Tin tức Covid-19: Sở Y tế TP.HCM đề xuất chính sách 'níu chân' nhân viên y tế

Duy Tính
Duy Tính
01/12/2021 06:23 GMT+7

Sở Y tế TP.HCM đề xuất nhiều chính sách "níu chân" nhân viên y tế trước thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc.

Trước thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, Sở Y tế TP.HCM vừa có dự thảo gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM về việc lấy ý kiến đóng góp dự thảo các văn bản đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Sở Y tế TP.HCM cũng tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xem xét thông qua cơ chế chính sách này.

Nhân viên trạm y tế làm nhiệm vụ như "trăm dâu đỗ đầu tằm"

DUY TÍNH

10 người phục vụ 165.000 dân

Theo Sở Y tế TP.HCM, thành phố là địa bàn đông dân. Tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên 10.000 dân chỉ đạt 2,31 thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06 ).

Theo thống kê, TP.HCM có 310 Trạm Y tế, trong đó 174/310 Trạm Y tế có số dân trên 20.000 dân. Trong số 174 Trạm Y tế trên 20.000 dân có 40 Trạm Y tế có số dân trên 50.000 dân, 3 Trạm Y tế có số dân trên 100.000 dân. Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A có số dân đông nhất 165.000 dân, gấp hơn 8 lần định mức 20.000 dân nếu chỉ được bố trí 10 biên chế/trạm thì không thể đảm bảo thực hiện hết khối lượng công việc được giao. Do đó, Sở Y tế TP.HCM đề xuất định mức biên chế phân bổ cho Trạm Y tế năm 2022.

Covid-19 sáng 1.12: Cả nước 1.238.082 ca nhiễm | Vắc xin có hiệu quả với biến thể Omicron?

Đề xuất 10.000 dân 10 biên chế

Theo đó, đối với Trạm Y tế từ 10.000 dân trở xuống thì bố trí tối thiểu 10 biên chế trạm. Đối với các Trạm Y tế trên 10.000 dân, tăng từ 5.000 dân thì tăng 1 biên chế (nếu số dư cuối từ 3.000 đến dưới 5.000 dân thì được bố trí thêm 1 biên chế ). Tối đa không quá 20 biên chế.

Như vậy, tổng số biên chế phân bố năm 2022 cho 310 Trạm Y tế theo định mức đề xuất là 4.156 biên chế (định mức biên chế này không bao gồm số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/ 000 của Chính phủ và Nghị định số 161/2018 của Chính phủ đối với chức danh nhân viên bảo vệ, nhân viên vệ sinh, mỗi trạm y tế có 2 vị trí ), tức tăng 1.869 biên chế so với tổng số biên chế năm 2021 đã phân bổ cho Trạm Y tế (biên chế năm 2021 đã giao cho 310 Trạm Y tế là 2.287 biên chế ).

Do đó , Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM bổ sung định mức số lượng người làm việc năm 2022 cho Sở Y tế TP.HCM để phân bố bổ sung 1.869 biên chế cho Trạm Y tế từ nguồn biên chế sự nghiệp của thành phố được Trung ương phân bố.

Chính sách tăng cường và thu hút nguồn nhân lực cho Trạm Y tế

Theo Sở Y tế TP.HCM, việc tuyển dụng nhân viên y tế cho Trạm Y tế hiện nay rất khó khăn. Để sử dụng có hiệu quả số lượng biên chế theo định mức đề xuất như trên, cần ban hành các cơ chế chính sách thu hút và tăng cường nguồn nhân lực.

Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đề nghị chính sách tăng cường nguồn nhân lực cho Trạm Y tế, đầu tiên là thu hút sinh viên y khoa mới tốt nghiệp tham gia công tác tại đơn vị y tế tuyến cơ sở. Để thu hút sinh viên y khoa mới tốt nghiệp tham gia công tác tại các đơn vị y tế tuyến cơ sở, Sở Y tế kiến nghị thành phố hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng cho các bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên mới tốt nghiệp đăng ký và tham gia thực hành tại Trạm Y tế. Cụ thể, đối với bác sĩ mới tốt nghiệp: hỗ trợ chi phí sinh hoạt 18 tháng khi được phân công và cam kết tham gia thực hành tại Trạm Y tế tối thiểu 12 tháng, thực hành 6 tháng tại các bệnh viện đa khoa. Đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên mới tốt nghiệp: hỗ trợ chi phí sinh hoạt 9 tháng khi được phân công và cam kết tham gia thực hành tại Trạm Y tế 9 tháng.

