TNO

Hạ viện Nga bàn chuyện quay lại căn cứ quân sự ở Cam Ranh, Cuba

08/10/2016 13:00 GMT+7

(Tin Nóng) Phiên họp Duma quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 7.10 nổi lên chủ đề khôi phục lại các căn cứ quân sự thời Liên Xô ở nước ngoài, trong đó có Cam Ranh (Việt Nam) và Lourdes (Cuba).

(Tin Nóng) Phiên họp Duma quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 7.10 nổi lên chủ đề khôi phục lại các căn cứ quân sự thời Liên Xô ở nước ngoài, trong đó có Cam Ranh (Việt Nam) và Lourdes (Cuba).

Tàu khu trục chống ngầm Nguyên soái Shaposhnikov của Hạm đội Thái Bình Dương từng ghé thăm không chính thức Cam Ranh cùng các tàu dầu Irkut và tàu cứu hộ Alatau từ 17 - 20.6.2014 - Ảnh: Hải quân Nga

Theo TASS ngày 7.10, khi được các nghị sĩ hỏi về vấn đề tái hiện diện quân sự tại Việt Nam và Cuba, nơi Moscow từng có căn cứ quân sự, Thứ trưởng quốc phòng Nga Nikolai Pankov nói "Chúng tôi đang xúc tiến việc này". Tuy nhiên ông không cho biết thêm chi tiết.

Phó Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại thuộc Duma quốc gia, nghị sĩ Alexei Chepa (Đảng Nước Nga công bằng) phát biểu: "Chúng ta cần xem xét lại sự hiện diện ở các khu vực trên thế giới. Tôi tin rằng  lợi ích quốc gia của Nga cần được khôi phục ở các căn cứ quân sự đã đóng cửa tại Mỹ Latin, Đông Nam Á và châu Phi".

Ông còn nói thêm rằng việc bố trí quân đội Nga ở nước ngoài là nhằm ngăn ngừa các hoạt động quân sự chống lại các nước bạn của Nga. "Nga là nhà bảo vệ nhân quyền, trái với Mỹ có hơn 650 căn cứ quân sự ở nước ngoài nhằm thiết lập sự kiểm soát địa chính trị trên toàn cầu".

Đồng quan điểm này, nghị sĩ Oleg Nilov, phó chủ tịch đảng Nước Nga công bằng nói với báo chí ngày 7.10 rằng Nga nên quay lại các căn cứ quân sự ở Cuba và Việt Nam "để chống các mối đe doạ với thế giới như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)".

Theo Reuters, phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov khi được Interfax hỏi về vấn đề này đã không bác bỏ cũng chẳng xác nhận, mà chỉ nói lấp lửng rằng "Tình hình toàn cầu không đứng yên mà đang chạy. Bạn có thể thấy rằng hai năm qua đã có nhiều thay đổi đáng kể đối với các vấn đề an ninh quốc tế. Vì vậy, hiển nhiên rằng các quốc gia sẽ đánh giá những thay đổi này phù hợp với lợi ích quốc gia của họ và thực hiện các bước đi nhất định theo cách mà họ cho là phù hợp".

Tranh vẽ hoạt động của Hải quân Liên Xô thời gian đóng quân ở Cam Ranh những năm 1980

Trao đổi với trang tin Chuyên gia Chính trị, ông Ivan Konovalov, giám đốc Trung tâm chính trị đương đại (Nga) nhận xét việc quay lại các căn cứ quân sự cũ ở Cuba và Việt Nam là "rất quan trọng" nhưng đòi hỏi tốn rất nhiều chi phí.

"Quyết định mở lại các căn cứ này dĩ nhiên là vấn đề chính trị. Tuy nhiên vấn đề này phải theo tính toán về tài chính của Bộ Quốc phòng lẫn Bộ Tài chính. Duy trì các căn cứ thế này tốn rất nhiều tiền", chuyên gia Konovalov nói.

Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của căn cứ ở Cam Ranh: "Căn cứ Cam Ranh nằm trong vùng hoạt động của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, có thể đóng góp cho hoạt động của lực lượng hải quân Nga ở Địa Trung Hải cũng như việc chống hải tặc ở Ấn Độ Dương. Tóm lại hạm đội Thái Bình Dương sẽ hoạt động hiệu quả hơn (với căn cứ này)".

Căn cứ thu thập tín hiệu tình báo của Liên Xô ở Lourdes, Cuba - Ảnh: Reuters
Tàu trinh sát Viktor Leonov (SSV-175) của Nga tại cảng Havana (Cuba) đầu năm 2014 - Ảnh: AFP

Ngoài ra, ở châu Mỹ Latin, Nga không chỉ giới hạn việc hợp tác với Cuba mà cò thể hợp tác quân sự - kỹ thuật với các nước khác như Nicaragua, Venezuela…

Việc mở cửa các căn cứ quân sự mới sẽ giúp Nga mở rộng sự hiện diện quân sự và chính trị trên thế giới xét về quan điểm tình hình khó khăn hiện nay, theo kết luận của chuyên gia Konovalov.

Căn cứ thu thập thông tin tín hiệu tình báo Lourdes do Liên Xô xây dựng ở Cuba đầu những năm 1960, rộng 73 km vuông, cao điểm có hơn 1.500 nhân viên làm việc tại đây. Năm 2001 Nga đóng cửa căn cứ này.

Liên Xô hiện diện ở căn cứ quân sự Cam Ranh từ cuối những năm 1970, xây dựng nơi đây làm cơ sở phục vụ hoạt động hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương. Đến năm 2002 Nga chính thức rời khỏi căn cứ này. Việt Nam đã chuyển đổi mục đích sử dụng làm căn cứ quân sự và cảng biển quốc tế.

Đài RT dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn nói với hãng tin RIA hồi tháng 5.2016 rằng Việt Nam không phản đối việc Nga quay lại Cam Ranh nhưng sự hợp tác này phải không nhằm chống lại nước thứ ba.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.