Hiện tại, truyện tranh VN không chỉ được vẽ màu mà còn đưa lên ứng dụng điện thoại di động (app) để bạn đọc dễ dàng tiếp cận.
Comi.mobi là app đọc truyện tranh Việt đầu tiên tại VN với những tác phẩm mới được sáng tác độc quyền như Blue Blood của tác giả TéddiBe, Genie in the hood của họa sĩ Phạm Ngọc Hải Châu, Bad Luck của Châu Chặt Chém và Thuyền này tui không ship của Đặng Nhật Anh. Anh Khánh Dương, người sáng lập Comicola (công ty thực hiện app Comi.mobi), cho biết ý định làm nền tảng đọc truyện tranh trên điện thoại di động nảy sinh từ việc chứng kiến sự bùng nổ của thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc.
|
Chia sẻ về quá trình cho ra mắt một sản phẩm truyện tranh màu, Khánh Dương nói: “Làm truyện tranh màu tốn công sức hơn rất nhiều so với làm đen trắng. Khó khăn của chúng tôi khi xây dựng nền tảng đọc truyện tranh trên điện thoại di động là thuyết phục các họa sĩ sáng tác cho nền tảng này. Họ có sẵn sàng bỏ công việc hiện tại khi có nhiều người đang vẽ cho công ty nước ngoài, nay phải để dành 10 tiếng/ngày lên Comicola? Thật may mắn là sau nhiều tháng thuyết phục, chúng tôi đã có đội ngũ họa sĩ chất lượng cao, tâm huyết và thực sự yêu thích công việc”.
Bên cạnh các đầu sách mới vừa ra mắt, tháng 10 tới, phiên bản tiếng Tây Ban Nha của tác phẩm Long Thần Tướng sẽ ra mắt độc giả tại Madrid. Chia sẻ về chuyện này, anh Khánh Dương nói: “Mặc dù tin tưởng vào chất lượng truyện tranh VN nhưng chúng tôi mong muốn thu phục độc giả trong nước trước rồi mới nghĩ đến việc đi ra thế giới”. Trong khi đó, Trần Duy Nguyễn, Giám đốc Du Bút - công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách về giáo dục và nghệ thuật cho trẻ em - tiết lộ: “Hiện tại có một đơn vị về giáo dục ở Đài Loan đang muốn mua bản quyền cuốn Câu lạc bộ nghiên cứu bí ẩn của tác giả Phan. Chúng tôi đang thương thảo hợp đồng với mong muốn mang truyện tranh VN ra thế giới”.
Có những tín hiệu vui nhưng thị trường truyện tranh VN vẫn cần nhiều điều kiện để có thể phát triển bền vững. Họa sĩ Khánh Dương cho biết: “Trong lần sang Busan (Hàn Quốc) tham dự Festival Webtoon, chúng tôi thực sự bất ngờ trước sự đầu tư của chính quyền thành phố Busan nói riêng và chính phủ Hàn Quốc nói chung khi họ coi truyện tranh là một phần trong chiến lược nâng cao sức mạnh văn hóa của Hàn Quốc trên thế giới. Tôi nghĩ, nếu được quan tâm và ủng hộ đúng mức, truyện tranh VN hoàn toàn có thể có tiếng nói trong khu vực”.
Bình luận (0)