Như vậy, mỗi tháng bác sĩ (400 người), điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên (100 người) mới ra trường đi thực hành mỗi tháng ngoài lương cơ bản theo trình độ thì còn được hỗ trợ sinh hoạt hơn 4,4 triệu đồng.

Đối với các đối tượng quá tuổi lao động (nghỉ hưu) và tình nguyện viên, theo Sở Y tế TP.HCM, cần huy động bổ sung theo hình thức hợp đồng dịch vụ, hợp đồng hợp tác chuyên môn tham gia công tác tại Trạm Y tế với mức hỗ trợ thu nhập hàng tháng dựa trên mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, đối với bác sĩ nghỉ hưu: mức hỗ trợ thu nhập hàng tháng bằng 2 lần mức lương tối thiểu vùng (khoảng 8,8 triệu đồng/tháng ) được áp dụng theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm.

Đối với nhân viên y tế khác (điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, y sĩ, y tế công cộng, dược sĩ ... ) nghỉ hưu: mức hỗ trợ thu nhập hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng (khoảng 6,6 triệu đồng).

Đối với lực lượng tình nguyện viên (không có chuyên môn y tế), mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng bằng 1 lần mức lương tối thiểu vùng ( 4.4 triệu đồng) được áp dụng theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm.

Nhu cầu mỗi Trạm Y tế cần huy động 2 bác sĩ nghỉ hưu , 4 nhân viên y tế khác đã nghỉ hưu và 2 tình nguyện viên không có chuyên môn y tế.

Đối với các đối tượng trong độ tuổi lao động làm việc tại Trạm Y tế (nhân viên vệ sinh, bảo vệ), Trung tâm y tế nhưng hiện nay không thuộc đối tượng chi trả lương từ nguồn ngân sách hiện nay khoảng 300 người mà là từ nguồn thu dịch vụ của đơn vị, nhưng nhu cầu thực tế khoảng 620 người cho 310 Trạm Y tế. Do đó, đề xuất với nhân sự có chuyên môn y tế được hỗ trợ 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng (khoảng 6,6 triệu đồng/tháng) và nhân viên vệ sinh, bảo vệ là 1 lần mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4,4 triệu đồng).

TP.HCM: Gần 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc trong 10 tháng

Chính sách giữ chân nhân viên y tế yên tâm công tác

Theo Sở Y tế TP.HCM, ngày 27.1.2015, UBND TP.HCM có ban hành Quyết định số 06 về thu hút, hỗ trợ cho cán bộ, viên chức công tác tại các cơ sở y tế thuộc lĩnh vực y tế dự phòng. Tuy nhiên, đến nay một số chế độ hỗ trợ không còn phù hợp, chưa tạo ra sự khác biệt lớn để khuyến khích cán bộ y tế về tuyến cơ sở và y tế dự phòng nên việc tuyển dụng, duy trì nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần ban hành chính sách hỗ trợ hằng tháng nhằm tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn cho đối tượng này, đặc biệt là bác sĩ để họ có thể yên tâm công tác trong thời gian chờ các Bộ, ngành điều chỉnh, ban hành chế độ chính sách mới cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo đó, đề xuất, đối với bác sĩ: mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng bằng 4 lần mức lương cơ sở (khoảng 5,9 triệu đồng) theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm.

Đối với nhân viên y tế khác có trình độ đại học và y sĩ: mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng bằng 3 lần mức lương cơ sở (khoảng 4,4 triệu đồng) theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm.

Đối với nhân viên y tế có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp: mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng bằng 2 lần mức lương cơ sở (gần 3 triệu) theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong năm trong 10 tháng đầu năm 2021 có 988 nhân viên y tế nghỉ việc. Qua phân tích, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc tăng nhẹ ở khối điều dưỡng, bác sĩ ở trạm y tế. Lý do nghỉ việc chủ yếu xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, lý do cá nhân. Trong khi trước đó vào 2020, chỉ có có 597 nhân viên y tế nghỉ việc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.