng, đây là kết quả rất đáng ghi nhận”, ông Lợi nói.
Chuyển từ “cho không” sang “cho vay”
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đến nay vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường đề nghị Nhà nước tập trung vào đầu tư hạ tầng thiết yếu cho những vùng khó khăn; đẩy mạnh phương thức hỗ trợ người dân thực hiện các chương trình mục tiêu từ “cho không” sang “cho vay”, để nâng cao tính chủ động của người dân trong việc vươn lên thoát nghèo, làm giàu và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tư duy sản xuất hàng hóa, tư duy kinh tế thị trường, chủ động trong phát triển kinh tế gia đình.
Để Chỉ thị 40 tiếp tục là “đòn bẩy” cho hộ nghèo, vùng nông thôn khó khăn, ông Lê Viết Chữ cho rằng, cần nhiều hơn nữa các chính sách tạo động lực, truyền thông tuyên truyền để từng hộ nghèo cảm thấy khát khao, có động lực vươn lên thoát nghèo. Họ cảm thấy tự hào khi họ không còn nghèo nữa. “Tôi nghĩ là nên có các chính sách để tăng liều lượng cho vay cho phù hợp. Đơn cử, sinh viên thì tăng mức cho vay lên 2,5 - 3 triệu đồng để có thể đủ chi phí đi học; hoặc các dự án kinh tế có thể tăng lên 100 - 150 triệu đồng, tùy theo điều kiện cụ thể của đề án”, ông Chữ kiến nghị.
Ông Bùi Sỹ Lợi thì đề xuất Chính phủ, Quốc hội mở rộng hạn mức bảo lãnh để phát hành trái phiếu cho NHCSXH tăng nguồn vốn; xem xét ban hành luật Tín dụng chính sách xã hội, coi đây là cơ chế chính sách, để tổng kết, đánh giá trong quá trình thực hiện chính sách.
Năm 2014, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị số 40 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, nhằm phát huy nguồn vốn vay trong các đối tượng, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc NHCSXH, sau 5 năm thực hiện, đã có trên 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 902.000 lao động;…
|
Bình luận (0)